Môi trường lạm phát, "rót" tiền đầu tư cổ phiếu thế nào cho hiệu quả?
Trong môi trường lạm phát hiện nay, nhà đầu tư có thể tăng tỷ trọng nắm giữ đối với một số cổ phiếu như HPG, DGC, LTG, TAR.
Trong suốt chiều dài lịch sử, cổ phiếu vẫn được đánh giá là kênh đầu tư hàng đầu để phòng tránh lạm phát. Theo cuộc khảo sát của JP Morgan, cổ phiếu là nhóm chống lạm phát hiệu quả thứ hai, sau nhóm hàng hóa.
Nhiều tổ chức nghiên cứu lớn khác cũng có các kết quả tương tự. Bloomberg thống kê vàng không phải là kênh đầu tư hấp dẫn trong môi trường lạm phát khi tỷ suất sinh lời của kênh tài sản này thấp hơn nhiều so với chỉ số S&P500 và giá cả hàng hóa cơ bản như dầu, kim loại, mặt hàng nông sản.
Còn theo thống kê của Agriseco Research, lạm phát dưới 10% chứng khoán vẫn là kênh đầu tư phù hợp. Lạm phát xảy ra trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang trong đà tăng trưởng thường vẫn là tín hiệu tích cực cho thị trường chứng khoán, ngược lại khi kinh tế rơi vào suy thoái. Các kênh đầu tư như bitcoin và các tiền điện tử mang tính chất đầu cơ và chưa có khung pháp lý hoàn thiện; trong khi mặt bằng lãi suất tiền gửi ngân hàng vẫn đang ở mức thấp.
Nhìn lại quá khứ, tại thị trường quốc tế nhiều nghiên cứu trong môi trường lạm phát, 3 nhóm ngành được hưởng lợi.
Thứ nhất là nhóm cổ phiếu phòng thủ. Đây là các nhóm cổ phiếu trên thường mang lại kết quả kinh doanh ổn định, dòng tiền đều đặn, định giá không quá cao sẽ là các công cụ phòng chống rủi ro phù hợp do không chịu ảnh hưởng bởi chu kỳ kinh tế bao gồm: Tiện ích; tiêu dùng thiết yếu; sức khỏe.
Hai là nhóm cổ phiếu đầu ngành với chuỗi giá trị khép kín.
Thông thường trong chu kỳ tăng giá lạm phát, giá đầu vào và đầu ra đều có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên các doanh nghiệp đầu ngành với chuỗi giá trị khép kín sẽ có lợi thế đàm phán tối thiểu hóa chi phí đầu vào và truyền tải tăng giá đầu ra với khách hàng. Qua đó, các doanh nghiệp này có lợi thế rất lớn so với các doanh nghiệp nhỏ và sẽ có khả năng chiếm lĩnh thêm thị phần sau mỗi chu kỳ kinh tế.
Ba là, nhóm hưởng lợi từ giá cả hàng hóa tăng.
Theo Schroders, lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là các công ty dầu khí trong thời kỳ lạm phát vẫn ghi nhận lợi nhuận thực tế trung bình 9%/năm. Đây là một kết quả khá khả quan do doanh thu của các doanh nghiệp này thường gắn liền với giá năng lượng, một phần quan trọng của chỉ số lạm phát. Vì vậy, nhóm này sẽ thường hoạt động tốt khi lạm phát tăng.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu của Bloomberg, Golman Sachs cũng chỉ ra rằng việc đầu tư vào các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng này sẽ mang lại tỷ suất lợi nhuận cao trên thị trường chứng khoán.
Môi trường lạm phát, đầu tư thế nào cho hiệu quả?
Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê từ Fiinpro, trong giai đoạn 2009 – 2014, một số nhóm ngành mang lại mức sinh lời cao bao gồm: Tiện ích (gas, nước); du lịch và giải trí; kỹ thuật công nghiệp; động cơ và các bộ phận.
Ngược lại, nhóm ngành có tỷ suất thấp như: Bán lẻ thực phẩm, dược phẩm; hàng hóa dịch vụ giải trí. Tuy nhiên, con số này đặt trong môi trường lạm phát thấp (dưới 5%).
Trong môi trường lạm phát duy trì vừa phải (5%-10%), các nhóm ngành thể hiện sự tăng trưởng mạnh bao gồm: Ôtô và phụ tùng, công nghệ phần cứng và thiết bị; đầu tư và dịch vụ bất động sản; lâm nghiệp và giấy.
Nhóm mang lại tỷ suất thấp là các cổ phiếu thuộc nhóm bảo hiểm nhân thọ, bán lẻ thực phẩm, dược phẩm, hóa chất, du lịch và giải trí.
Agriseco Research đã so sánh kết quả kinh doanh với các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận, biên lợi nhuận gộp các nhóm ngành giai đoạn lạm phát cao 2010 – 2012 và giai đoạn lạm phát được kiềm chế 2013 – 2015. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong giai đoạn lạm phát cao, các nhóm ngành hoạt động kinh doanh khởi sắc trong lạm phát gồm: Nhóm tài chính (bảo hiểm) và nhóm phi tài chính gồm: Dược phẩm và y tế, hàng hóa và dịch vụ công nghiệp, hàng cá nhân và gia dụng (thuốc lá, sản xuất thực phẩm), hóa chất, tài nguyên cơ bản (khai khoáng, kim loại), điện, nước, xăng dầu (sản xuất và phân phối điện), công nghệ thông tin (thiết bị và phần cứng), vận tải, xây dựng và vật liệu xây dựng.
Thống kê cho thấy, mức lạm phát bình quân 5 tháng đầu năm vẫn ở mức thấp so với giai đoạn 2017 – 2020, CPI tháng 5/2022 tăng 2,86% so với cùng kỳ. Hiện có nhiều lo ngại về giá xăng dầu và nhu cầu hồi phục sau đại dịch sẽ gia tăng áp lực lạm phát trong nửa cuối năm.
Mặc dù vậy, Agriseco Research đánh giá lạm phát có thể tăng vượt mục tiêu 4% của Chính phủ trong thời gian tới, tuy nhiên nếu lạm phát tăng ở ngưỡng cho phép dưới 10% thì chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hợp lý, nhất là trong bối cảnh GDP vẫn tiếp tục tăng trưởng.
Quan sát dự báo tăng trưởng GDP và lạm phát Việt Nam giai đoạn 2022 – 2023 của các tổ chức lớn như ADB, IMF, WorldBank; hầu hết nhận định đều cho rằng GDP Việt Nam tăng trưởng trong khoảng 6 – 7%, lạm phát quanh ngưỡng 3 - 5%, điều này là động lực quan trọng để thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong 2 năm tới.
Do đó, trong chiến lược đầu tư, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư có thể tăng tỷ trọng nắm giữ đối với một số cổ phiếu như HPG, DGC, LTG, TAR. Đồng thời, mua và nắm giữ một sổ cố phiếu nhóm ngành phòng thủ như FPT, BWE, PC1, REE hay cổ phiếu bảo hiểm gồm MIG, BMI hay BVH.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận