Mua bán vàng quá khó
Giá vàng miếng SJC lẫn vàng nhẫn đều lập đỉnh nhưng rất ít tiệm vàng chấp nhận mua vào
Cuối ngày 22-10, giá vàng miếng vọt lên 89 triệu đồng/lượng, tăng 1 triệu đồng mỗi lượng so với hôm trước. Giá vàng nhẫn và vàng trang sức 24K cũng lập đỉnh mới ở 87,78 triệu đồng/lượng bán ra, tăng hơn 2 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, thị trường không hề nhộn nhịp như những tháng trước, nguyên nhân chủ yếu vì việc mua bán quá khó.
Bán vàng cũng khó
Trong vai người có nhu cầu bán vàng, chúng tôi tới một số cửa hàng của các thương hiệu vàng lớn ở TP HCM như PNJ, DOJI, Mi Hồng… hỏi bán vàng miếng SJC và vàng nhẫn trơn 24K nhưng nhân viên cho biết chỉ mua vàng SJC với điều kiện miếng vàng phải còn nguyên vẹn, không móp méo, không bị bong tróc miếng nhựa bọc bên ngoài. Còn với vàng nhẫn 99,99, các cửa hàng chỉ mua vàng của thương hiệu mình.
Tại cửa hàng PNJ ở đường Điện Biên Phủ (quận 3), nhân viên cho biết không mua vào vàng của các thương hiệu khác, ngoài vàng nhẫn của PNJ; thậm chí vàng miếng SJC loại 1, 2, 5 chỉ cũng không thu mua, chỉ mua từ 1 lượng trở lên. Tình hình cũng diễn ra tương tự với cửa hàng vàng DOJI trên đường Cách mạng Tháng Tám (quận 3).
Tại khu vực chợ Tân Định (quận 1), nhân viên một cửa hàng trên đường Nguyễn Hữu Cầu dứt khoát không mua vàng miếng SJC cũng như vàng thương hiệu PNJ, DOJI, Bảo Tín Mạnh Hải… cũng như vàng do những tiệm khác chế tác.
Đáng nói, tiệm vàng này cũng không có vàng nhẫn để bán cho khách mà chỉ bán vàng trang sức. Nhân viên này cũng không quên dặn dò, "giờ đi tiệm vàng nào cũng vậy". Bởi, nếu không có giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng SJC, không cửa hàng nào dám giao dịch với khách hàng.
Nhiều người khác cũng phản ánh phóng viên Báo Người Lao Động về tình trạng khó bán vàng miếng SJC và vàng nhẫn các thương hiệu ở tiệm vàng dù giá đang rất cao. Đặc biệt, với vàng miếng SJC, người dân có thể đặt mua ở 4 ngân hàng thương mại gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank và Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhưng chỉ có thể bán cho Công ty SJC, còn 4 ngân hàng lại không được mua vào.
Nhận định về thị trường vàng trong nước ở hiện tại và khó khăn trong giao dịch vàng, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đến lúc cơ quan quản lý cần cân nhắc lại chương trình ổn định thị trường vàng. Bởi, mục tiêu giá vàng trong nước thu hẹp với vàng thế giới hiện đã đạt được, từ mức chênh lệch 18-20 triệu đồng/lượng trước đây xuống còn 4-5 triệu đồng/lượng như hiện tại. "Trong lúc giá vàng miếng SJC đang tăng mạnh theo thế giới và nguồn cung hạn chế sẽ kích thích nhu cầu mua, nắm giữ vàng của người dân nhiều hơn. Trong khi đây là nhu cầu hợp lý và hợp pháp của người dân" - TS Hiếu phân tích.
Rủi ro mua vàng ở vùng đỉnh
Theo các chuyên gia, giá vàng trong nước những ngày qua tăng sốc theo đà nhảy vọt của thế giới. Trên thị trường quốc tế, giá vàng leo lên tới 2.734 USD/ounce (cuối ngày 22-10, theo giờ Việt Nam), trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị khu vực Trung Đông chưa hạ nhiệt; ngân hàng trung ương các nước tiếp tục lộ trình cắt giảm lãi suất…
Giá vàng thế giới đang ở mức cao nhất từ trước tới nay. Tính từ đầu năm 2024 tới nay, giá vàng đã tăng hơn 750 USD/ounce (tăng xấp xỉ 38%). Chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho rằng giá vàng đang tăng quá nóng nên có thể đảo chiều giảm bất ngờ. "Xác suất giá vàng lao dốc trong ngắn hạn do áp lực chốt lời là khó tránh.
Do vậy, đầu tư vàng vào thời điểm này khá rủi ro. Trong lịch sử, giá vàng hiếm khi tăng giá trên 30% trong 1 năm, năm tiếp theo vẫn tăng mạnh. Vì vậy, năm 2025 dự báo giá vàng còn đi lên nhưng có thể xuất hiện những cú giảm bất ngờ" - ông Trần Duy Phương nói.
Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh cho hay thị trường tài chính đang diễn ra một hiện tượng hiếm hoi, là không chỉ giá vàng, chứng khoán mà cả giá USD cùng tăng. Thông thường giá USD tăng, vàng sẽ giảm nhưng hiện tại cả hai tài sản đều liên tục đi lên. Giá vàng được dự đoán có thể hướng tới mốc 3.000 USD/ounce vào thời điểm cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Dù vậy, trong xu hướng đi lên của vàng, đang có một số yếu tố ngăn cản đà tăng giá. Đó là giá USD tăng, khu vực Trung Đông bớt căng thẳng, từ đó dòng tiền có thể sẽ rút dần ra khỏi vàng. "Nếu động thái chốt lời ở mức giá cao kỷ lục 2.800 - 3.000 USD/ounce xảy ra, sẽ làm giá vàng đi xuống. Trung Quốc mấy tháng gần đây đã tạm ngưng mua vàng, một số nước khác cũng có thể tạm dừng và thực hiện bán vàng chốt lời ở mức giá cao" - ông Phan Dũng Khánh nói.
Với giá vàng trong nước, TS Nguyễn Trí Hiếu nói bản thân ông cũng không dự đoán nổi giá vàng miếng SJC có trở lại vùng đỉnh 91 triệu đồng/lượng như hồi đầu năm hay không? Bởi, hiện nay NHNN vẫn đang kiểm soát rất chặt chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.
Phải xem NHNN tiếp tục duy trì chính sách bình ổn thị trường vàng này thế nào, mới dự báo được tác động tới giá vàng miếng SJC. Vì vậy, nếu người dân hay nhà đầu tư muốn "lướt sóng" kiếm lời thì nên cẩn trọng. Bởi giá vàng sau khi lên quá cao có thể tạo ra bong bóng. Còn nếu tích trữ lâu dài vẫn có thể mua lúc này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận