Mở cửa rồi, du lịch làm gì tiếp theo?
Theo các chuyên gia, bình thường mới trong du lịch phải có yếu tố an toàn, không chỉ an toàn cho du khách, người làm du lịch, mà còn an toàn trong sản phẩm, trong môi trường du lịch.
Những bước tiếp theo cần cân nhắc
Mặc dù Việt Nam đã chính thức mở cửa du lịch với khách quốc tế vào ngày 15/3 vừa qua, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia (TAB), nhấn mạnh ngành du lịch cần tiếp tục cân nhắc và thực hiện nhanh chóng các hành động tiếp theo.
Theo đó, Việt Nam cần truyền thông nhanh, sớm, hiệu quả về việc mở cửa du lịch, khẳng định là điểm đến an toàn với du khách quốc tế, dù thời gian qua, hành động của Việt Nam đã được giới truyền thông nước ngoài dành sự quan tâm lớn và đưa tin nhiều.
Bên cạnh đó, cần đảm bảo vận hành an toàn, chất lượng cao trong thời gian tới, vị chủ tịch TAB phân tích tại hội thảo mở cửa trở lại hoạt động du lịch tại Việt Nam tổ chức bởi Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN mới đây.
Ông Kiên lưu ý ưu tiên của khách là về môi trường, hoạt động an toàn, bền vững, do đó, các địa phương cần có chính sách đảm bảo hoạt động, vận hành hệ thống du lịch xanh, thân thiện.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần nhân cơ hội để hoàn thiện, làm tốt hơn chính sách thị thực và miễn thị thực.
Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhấn mạnh việc mở cửa là thông tin rất tốt lành, nhưng phải đi kèm các chính sách cụ thể, chứ không chỉ dừng lại ở việc tuyên bố.
Việt Nam cần có các chính sách rõ ràng, thông thoáng, đơn cử như áp dụng yêu cầu thị thực như thời điểm trước dịch, tiến hành ngay vấn đề hộ chiếu vaccine và đưa đây thành hoạt động chính thức.
Trước đó, tại hội nghị phát động mở lại hoạt động du lịch Việt Nam, bà Nguyễn Minh Hằng, trợ lý bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Bộ Ngoại giao, cho biết bộ đã và đang hỗ trợ quảng bá, truyền thông du lịch Việt Nam ra nước ngoài, và hỗ trợ kết nối du lịch Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới.
Theo bà Hằng, việc triển khai mở cửa du lịch của Việt Nam có một số thuận lợi như xu thế dịch bệnh đã thay đổi, chính sách mở cửa du lịch đã được hơn 50 quốc gia áp dụng.
Cùng với đó, nhu cầu du lịch của người dân trên thế giới có xu hướng tăng, cộng hưởng cùng đà phục hồi kinh tế trong nước cũng như các phương án triển khai cho việc mở cửa du lịch đã khá thông thoáng.
Về vấn đề truyền thông, bà Nguyễn Thị Lê Hương, Phó tổng giám đốc Vietravel, cho rằng Việt Nam cần có thông điệp truyền thông mang tính tổng thể, kết nối các vùng, các tỉnh để gửi thông điệp tới thế giới rằng Việt Nam đang chào đón du khách.
Kế hoạch truyền thông cần phải được nhìn thấy, nghe thấy và lắng nghe để mọi người thấy rõ hơn được sức cạnh tranh, sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam trong khu vực.
Những xu hướng du lịch đáng chú ý
Theo ông Kiên, du lịch Việt Nam cũng sẽ ghi nhận một số xu hướng đáng chú ý giống như toàn cầu, đơn cử như xu hướng bảo tồn, phát triển du lịch xanh, đảm bảo tính bền vững sẽ tiếp tục nổi lên.
Bên cạnh đó, khách du lịch – những người có nhu cầu và thường đi du lịch – sẽ có mong muốn tiếp tục và có khả năng chi trả cao hơn. Dịch chuyển này đã được ghi nhận tại khu vực Tây Âu, bất chấp các ảnh hưởng từ nền kinh tế.
Ngoài các xu hướng chung, các khảo sát của TAB vừa qua cho thấy tại Việt Nam, khách hàng mong muốn các nhà cung cấp dịch vụ có những giảm giá lớn hơn so với quốc tế. Cùng với đó là xu hướng dịch chuyển xa hơn kể từ thành phố, tăng trải nghiệm thiên nhiên.
Với vai trò đứng đầu Thiên Minh Group – một doanh nghiệp lữ hành, hàng không, khách sạn, du lịch trực tuyến, ông Kiên nhấn mạnh xu hướng an toàn cực kỳ quan trọng, tại ra sự an toàn cao nhất cho nhân viên, khách hàng cũng như đối tác dù yếu tố này đòi hỏi nhiều thời gian và công sức.
Chia sẻ đồng quan điểm, ông Bình cho rằng trong bối cảnh chưa có nhiều chính sách cụ thể, bình thường mới trong du lịch là đưa sự an toàn vào mọi hoạt động của du lịch, từ sản phẩm du lịch, đến đào tạo nhân lực, thị trường du lịch.
“An toàn ở đây không chỉ là an toàn cho khách du lịch, mà còn phải an toàn cho người làm du lịch, cho cộng đồng dân cu xung quanh. An toàn còn nằm trong vấn đề môi trường – trách nhiệm của người làm du lịch, đi du lịch về vấn đề môi trường như thế nào”, ông phân tích.
Vị chủ tịch TAB cũng lưu ý thêm sự phục hồi của du lịch phụ thuộc rất nhiều vào chính sách phù hợp và liên tục của chính phủ.
Ông cho biết cứ mỗi khi ngành du lịch mở ra một chút, hạn chế đi lại bỏ đi một chút thì doanh thu quay trở lại rất mạnh, tăng trưởng hàng tuần có thể lên tới 200 – 300%, thậm chí đang từ con số 0 có thể nhảy vọt lên mức hai con số mỗi ngày.
Xu hướng này thể hiện rõ nhất trong đợt Tết vừa qua khi thị trường du lịch nội địa ghi nhận nhiều chuyển động tích cực.
“Với các chính sách cởi mở và hợp lý như hiện nay thì cuối tháng 4, đầu tháng 5, phục hồi du lịch có thể đến rất nhanh, thậm chí có thể vượt qua mức được ghi nhận vào năm 2019”, ông dự báo.
Trong khi đó, du lịch quốc tế sẽ cần thời gian phục hồi và kinh nghiệm cho thấy sẽ khác nhau theo từng thị trường.
Ông Kiên cho rằng thị trường khách Trung Quốc sẽ chưa thể phục hồi trong thời gian ít nhất 12 tháng tới, còn những khu vực khác sẽ khả quan hơn, nhanh nhất là Anh, Ireland có thể mất ba tháng quay về ngưỡng 2019. Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Ý dù hạn chế một phần vì kinh tế nhưng cũng có thể phục hồi trong vòng 6 – 8 tháng tới, trong khi khách Mỹ sẽ mất khoảng 12 tháng.
Một trong những thị trường truyền thống đáng chú ý là Úc, với dự báo khoảng 6 – 8 tháng sẽ trở lại ngưỡng trước đại dịch.
Do đó, các doanh nghiệp cần tập trung vào những thị trường này để có kế hoạch và hành động phù hợp, đón đầu làn sóng khách quốc tế trở lại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận