menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Bùi Anh Thơ

Mua bán nợ xấu chỉ chuyển dịch, đá đi đá lại giữa các ngân hàng

"Quy định hiện hành mới chỉ cho phép các ngân hàng và VAMC tham gia thị trường nên thực chất nợ chỉ chuyển dịch, đá đi đá lại giữa các ngân hàng mà chưa có một giải pháp thị trường đúng nghĩa”- ông Darryl Dong, Cán bộ Quốc gia Cao cấp, IFC Việt Nam cho biết.

Tại Toạ đàm "Vấn đề xử lý nợ xấu trong Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi)" diễn ra sáng nay 17/5, các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh doanh nghiệp rất khó khăn, kinh tế toàn cầu có biểu hiện suy thoái, tỷ lệ nợ xấu thời gian tới sẽ tiếp tục tăng.

Nợ tiềm ẩn thành nợ xấu ước chiếm 5% tổng dư nợ

Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) Nguyễn Quốc Hùng cho biết: Từ khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực (ngày 15/8/2017) đến cuối tháng 1/2023, toàn hệ thống đã xử lý được 416 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết 42 đạt 211,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 50,9% tổng nợ xấu đã xử lý).

Mua bán nợ xấu chỉ chuyển dịch, đá đi đá lại giữa các ngân hàng
​Quang cảnh buổi Toạ đàm

Ngoài ra, xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 122,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 29,3% tổng nợ xấu đã xử lý). Xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam (VAMC) được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 82,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 19,7%).

Mặc dù, việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng trước những diễn biến bất lợi của tình hình kinh tế, chính trị thế giới và những khó khăn của nền kinh tế trong nước, khả năng thanh toán của nhiều doanh nghiệp suy giảm, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng.

Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống đến cuối tháng 2/2023 đã lên tới 2,91%, tăng khá mạnh so với mức 2% cuối năm 2022 và gần gấp đôi cuối năm 2021. NHNN xác định tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 2/2023 ước chiếm 5%/tổng dư nợ.

“Thực trạng nợ xấu của các TCTD hiện nay rất đáng lo ngại, trong bối cảnh doanh nghiệp rất khó khăn, kinh tế toàn cầu có biểu hiện suy thoái”- Tổng thư ký VNBA nhận định.

Chất lượng tài sản suy giảm, vấn đề kiểm soát nợ xấu của ngân hàng thương mại gặp nhiều khó khăn. Việc bán tài sản bảo đảm, đặc biệt là các khoản nợ lớn cần tổ chức bán nợ theo giá thị trường khó thực hiện trong điều kiện thị trường bất động sản đóng băng;

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhưng đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả nợ các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn gây ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, trong khi việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 đã hết hiệu lực…

Việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ trên thực tế gặp nhiều vướng mắc; Hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ còn chưa đồng bộ, thống nhất; Khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định pháp luật khác. “Một số doanh nghiệp cho biết họ đã hết nguồn lực, điều này dẫn đến ngân hàng gặp khó khi thu hồi các khoản nợ. Tỷ lệ nợ xấu theo tôi thời gian tới sẽ tiếp tục tăng” - ông Hùng nói.

Xử lý nợ xấu theo thị trường, thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia

Trước bối cảnh, Nghị quyết 42 sẽ chính thức hết hiệu lực gia hạn từ ngày 31/12/2023, NHNN đang đẩy nhanh quá trình lấy ý kiến Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi), nhằm luật hoá Nghị quyết 42, bảo đảm không tạo khoảng trống pháp lý khi nghị quyết này hết hiệu lực. Dự thảo đã bổ sung thêm 1 chương quy định về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm.

“Nếu như xác định nợ xấu là vấn đề riêng của ngành ngân hàng thì xử lý rất khó, còn nếu xác định nợ xấu là vấn đề xã hội, là vấn đề cần quan tâm thì phải cần sự đồng thuận của các cơ quan, tổ chức để xử lý nghiêm và thu hồi các khoản nợ” - ông Hùng nhận định.

Ngoài ra, Chính phủ cần cho phép các ngân hàng thương mại Nhà nước được tăng vốn điều lệ các năm tới thông qua hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận để lại sau trích lập các quỹ giai đoạn 2022-2023 nhằm gia tăng năng lực tài chính, dự phòng rủi ro trong bối cảnh nợ xấu tăng cao thời gian tới.

Theo ông Darryl Dong - Cán bộ Quốc gia Cao cấp, IFC Việt Nam, đến nay, Việt Nam vẫn không có một giao dịch mua bán nợ xấu nào đúng nghĩa thị trường mà chủ yếu là mua bản trên bảng cân đối kế toán giữa các ngân hàng và VAMC. Thị trường mua bán nợ chưa thực sự mở cửa cho các nhà đầu tư tham gia thị trường.

“Hiện nay, Luật lệ Việt Nam và các đề xuất đều chưa thu hút được các bên tham gia thị trường. Quy định mới chỉ cho phép các ngân hàng và VAMC tham gia thị trường nên thực chất nợ chỉ chuyển dịch, đá đi đá lại giữa các ngân hàng mà chưa có một giải pháp thị trường đúng nghĩa”- ông Darryl Dong nói thêm.

Chúng tôi có 2 khuyến nghị cho chương xử lý nợ xấu trong Luật Các TCTD (sửa đổi). Thứ nhất, Việt Nam cần có nhà đầu tư nước ngoài tới giải quyết hỗ trợ nợ xấu, thu hút vốn của các nhà đầu tư này. Việc mở cửa này theo ông Darryl Dong cần được làm rõ, quy định rõ trong luật. Việt Nam cần quy định mới đủ tốt sẽ thu hút chuyên gia và nhà đầu tư nợ xấu. Các bên mua bán nợ xấu rất quan trọng, bên mua nợ xấu cần được kế thừa đầy đủ trách nhiệm quyền hạn với khoản nợ xấu được mua.

Hiện nay, chưa có sự phối hợp đồng bộ và thống nhất việc xử lý giữa TCTD và các Cơ quan chức năng (Công an địa phương, Văn phòng Đăng ký đất đai, Cơ quan Thi hành án các cấp, Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Tòa án nhân dân các cấp và các Bộ/ngành liên quan) nên khi có vấn đề phát sinh cần được giải quyết thì các cơ quan ban/ngành chưa đẩy nhanh xử lý, giải quyết. Vì vậy, cần thiết phải ban hành Thông tư liên tịch để quy định cụ thể về thời gian xử lý, xác minh, trả lời các văn bản của các Cơ quan chức năng và hướng dẫn các Cơ quan chức năng phối hợp để đẩy nhanh quá trình xử lý, giải quyết hồ sơ của các TCTD. (Giám đốc Khu vực miền Bắc Ngân hàng Eximbank Hoàng Hải Vương)

Thứ 2, về xử lý tài sản bảo đảm - dự thảo luật chỉ cho phép các ngân hàng và VAMC quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Điều này không đúng nguyên tắc thị trường, việc không thể xử lý tài sản bảo đảm khi bên tham gia là tổ chức phi ngân hàng, đây là một nút chặn.

Về lo ngại nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tài sản, ông Darryl Dong cho rằng: "Không sao cả, chúng ta có thể tạo cơ chế gián tiếp để thông qua đại lý xử lý tài sản bảo đảm trong nước, yêu cầu các nhà đầu tư phải làm việc với đại diện trong nước". "Nếu chúng ta cho phép điều này, xây dựng khung pháp lý hiệu quả, công bằng, nhà đầu tư sẽ tới" - ông Darryl Dong nhấn mạnh.

Theo TS Cấn Văn Lực, hiện nay, thủ tục thu giữ tài sản đảm bảo quy định trong dự thảo Luật chưa có những cơ chế pháp lý khác nhau đối với các loại tài sản đảm bảo khác nhau. Ví dụ như việc thu giữ tài sản đảm bảo là bất động sản trên thực tế sẽ có những khác biệt với các tài sản đảm bảo khác như vốn góp, cổ phần, chứng khoán tại các công ty đại chúng. Do đó, NHNN cần phối hợp với các cơ quan liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính… rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy định hành vi thu giữ phù hợp với từng dạng thức tài sản bảo đảm cụ thể.

Liên quan đến đối tượng tham gia xử lý nợ xấu, TS. Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV kiến nghị Dự thảo nên xem xét mở rộng đối tượng tham gia xử lý nợ xấu, bao gồm cả doanh nghiệp mua – bán, xử lý nợ xấu tư nhân (cả trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài). Với các nhà đầu tư/DN mua – bán, xử lý nợ xấu nước ngoài/có vốn đầu tư nước ngoài, việc nhận và xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản có thể được thực hiện theo hình thức trực tiếp hoặc ủy quyền thông qua một tổ chức hoạt động tại Việt Nam.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại