Mua bán, sáp nhập ngân hàng: Muốn nhưng không dễ
Bán bớt cổ phần cho đối tác nước ngoài là giải pháp hiệu quả để các ngân hàng tăng vốn, qua đó đáp ứng quy định của cơ quan chức năng và cải thiện năng lực cạnh tranh. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng muốn mua cổ phần của các ngân hàng thương mại Việt Nam.
Tuy nhiên, giữa mong muốn của đôi bên và hiện thực vẫn còn nhiều khoảng cách, bao gồm cả trở ngại từ chính sách thực thi.
Phức tạp với định giá và chốt giá
Thương vụ KEB Hana Bank của Hàn Quốc mua 15% cổ phần của BIDV ở mức giá khoảng 33.640 đồng/CP được cho là phù hợp trong bối cảnh thị trường hiện nay, đáp ứng được nhu cầu của cả hai bên. Với BIDV, từ lúc bắt đầu tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài đến lúc công bố nghị quyết về giao dịch với nhà đầu tư nước ngoài là hơn 4 năm. Còn với KEB Hana, từ lúc mở lời với BIDV đến lúc chốt thương vụ này phải trải qua quá trình đàm phán hơn một năm.
Về các trở ngại trong quá trình thương lượng, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông đầu năm nay, lãnh đạo của BIDV cho biết, việc chậm đi đến ký kết chính thức là do quá trình đàm phán và bán vốn phải trải qua rất nhiều thủ tục và cần sự hỗ trợ và tháo gỡ của các cơ quan có liên quan.
Trao đổi về nội dung này, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV nói: “Thực tế, khâu phê duyệt các thủ tục hành chính của cơ quan chức năng hiện nay vẫn còn khá chậm. Việc thống nhất mức giá bán giữa các bên là rất khó khăn, trong đó, một trong những lý do là cơ chế chính sách hiện hành về định giá và chốt giá rất phức tạp. Chẳng hạn, giá bán không được thấp hơn mức giá tổ chức tư vấn định giá, không được thấp hơn giá thị trường, phải được kiểm toán nếu cần. Từ thời điểm bắt đầu đàm phán cho đến thời điểm chốt giá thì giá thị trường có thể tăng gấp rưỡi, gấp đôi, làm phá vỡ kế hoạch tài chính của đối tác nước ngoài dẫn đến khó thương lượng. Tất cả những việc đó là không dễ dàng và không tương đồng với thông lệ quốc tế”.
Đồng quan điểm, TS. Bùi Quang Tín, Chủ tịch Trường Doanh nhân Bizlight cho rằng, với các quy định và diễn biến thị trường hiện nay, giá bán là vấn đề khó khăn nhất trong các thương vụ bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nói chung và tại các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước nói riêng.
“Tại các ngân hàng có tỷ lệ cổ phần nhà nước lớn, giá bán cổ phần cho đối tác thấp hơn giá thị trường được cho là có thể gây thiệt cho vốn nhà nước. Do đó, khi thị trường chứng khoán đi lên, các ngân hàng thương mại càng khó bán”, ông Tín nói.
Tuy nhiên, cũng theo vị Chủ tịch Bizlight, khó khăn trong việc thoái vốn của các ngân hàng thương mại cổ phần không chỉ ở việc chốt giá mà còn ở những yếu tố nội tại của các ngân hàng. Theo đó, cách thức quản lý của các ngân hàng Việt Nam vẫn còn nhiều điểm chưa theo chuẩn mực quốc tế, các khác biệt về hệ thống sổ sách kế toán, cách thức điều hành doanh nghiệp khiến hai bên phải trao đổi với nhau nhiều việc hơn. Do đó, ngân hàng cũng không dễ tìm đối tác nước ngoài để vừa hỗ trợ về vốn lại vừa phù hợp văn hóa và cách thức quản trị, điều hành để cùng đưa doanh nghiệp sau mua bán và sáp nhập (M&A) phát triển theo đúng định hướng và kỳ vọng.
Triển vọng sáng, cần giải pháp hiệu quả
Từ nay đến cuối năm, M&A trong khối ngân hàng có vốn nhà nước được dự báo sẽ có nhiều triển vọng tích cực từ cả hai phía cung và cầu về vốn. Trước hết, các ngân hàng thực sự đang rất cần vốn để đáp ứng các quy định của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, tiến trình hội nhập đòi hỏi ngành ngân hàng cũng phải nâng cao sức cạnh tranh, điều này đặt ra yêu cầu tăng năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng. Mặt khác, triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam tích cực càng thu hút các đối tác nước ngoài tham gia thị trường.
Bình luận về vấn đề này, ông Bùi Quang Tín cho rằng, xu hướng M&A trong lĩnh vực ngân hàng là tất yếu trong tương lai gần, bởi các yêu cầu bức thiết từ nội tại và cả nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Đây cũng là chủ trương của Ngân hàng Nhà nước trong chiến lược tái cơ cấu và phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, nếu tiến trình từ gặp gỡ đến ký kết kéo dài cả năm như trường hợp của KEB Hana và BIDV thì thị trường khó kỳ vọng có nhiều thương vụ M&A mới từ nay đến cuối năm. Do đó, ông Cấn Văn Lực cho rằng, rất cần có những giải pháp kịp thời để đẩy nhanh tiến độ này.
“Chính phủ và các cơ quan chức năng đã và đang có nhiều giải pháp để gỡ khó và thúc đẩy quá trình bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo tôi, vấn đề rất quan trọng là cần nghiên cứu sửa đổi quy định về định giá và chốt giá. Việc này cần thực hiện theo thông lệ quốc tế để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Lực nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận