Mua bất động sản thời "sốt giá", nay cay đắng đi làm bảo vệ trả lãi
Đổ tất cả vốn vào bất động sản, không ít nhà đầu tư "tay ngang" đang phải xoay xở với khó khăn thiếu dòng tiền, áp lực trả lãi vay khi thị trường trầm lắng.
Bán không được, giữ không xong
Ngừng kinh doanh dịch vụ ăn uống do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cuối năm 2021, đầu năm 2022, anh Nguyễn Thế Đạt (ở Hoàng Mai, Hà Nội) đã đổ hết tiền đang có vào đầu tư bất động sản. Anh mua liên tiếp tới 2 lô đất nền tại huyện Thạch Thất (Hà Nội) với giá 4 tỷ đồng.
Theo anh Đạt, thời gian trên, các hoạt động kinh doanh đều gặp khó khăn, anh tính đầu tư vào bất động sản giữ tiền cho chắc. Tuy nhiên, khi thị trường đột ngột chững lại, anh muốn bán để lấy vốn kinh doanh cũng không thể bán được.
"Trong 4 tỷ đồng bỏ ra mua đất, tôi cũng phải đi vay mượn ngoài hơn 1 tỷ đồng. Nợ tới thời điểm phải trả, còn vốn thì không có để mở lại cửa hàng", anh Đạt chia sẻ và cho biết, để cầm cự với khoản lãi vay, anh phải đi làm bảo vệ cho một cửa hàng gần nhà.
Nêu lý do chưa bán được bất động sản đang sở hữu, anh Đạt cho biết, các lô đất nền được mua thời giá lập đỉnh. "Dù cắt lỗ các lô đất từ 100 đến 300 triệu đồng nhưng vẫn khó bán, vì người mua từ giai đoạn trước có giá thấp, giờ họ bán ra giá thấp hơn cả giá cắt lỗ của tôi", anh Đạt nói.
Cũng trong tình cảnh "bán không được, giữ không xong", anh Nguyễn Văn Kha (ở Nam Định) cũng đang rơi vào bế tắc khi các bất động sản đang sở hữu không thể thanh khoản. Theo anh Kha, năm 2021, anh cùng với nhóm bạn đầu tư đất nền tại một dự án khu đô thị ở Nha Trang (Khánh Hòa). Số tiền góp chung cũng ở mức tiền tỷ một người. Nhưng tới nay, không thể bán được, dù chấp nhận giảm cả vài trăm triệu đồng so với mức mua vào.
Bên cạnh đó, anh Kha còn đang "chôn vốn" tiền tỷ tại một lô đất trồng cây lâu năm ở gần nơi mình ở. Lô đất này là đất nông nghiệp, được tách từ một thửa đất ở nông thôn khác, nhưng tới nay chưa thể chuyển đổi được mục đích sang đất ở. Do đó, việc bán lô đất này ở thời điểm hiện nay là không thể, chưa kể giá đất ở nông thôn đang giảm sâu.
"Tôi chỉ mong chờ lô đất nền ở Nha Trang sớm bán được để sớm thanh toán các khoản vay. Bởi nếu để lâu, tôi càng phải nợ nhiều hơn. Còn lô đất ở quê thì xác định lâu dài, chứ giờ muốn bán giá rẻ cũng khó vì nó chưa có đất ở", anh Kha nói.
Thị trường vẫn còn xu hướng cắt lỗ
Thực tế, thị trường bất động sản đã rơi vào trầm lắng từ giữa năm 2022 và duy trì sang đầu năm 2023. Tình trạng giảm giá, bán cắt lỗ vẫn diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt ở phân khúc đất nền tại các huyện vùng ven Hà Nội và vùng nông thôn.
Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) cho rằng, hiện nay đất nền ven Hà Nội và TPHCM đã giảm giá nhưng vẫn tương đối cao.
Theo ông Toản, những người mua đất vùng ven 70-80% là đầu tư, đầu cơ mà không có nhu cầu thực. Song những người này đa phần sử dụng đòn bẩy tài chính lớn. Trong khi đó lãi suất hiện nay vẫn neo cao, do đó những nhà đầu tư này đang chịu áp lực khá lớn.
Do đó, theo vị này, thời gian tới khi áp lực tài chính lên cao, nhiều nhà đầu tư sẽ tiếp tục phải giảm giá bán. Ông dự báo, phải đến khoảng giữa và cuối năm 2023 thị trường sẽ xác định đáy và đây là thời điểm thích hợp để xuống tiền.
Còn theo Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) Nguyễn Văn Đính, thời điểm trước Tết Nguyên đán giao dịch trên thị trường rơi vào trầm lắng. Từ giữa tháng 2 tới nay ghi nhận của VARS cho thấy thị trường đã rục rịch giao dịch trở lại.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, số lượng giao dịch trên thị trường có tăng nhưng tình trạng khó thanh khoản vẫn đang diễn ra.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận