Mua cổ phiếu quỹ có giúp “cứu” giá cổ phiếu?
Việc các ngân hàng thương mại mua vào cổ phiếu quỹ thời gian vừa qua được đánh giá là động thái nhằm “cứu” giá cổ phiếu trong bối cảnh thị giá cổ phiếu của ngân hàng đang chuyển động ngược chiều với tình hình chung của thị trường cũng như kết quả kinh doanh của chính các ngân hàng.
Làn sóng mua cổ phiếu quỹ
Thời gian gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến làn sóng mua lại cổ phiếu quỹ của khá nhiều doanh nghiệp, trong đó tiêu biểu là các ngân hàng thương mại. Những cái tên tiêu biểu gồm HDBank, VPBank, MBBank, TPBank.
Cụ thể, mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TPHCM (HDBank) dự kiến chi khoảng 1.250 tỉ đồng để mua tối đa 5% vốn điều lệ làm cổ phiếu quỹ. Được biết, nguồn vốn để HDBank thực hiện mục tiêu trên sẽ lấy từ thặng dư vốn cổ phần, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và các quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu được sử dụng để bổ sung vốn điều lệ. Ban lãnh đạo của ngân hàng này tin tưởng giá cổ phiếu HDBank sẽ tăng trưởng tích cực trong thời gian tới và việc mua cổ phiếu quỹ ở vùng giá hiện tại không chỉ giúp ổn định giá cổ phiếu mà còn là một khoản đầu tư mang lại hiệu quả cao cho ngân hàng và cổ đông.
Trước HDBank, cũng với mục tiêu ổn định giá cổ phiếu, giảm bớt số cổ phiếu đang lưu hành nhằm tăng tỷ lệ sinh lời trên mỗi cổ phiếu cho nhà đầu tư, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã đưa ra phương án mua lại cổ phiếu quỹ. Theo đó, VPBank sẽ mua tối đa 50 triệu cổ phiếu trên thị trường, tương đương 1,976% vốn điều lệ để làm cổ phiếu quỹ. Thời gian dự kiến mua là trong quí 4-2019. Nguồn vốn để mua số cổ phiếu trên được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm 2018. Để mua hết 50 triệu cổ phiếu, ngân hàng này sẽ chi ra tối thiểu 1.025 tỉ đồng. Hiện tại VPBank đang có hơn 73,2 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 2,894% vốn điều lệ. Nếu việc mua 50 triệu cổ phiếu quỹ thành công thì ngân hàng sẽ nắm tổng lượng cổ phiếu quỹ xấp xỉ 5% vốn điều lệ.
Cũng từ đầu năm 2019 đến nay, có hai ngân hàng khác đã tiến hành mua vào lượng lớn cổ phiếu quỹ là Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank). Trong đó, MBBank đã mua hơn 47 triệu cổ phiếu quỹ trong tổng số 108 triệu đơn vị đăng ký. Ước tính MBBank đã chi 1.035 tỉ đồng để mua lượng cổ phiếu trên với giá bình quân quanh mức 22.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, TPBank cũng đã hoàn tất mua lại 24 triệu cổ phiếu quỹ với tổng số tiền bỏ ra ước tính gần 627 tỉ đồng, tương đương giá mua bình quân là 26.117 đồng/cổ phiếu, nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu quỹ lên 3,5% vốn điều lệ. Tuy nhiên, hiện thị giá TPBank chỉ còn 22.300 đồng/cổ phiếu, giảm đáng kể so giá bình quân mua vào.
Ở chiều ngược lại, trong khi nhiều ngân hàng khác chi một số tiền không nhỏ để mua cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ thì Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) lại công bố bán tiếp hơn 35 triệu cổ phiếu quỹ, giá không thấp hơn 23.100 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị giao dịch nếu bán với giá tối thiểu 23.100 đồng/cổ phiếu là hơn 813 tỉ đồng. Ngân hàng này cho biết, mục đích bán hơn 35 triệu cổ phiếu quỹ lần này là để tăng nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh.
Giá cổ phiếu ngược chiều
Những tác động tích cực của việc mua cổ phiếu quỹ tới lợi ích của cổ đông là không cần bàn cãi. Về lý thuyết, hành động này sẽ giúp “cô đặc”, giảm lượng cổ phiếu lưu hành, từ đó làm tăng hệ số thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS). Khi lượng cổ phiếu lưu hành giảm, EPS sẽ tăng thêm, giúp hệ số P/E và các chỉ tiêu sinh lời ROA, ROE... của doanh nghiệp trở nên hấp dẫn hơn trong con mắt các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, mua cổ phiếu quỹ còn được coi là quyết định đầu tư tài chính của các doanh nghiệp, bởi sau khi mua cổ phiếu quỹ nếu doanh nghiệp kinh doanh tốt thì khả năng giá cổ phiếu tăng trưởng là cao. Khi đó, doanh nghiệp bán cổ phiếu quỹ, thu lời thì sẽ làm tăng thặng dư vốn cổ phần. Như vậy, cả trước mắt cũng như trong lâu dài, mua cổ phiếu quỹ đem lại lợi ích không nhỏ cho các cổ đông của doanh nghiệp.
Về phía các ngân hàng thương mại, việc mua vào cổ phiếu quỹ thời gian vừa qua còn được đánh giá là động thái nhằm “cứu” giá cổ phiếu. Tính từ đầu năm đến nay, VN-Index tăng hơn 14% nhưng giá cổ phiếu của hầu hết các ngân hàng đang niêm yết trên sàn lại có diễn biến ngược chiều. Trong tốp 5 cổ phiếu ngân hàng có giá trị vốn hóa lớn nhất, mã TCB của Techcombank có vốn hóa giảm 15% so với đầu năm 2019. TCB đang giao dịch quanh vùng giá 22.000 đồng/cổ phiếu, giảm khoảng 40% so với vùng giá 36.000 đồng/cổ phiếu (giá điều chỉnh) hồi mới lên sàn vào tháng 6-2018. Nhiều mã cổ phiếu ngân hàng khác cũng có giá trị thị trường giảm so với đầu năm bao gồm ACB (giảm 25%), STB (giảm 8%), SHB (giảm 12%)...
Trong khi đó, thống kê từ báo cáo kinh doanh sáu tháng đầu năm 2019 của 25 ngân hàng trong hệ thống cho thấy, tổng giá trị lợi nhuận mà các ngân hàng ghi nhận đạt hơn 53.076 tỉ đồng, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Vietcombank vẫn đang giữ vị trí quán quân lợi nhuận trong hệ thống với hơn 11.300 tỉ đồng và ngày càng bỏ xa những ngân hàng còn lại. Tương tự như sáu tháng đầu năm ngoái, Techcombank và VietinBank tiếp tục đứng thứ 2 và thứ 3 về lợi nhuận, lần lượt đạt 5.662 và 5.335 tỉ đồng. MBBank đã leo lên vị trí thứ 4 với 4.875 tỉ đồng lợi nhuận. VPBank theo sau khá sát với 4.343 tỉ đồng lãi trong nửa đầu năm.
Với việc kết quả kinh doanh nửa đầu năm cũng như dự đoán cả năm 2019 nhìn chung vẫn khả quan, đà giảm của nhiều cổ phiếu ngân hàng tốp đầu thời gian vừa qua dường như là một nghịch lý. Mặc dù vậy, cũng cần lưu ý là mặc dù kết quả kinh doanh của toàn hệ thống tăng trưởng tốt, nhưng mức độ phân hóa giữa các thành viên là rất lớn. Do vậy, việc chọn lựa cổ phiếu ngân hàng có nền tảng cơ bản tích cực đi kèm định giá đã về mức hấp dẫn đòi hỏi nhà đầu tư phải có năng lực “đãi cát tìm vàng” mới mong thu được “quả ngọt”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận