Mô hình đối tác bù trừ thanh toán trung tâm (CCP) là tiền đề để nâng hạng thị trường chứng khoán
VSD triển khai mô hình đối tác bù trừ thanh toán trung tâm (CCP) cho thị trường chứng khoán
Khi triển khai mô hình CCP cho thị trường chứng khoán cơ sở, hoạt động bù trừ thanh toán sẽ có những thay đổi như thế nào, thưa ông?
Theo quy định của Luật Chứng khoán năm 2019 (có hiệu lực từ đầu năm 2021) và các văn bản hướng dẫn, VSD có một số thay đổi so với quy định cũ như về cơ cấu tổ chức, VSD sẽ hoạt động theo mô hình tổng công ty; về hoạt động nghiệp vụ, các quy định về hoạt động đăng ký lưu ký, bù trừ thanh toán đã được hoàn thiện hơn cho phù hợp với thực tế nhu cầu của thành viên, nhà đầu tư và thị trường.
Bên cạnh đó, VSD được phép cung cấp thêm một số dịch vụ mới, trong đó có dịch vụ về đăng ký biện pháp bảo đảm đối với chứng khoán đã đăng ký tập trung tại VSD; triển khai mô hình CCP...
Việc chuyển đổi sang mô hình tổng công ty đang được VSD phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về thành lập Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam và các bước triển khai theo Luật Chứng khoán. Các nghiệp vụ mới theo Luật Chứng khoán năm 2019 cũng đang được VSD tích cực triển khai, trong đó có việc nghiên cứu áp dụng mô hình CCP.
"VSD sẽ tập trung triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp cả trong ngắn hạn và dài hạn để góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của thị trường chứng khoán" Ông Dương Văn Thanh, Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD)
Hiện tại, trong hoạt động bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán, VSD đóng vai trò là tổ chức vận hành hệ thống thanh toán, cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán niêm yết và đăng ký giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán cho các bên tham gia giao dịch.
Theo cơ chế này, VSD không chịu trách nhiệm cuối cùng về các rủi ro thanh toán trong trường hợp các bên tham gia giao dịch rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán.
Để đảm bảo an toàn cho hoạt động thanh toán, VSD áp dụng các biện pháp hỗ trợ thanh toán như sử dụng Quỹ hỗ trợ thanh toán trong trường hợp thiếu tiền, vay chứng khoán, lùi thời hạn thanh toán và cuối cùng là từ chối thanh toán giao dịch chứng khoán.
Trong trường hợp phải lùi thời hạn thanh toán hoặc từ chối thanh toán giao dịch chứng khoán thì thành viên lưu ký mất khả năng thanh toán phải bồi thường cho các bên liên quan.
Quy định pháp lý hiện hành yêu cầu thành viên lưu ký phải kiểm soát việc đặt lệnh của nhà đầu tư theo hướng nhà đầu tư phải có đủ chứng khoán trên tài khoản giao dịch trước khi bán, phải có đủ 100% tiền trước khi đặt lệnh mua (cơ chế prefunding). Quy định này đang được xem là một trong những rào cản cho việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như hạn chế sức mua của nhà đầu tư.
So với cơ chế hoạt động bù trừ thanh toán nêu trên, khi triển khai mô hình CCP, hoạt động bù trừ thanh toán sẽ có những thay đổi chủ yếu sau:
Thứ nhất, sức mua của nhà đầu tư sẽ được tăng lên đáng kể khi thay vì phải có đủ 100% tiền ký quỹ trước khi mua, nhà đầu tư có thể chỉ phải ký quỹ tiền cho mỗi lệnh mua dự kiến thực hiện theo một tỷ lệ nhất định theo yêu cầu của thành viên bù trừ; số tiền phải thanh toán còn lại, nhà đầu tư nộp cho thành viên bù trừ trước khi thanh toán.
Thứ hai, thanh khoản của thị trường sẽ được cải thiện khi nghiệp vụ bán chứng khoán chờ về sẽ được áp dụng ngay khi triển khai cơ chế đối tác bù trừ trung tâm cho hoạt động bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán.
Thứ ba, công tác quản lý rủi ro mất khả năng thanh toán được nâng cao, hoàn thiện theo hướng VSD thông qua cơ chế thế vị tham gia vào giao dịch để đảm bảo thanh toán cho nhà đầu tư trong trường hợp xảy ra mất khả năng thanh toán, đồng thời bổ sung nhiều lớp phòng vệ rủi ro như nâng cao tiêu chí làm thành viên bù trừ, ký quỹ giao dịch chứng khoán, đóng góp Quỹ bù trừ theo phương pháp định lượng rủi ro (stress test), sử dụng Quỹ phòng ngừa rủi ro và nguồn vốn của VSD sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận, cơ chế mua vào bắt buộc (buyin), chuyển sang thanh toán bằng tiền...
Nghiệp vụ này đã được VSD hoàn thiện song song với quá trình góp ý dự thảo Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Chứng khoán năm 2019 và dự kiến triển khai sau khi hệ thống công nghệ thông tin mới (gói thầu 04) đi vào hoạt động.
Theo đó, tôi tin rằng, việc triển khai mô hình CCP sẽ là tiền đề quan trọng cho việc nâng hạng thị trường.
Để thị trường phát triển một cách bền vững, cần sự nỗ lực rất lớn từ các thành viên thị trường mà VSD là một mắt xích quan trọng. Ông có thể chia sẻ các giải pháp mà VSD sẽ thực hiện trong năm 2021?
Bám sát xu hướng phát triển mới của thị trường và chủ trương, chính sách của Chính phủ trong phát triển thị trường chứng khoán cũng như để hoàn thành các nhiệm vụ mà Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán đặt ra cho VSD, năm 2021, VSD sẽ tập trung triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp.
Một là, triển khai các công việc liên quan đến chuyển đổi sang mô hình Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Hai là, hoàn thành hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ sau giao dịch trong gói thầu 04 “Thiết kế, giải pháp, cung cấp lắp đặt và chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin” của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM hướng tới triển khai mô hình CCP đối với thị trường chứng khoán cơ sở; nghiệp vụ giao dịch trong ngày và thanh toán chứng khoán chờ về.
Ba là, triển khai các dịch vụ, sản phẩm mới: vận hành hệ thống cổng giao tiếp điện tử với các tổ chức phát hành; cung cấp các dịch vụ cho quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện theo lộ trình phát triển sản phẩm được phê duyệt; dịch vụ quản lý chứng khoán thế chấp và đăng ký biện pháp bảo đảm đối với chứng khoán đã đăng ký tập trung tại VSD.
Bốn là, phối hợp với HNX triển khai sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm và tiếp tục nghiên cứu triển khai hợp đồng tương lai trên bộ chỉ số mới...
Năm là, nghiên cứu triển khai một số nghiệp vụ mới: đăng ký tài khoản tổng và chứng chỉ lưu ký (DR), dịch vụ sổ cổ đông điện tử (E-passbook); ứng dụng công nghệ thông tin (big data, blockchain, fintech) vào hoạt động nghiệp vụ của VSD.
Sự gia tăng liên tục tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong năm qua cho thấy chứng khoán là kênh thu hút dòng tiền. Là một tổ chức hạ tầng trên thị trường, ông có đánh giá như thế nào về diễn biến này?
Nhìn lại diễn biến thị trường trong năm 2020, theo tôi, điều đáng mừng là sau hơn 20 năm ra đời và phát triển, đây là năm đầu tiên thị trường chứng khoán phát huy được nội lực mạnh mẽ, hầu như không phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài. Số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới năm 2020 đạt kỷ lục, gần 394.000 tài khoản, tăng 109% so với năm 2019, trong khi khối ngoại mở mới 2.856 tài khoản. Tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt hơn 2,77 triệu tài khoản, tăng 16,7%.
Số lượng nhà đầu tư trong nước tham gia thị trường tăng nhanh đã thúc đẩy thanh khoản lên mức cao kỷ lục, tổng giá trị thanh toán tính riêng thị trường chứng khoán cơ sở đạt 4,2 triệu tỷ đồng.
Điều đó cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư và trở thành kênh thu hút vốn hiệu quả cho nền kinh tế, khẳng định sự phát triển ngày càng bền vững của thị trường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận