menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Dương Hải

Mua bán sáp nhập 2021: “Sáng” giữa đại dịch

Bất chấp dịch bệnh Covid-19 với nhiều quãng thời gian các địa phương áp dụng biện pháp hạn chế đi lại, thị trường mua bán sáp nhập (M&A) năm 2021 vẫn mang nhiều gam màu sáng khi ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng.

Những thương vụ khủng

Tháng 4/2021, trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, ngành tài chính - ngân hàng chứng kiến một thương vụ M&A “siêu khủng” khi VPBank quyết định bán 49% vốn tại FE Credit cho đối tác ngoại Nhật Bản là Tập đoàn Sumitomo Mitsui (SMBC). Thương vụ này đã giúp VPBank “bỏ túi” gần 1,4 tỷ USD, tương đương 31.500 tỷ đồng.

Một đại diện VPBank cho hay, thương vụ M&A này sẽ góp phần đáng kể giúp ngân hàng tăng vốn chủ sở hữu hơn 57.000 tỷ đồng. Không chỉ vậy, ngân sách Nhà nước cũng thu về hàng nghìn tỷ đồng từ khoản sang tay 49% vốn tại FE Credit nói trên.

Mua bán sáp nhập 2021: “Sáng” giữa đại dịch

Ông Jun Ohta - Tổng Giám đốc Tập đoàn SMBC - bên mua trong giao dịch kể trên - cho biết, đây có thể xem là thương vụ đầu tư tài chính lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay. “Thương vụ này không chỉ cho thấy kỳ vọng tăng trưởng của FE Credit mà còn là minh chứng cho niềm tin của Tập đoàn SMBC vào tiềm năng tăng trưởng của đất nước Việt Nam”, ông chia sẻ.

Thêm một minh chứng cho thấy sự hấp dẫn của thị trường M&A Việt Nam, đặc biệt trong ngành tài chính - ngân hàng, là thương vụ bán 100% vốn điều lệ của SHB Finance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan vào cuối tháng 8/2021. Mặc dù giá trị thương vụ không được các bên công bố, song truyền thông nước ngoài đã tiết lộ số tiền mà Krungsri cần chi là khoảng 5,1 tỷ Baht, tương đương khoảng 156 triệu USD hay hơn 3.500 tỷ đồng.

Tiền thân của SHB Finance là Công ty tài chính Vinaconex Viettel. Trong khi đó, Krungsri là ngân hàng lớn thứ 5 tại Thái Lan và là thành viên chiến lược của MUFG Group, tập đoàn đến từ Nhật Bản. MUFG cũng là cái tên không còn xa lạ tại thị trường Việt Nam khi tập đoàn này là cổ đông chiến lược nắm giữ 20% cổ phần tại VietinBank.

Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng, hoạt động M&A tiếp tục ghi nhận những thương vụ lớn trong nhiều lĩnh vực như: KKR góp 100 triệu USD vào Tập đoàn giáo dục EQuest Việt Nam (giáo dục); SK Group đầu tư 410 triệu USD vào VinCommerce (bán lẻ); ngân hàng Nhật Mizuho chi 170 triệu USD mua 7,5% cổ phần MoMo (ví điện tử)…

Tăng trưởng sôi động

Bất chấp những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, trường hợp những nhà đầu tư nước ngoài đặt niềm tin vào triển vọng kinh doanh tại Việt Nam, thông qua hoạt động M&A để gia nhập thị trường như Tập đoàn SMBC vẫn không ngừng tăng lên.

Theo thông tin từ Diễn đàn mua bán sáp nhập năm 2021, quy mô giá trị thị trường M&A Việt Nam đạt 8,8 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2021, tăng 18% so với năm 2020. Trong đó, có 58% tổng giá trị các giao dịch M&A đến từ ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, bất động sản và tài chính. Hơn 500 số thương vụ được công bố trong 10 tháng năm 2021.

Sức hút M&A ngày càng tăng tại Việt Nam được thể hiện một cách rõ nét không chỉ qua sự tăng trưởng của tổng giá trị giao dịch mà còn qua giá trị bình quân trong mỗi giao dịch, khi ngày càng nhiều thương vụ có giá trị trên 100 triệu USD được ghi nhận.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, sự tăng trưởng mạnh cả về giá trị và số thương vụ M&A tại Việt Nam trong năm 2021, bất chấp bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến vô cùng phức tạp, cho thấy thị trường M&A Việt Nam rất hấp dẫn, các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước vẫn đặt niềm tin vào nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh cũng như các giải pháp phòng chống dịch quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ.

Quan điểm trên được Warrick Cleine - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia, thừa nhận khi cho rằng môi trường M&A Việt Nam “khá thú vị và hấp dẫn”. Các thương vụ M&A đang rất được quan tâm, với những thương vụ có giá trị lên tới hàng trăm triệu USD. Ông cho rằng M&A đã trở thành một phần quan trọng trong bức tranh kinh tế Việt Nam.

“Nhiều quốc gia Bắc Á tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam, đó là tín hiệu rất tốt. Tuy nhiên, vẫn có những thách thức với các tập đoàn, doanh nghiệp M&A, đó là tạo ra giá trị cho các doanh nghiệp mà họ mua. M&A đang trở thành lựa chọn quan trọng của các doanh nghiệp”, Warrick Cleine nói.

Masataka Sam Yoshida - Giám đốc toàn cầu Dịch vụ mua bán - sáp nhập xuyên quốc gia của RECOF Corporation, Tổng giám đốc RECOF Việt Nam, cho rằng xu hướng M&A của nhà đầu tư Nhật Bản tại các nước Đông Nam Á tăng mạnh. Dù ảnh hưởng của Covid-19 nhưng Việt Nam đứng Top 2 các điểm đến quan trọng nhất, sau Singapore.

Nhà đầu tư nội - “tay chơi” mới nổi

Cùng với sự phấn khích của các “ngoại binh”, sự góp mặt của nhiều nhà đầu tư nội trong vai trò là những “tay chơi” mới nổi trên sân chơi M&A cũng khiến thị trường càng thêm sôi động. Masan Group là một trong những công ty đầu tiên khuấy động thị trường bán lẻ thông qua M&A. Thaco đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp thông qua các thương vụ mua lại HAGL Argico và mới đây là mua lại chuỗi siêu thị Emart.

Trong khi đó, Vingroup đang tái cơ cấu hệ sinh thái công nghiệp của mình bằng cách mua lại khả năng nghiên cứu và phát triển trên toàn cầu. Vinamilk chọn kênh vươn ra thế giới thông qua các cú bắt tay với đối tác ngoại, thâu tóm thêm các công ty đường và sữa có quy mô nhỏ khác. NovaGroup thì tiếp tục củng cố hệ sinh thái đa ngành theo chiến lược phát triển bền vững...

Theo số liệu của KPMG, tỷ trọng giá trị M&A mà doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò bên mua đang có xu hướng tăng lên. Đã có 1,6 tỷ USD được thực hiện bởi các nhà đầu tư trong nước trong 10 tháng năm 2021. Trong đó, 1,13 tỷ USD với 11 thương vụ được thực hiện bởi 5 công ty hàng đầu của Việt Nam, như Vingroup, Masan, NovaLand, Hoà Phát, Vinamilk.

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thị trường M&A có đặc điểm nổi bật là sự tham gia mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp nội địa. Năm 2018, doanh nghiệp Việt Nam là bên mua chiếm 18% thì sang năm 2019-2020 tăng lên 30%. Các chủ thể tham gia vào M&A từ năm 2019 đến quý I/2021 có 49% là doanh nghiệp Việt Nam. Các địa bàn diễn ra M&A thì 70% ở Việt Nam, 30% ở lãnh thổ bên ngoài. “Điều này cho thấy sự vươn lên của doanh nghiệp Việt và là dấu ấn rất quan trọng”, ông Hiếu nhận định.

Theo nhiều chuyên gia, hoạt động M&A năm 2022 tại Việt Nam hứa hẹn sẽ như chiếc lò xo bung mạnh sau thời gian dồn nén bởi dịch bệnh. Yếu tố thuận lợi khách quan đầu tiên phải kể đến là các nền kinh tế lớn của thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU… đang bơm một lượng tiền khổng lồ để phục hồi kinh tế. Dòng vốn rẻ, dồi dào đó đang được nhiều tập đoàn, quỹ đầu tư sử dụng cho các chiến lược tái cơ cấu hoàn thiện hệ sinh thái, hoàn thiện chuỗi giá trị, đầu tư cho các mô hình phát triển mới, vào các doanh nghiệp cùng dự án có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai. Việt Nam - điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn - sẽ tiếp tục là sự lựa chọn của dòng vốn này.

Yếu tố thứ hai là các FTA thế hệ mới đã được ký kết như RCEP, CPTPP, EVFTA, UKVFTA... sẽ tạo ra khu vực thương mại tự do mới, có quy mô lớn, thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị, tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo nền tảng, thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tái cấu trúc hướng tới thiết lập chuỗi giá trị, đầu tư vào công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh... Đồng thời, yếu tố trên còn tạo cơ hội hợp tác sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường của các doanh nghiệp, trở thành chất xúc tác cực mạnh cho hoạt động M&A.

Yếu tố thứ ba có tác dụng kích thích hoạt động M&A mạnh mẽ trong giai đoạn tới là Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế đang được Chính phủ trình Quốc hội. Chương trình này không chỉ là gói kích thích phục hồi kinh tế được lượng hóa bằng lượng vốn lớn mà còn là việc điều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô, cải cách môi trường kinh doanh nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp, kích cầu nền kinh tế, thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn.

Yếu tố lạc quan tiếp theo là khung khổ pháp lý, cải cách thể chế và môi trường đầu tư kinh doanh đang ngày một hoàn thiện sẽ tạo bàn đạp vững chắc, tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Theo đó, nhiều đổi mới, cải cách trong thủ tục gia nhập thị trường, thực hiện đầu tư - kinh doanh… trong sửa đổi các Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP)… đã có hiệu lực, đi vào cuộc sống, tạo hiệu ứng tích cực lên thị trường M&A trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Cùng với đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện chiến lược thu hút FDI trong thời kỳ mới, mục tiêu là ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, cam kết hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, gắn với đào tạo nguồn nhân lực. Điều này đồng nghĩa với việc danh mục, hạng mục đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ rộng mở hơn, nhiều sự lựa chọn hơn.

Ngoài ra, còn một loạt yếu tố khác đang trợ lực cho thị trường M&A. Đó là sự trỗi dậy mạnh mẽ của doanh nghiệp Việt Nam với tư cách bên mua. Đó là nhu cầu lớn về tái cấu trúc hướng tới thiết lập chuỗi giá trị, đầu tư vào công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt. Đó còn là sự xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh doanh mới tại Việt Nam, là áp lực thoái vốn và nguồn hàng khổng lồ từ khối doanh nghiệp nhà nước…

Tất cả những yếu tố trên đang và sẽ tiếp sức giúp hoạt động M&A tại thị trường Việt Nam bùng nổ trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả