Mô hình tăng trưởng chữ U và kỳ vọng vượt lên năm 2022
Theo mô hình tăng trưởng chữ U, kinh tế đang tăng trưởng cao, rồi xuống “đáy” và trong tình trạng này khoảng 2 năm, sau đó vượt lên trong những năm tiếp theo.
Với mô hình trên, hy vọng, kinh tế Việt Nam sẽ vượt lên trong năm 2022.
Kinh tế tăng trưởng trên 7% đã đạt được trong 2018, 2019. Nhưng do đại dịch Covid-19, tăng trưởng GDP rơi xuống đáy vào năm 2020. Sang năm 2021, Covid-19 bùng phát trên diện rộng. Tăng trưởng GDP quý III giảm sâu (6,17%) và tính chung 9 tháng chỉ đạt 1,42% - mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua.
Dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam cả năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra con số 3-3,5%. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo ở mức thấp hơn, chỉ tăng 2-2,5%...
Dù dự báo theo kịch bản nào, thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 cũng là năm thứ hai bị rơi xuống “đáy”.
Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong năm 2022. Đây là quyết tâm cao của Chính phủ, xuất phát từ nhiều điểm. Mục tiêu thời kỳ 2021-2025 tăng bình quân 6,5-7%/năm, để đến năm 2025, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Trong khi đó, dự báo năm 2021 đạt rất thấp, nên càng phải quyết tâm cao.
Theo dự báo của WB, tốc độ tăng GDP năm 2022 của ASEAN-5 (gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam) là 5,8% so với mức 2,9% của năm 2021.
Tuy nhiên, chỉ tiêu còn phải có tính khả thi. Tính khả thi xuất phát từ các yếu tố có thể cản trở sự bật tăng của tăng trưởng kinh tế… Yếu tố quan trọng của khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội là đại dịch Covid-19 phải được kiểm soát tốt hơn, nhất là ở các trung tâm công nghiệp, có đông người lao động. Sau 2 năm bị đại dịch, nhiều nguồn lực bị bào mòn sẽ cản trở mức bật tăng cao trong năm tới.
Tốc độ tăng năng suất lao động có vai trò quan trọng nhất. Tốc độ tăng năng suất lao động thuộc loại cao, có phần quan trọng do thực hiện cơ chế thị trường làm cho việc chuyển dịch lao động từ những vùng, ngành có năng suất lao động thấp sang vùng, ngành có năng suất lao động cao hơn.
Tỷ trọng đóng góp của năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) vào tốc độ tăng GDP theo chỉ tiêu năm 2022 là 45% không phải là cao, do từ vài năm nay đã gần đạt mức này. Tuy nhiên, yếu tố làm tăng tỷ trọng đóng góp của TFP chủ yếu là từ khoa học - công nghệ, nên cần quan tâm nhiều hơn.
Chỉ tiêu vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP năm 2022 là 32-34%. Tỷ lệ này của Việt Nam đã tăng liên tục từ năm 2013 đến năm 2020 và trong 9 tháng năm 2021 là 31,2% (tính trên GDP đánh giá lại). Với việc đẩy mạnh đầu tư công, với việc đưa một lượng vốn “cấp bù lãi suất” khoảng 30.000 tỷ đồng, kéo theo khoảng 100.000 tỷ đồng và nhiều khoản hỗ trợ khác, thì khả năng có thể đạt được chỉ tiêu này.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hiệu quả đầu tư, khi hệ số hiệu quả sử dụng vốn (ICOR) năm 2020 lên quá cao (14,28, tức là để tăng 1 đồng GDP phải đầu tư tới 14,28 đồng vốn).
Số doanh nghiệp đang hoạt động đạt 1,5 triệu là chỉ tiêu quá cao. Nếu cộng đơn giản, số doanh nghiệp đang hoạt động đến cuối năm 2015 (442.500 doanh nghiệp) và số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới từ năm 2016 đến năm 2020 (641.300 doanh nghiệp), thì đến cuối năm 2020 đạt 1.083.800 doanh nghiệp. Nhưng thực tế, chỉ có 811.540 doanh nghiệp, do có số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tạm ngừng hoạt động chờ giải thể và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Trong 10 tháng năm 2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại thị trường là 129.100 doanh nghiệp. Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 48.500, tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 35.000 doanh nghiệp, hoàn tất thủ tục giải thể 13.600 (tổng cộng số doanh nghiệp rút khỏi thị trường hoặc tạm thời ra khỏi thị trường là 97.100 doanh nghiệp). Như vậy, số doanh nghiệp đang hoạt động tăng trong 10 tháng 2021 là 31.960 doanh nghiệp và tổng số doanh nghiệp đang hoạt động đến cuối tháng 10/2021 là 843.500 doanh nghiệp - thấp xa so với mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp đang hoạt động đến năm 2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận