Một số tỉnh miền Trung hy vọng xuất khẩu là đòn bẩy phát triển kinh tế thời dịch bệnh
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế của các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn đó, xuất nhập khẩu đã trở thành điểm sáng và là tiền đề quan trọng để các tỉnh, thành phục hồi sản xuất - kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế chung.
Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, song các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu đã không ngừng nỗ lực thực hiện tốt "mục tiêu kép" là vừa sản xuất, vừa phòng, chống dịch hiệu quả. Từ đó, góp phần vào sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của các tỉnh miền Trung vượt kế hoạch đề ra, hứa hẹn những bứt phá mới trong năm 2022.
Tại Đà Nẵng, hoạt động xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng trong 11 tháng năm 2021. Theo đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn Đà Nẵng đạt 2.836,9 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.614,9 triệu USD, tăng 15,3% và kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.222,1 triệu USD, tăng 12,5%. Cán cân thương mại hàng hóa 11 tháng xuất siêu 392,8 triệu USD, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm trước. Đà Nẵng trong thời gian qua vẫn liên tục duy trì được mức xuất siêu ổn định.
Theo Sở Công Thương Đà Nẵng, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp thành phố. Một số nhà máy trong các khu công nghiệp phải tạm dừng hoạt động do có các trường hợp công nhân bị nhiễm SARS-CoV-2. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp cố gắng duy trì hoạt động sản xuất để bảo đảm đơn hàng đã ký kết. Đồng thời tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch cho người lao động.
Để thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới, ngành Công Thương Đà Nẵng đã và đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách.
Tại Quảng Nam, theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu trong năm 2021 đạt 3,5 tỷ USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu đạt 1,48 tỷ USD, tăng 40,5%; nhập khẩu đạt 2,01 tỷ USD, tăng 16%.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, trong năm 2021, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhưng nhìn chung tình hình phát triển công nghiệp đã rất nỗ lực duy trì sản xuất, phát triển. Từ đó, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt được nhiều kết quả khả quan. Đặc biệt là nhiều doanh nghiệp công nghiệp tiếp nhận các đơn hàng, trong đó có những doanh nghiệp đầu đàn như Thaco, đã kiểm soát tốt dịch bệnh, từ đó đóng góp cho ngân sách, giải quyết việc làm cho người làm động và hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách của năm 2021.
"Bước sang năm 2022, tỉnh sẽ nắm bắt toàn bộ nhóm ngành sản xuất công nghiệp, phân chia theo từng nhóm ngành, những nhóm ngành nào cần được hỗ trợ gì thì sẽ được đánh giá làm rõ, thuộc thẩm quyền của Trung ương hay địa phương. Nếu thuộc thẩm quyền của Trung ương thì tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung kiến nghị, để đưa vào chính sách hỗ trợ chung. Những thẩm quyền thuộc trách nhiệm của địa phương, tỉnh sẽ phân loại, giải quyết nhanh, kịp thời giúp doanh nghiệp phục hồi…", ông Thanh thông tin.
Tương tự, tại Quảng Ngãi, theo UBND tỉnh, trong 11 tháng 2021 hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của tỉnh vượt kế hoạch được giao. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 1.614 triệu USD, tăng 30,9%; kim ngạch nhập khẩu nước đạt 2.370 triệu USD, tăng 57,8%.
Theo Sở Công Thương Quảng Ngãi nhận định, năm 2022, thị trường xuất khẩu sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, song vẫn có cơ sở để tin tưởng, kỳ vọng vào những đột phá mới. Đó là thị phần một số sản phẩm dệt may, nông sản, chế biến gỗ của Việt Nam nói chung và của Quảng Ngãi nói riêng tại các thị trường Mỹ và Liên minh Châu Âu đã tăng lên. Trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của tỉnh thời gian qua, các doanh nghiệp đã chuyển hướng sản xuất một số mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch như dược phẩm, thiết bị y tế, khẩu trang y tế, quần áo bảo hộ và sản phẩm phục vụ tiêu dùng, nên khả năng thích ứng cao kể cả trong bối cảnh dịch bùng phát mạnh.
Hiện tại, một số doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu đã chuẩn bị đơn hàng, đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động đến tháng 6/2022. Nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm sản xuất giày da, sợi vải, thép, may mặc đang mở rộng sản xuất. Các doanh nghiệp lớn như Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất, Công ty Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam... đề ra mục tiêu là duy trì tốc độ phát triển từ 10 - 30% so với kế hoạch đạt được của năm 2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận