menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phạm Học

Minh bạch thị trường nhìn từ quyền lợi cổ đông nhỏ

Ở Việt Nam, câu chuyện quản trị doanh nghiệp chỉ nằm trong tay các cổ đông lớn, khi mà quyền lợi của các cổ đông nhỏ thường bị đặt qua một bên. 

Mới đây, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trần Ngọc Bê về hành vi mua, bán cổ phiếu VPB nhưng không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch cổ phiếu.

Theo đó, ông Bê đã bị phạt hơn 940 triệu đồng và đình chỉ giao dịch chứng khoán trong thời hạn 4 tháng vì đã mua bán hơn 3 triệu cổ phiếu VPB trong tháng 1, 2, 3/2021 nhưng đều không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch. Ông Bê là anh rể Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng.

Trước đó, UBCKNN đã phạt nhiều trường hợp là cá nhân giao dịch cổ phiếu "chui" với mức phạt từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Như ngày 9/7/2021, UBCKNN đã ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 cá nhân bán không đăng ký, công bố thông tin với cổ phiếu FCN, ANV và DRI.

Không chỉ các cá nhân mà nhiều doanh nghiệp cũng đã bị phạt do công bố thông tin chậm hoặc không công bố thông tin theo quy định Luật Chứng khoán.

Ngày 21/7, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ra quyết định tạm ngừng giao dịch đối với cổ phiếu ACV của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam trong 3 phiên 22-26/7 do đơn vị này không công bố thông tin họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 trong thời gian 6 tháng kể từ khi kết thúc năm tài chính.

Sau đó, ACV tiếp tục chỉ được phép giao dịch trong phiên thứ Sáu hàng tuần do chưa khắc phục được nguyên nhân dẫn tới tình trạng chứng khoán bị tạm dừng giao dịch.

Với lý do tương tự, nhiều doanh nghiệp đã bị xử phạt hành chính, cũng như hạn chế giao dịch vì không công bố thông tin theo quy định pháp luật như: Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - CTCP, Công ty cổ phần Sông Đà 3, Công ty cổ phần Đồng Tâm, Tổng công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Viettel, Công ty cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật 29...Phần nhiều trong số này là những doanh nghiệp có tiếng trên thị trường.

Từ ngày 1/1/2021, theo Nghị định 156/2020/NĐ-CP, mức xử phạt về thao túng giá cổ phiếu được tăng nặng, bằng 10 lần số tiền thu lợi đối với tổ chức và 5 lần đối với cá nhân và mức phạt tiền tối đa là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.

Nghị định 156 cũng có những quy định cụ thể với các hành vi như sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán, thao túng thị trường chứng khoán hay các hành vi không công bố thông tin, báo cáo...với những khung hình phạt cụ thể đi kèm từ cảnh cáo, phạt hành chính tới đình chỉ giao dịch, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có những doanh nghiệp đại chúng chây ì, chậm công bố thông tin kéo dài, thậm chí tái phạm. Nếu tình trạng vi phạm công bố thông tin của khối công ty đại chúng, nhất là các doanh nghiệp niêm yết/đăng ký giao dịch không được khắc phục sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh và tính minh bạch của thị trường chứng khoán, niềm tin của nhà đầu tư.

Đối với nhà đầu tư, minh bạch thông tin không chỉ là việc tuân thủ quy định luật pháp, mà còn là tư duy, quan điểm của lãnh đạo doanh nghiệp về tôn trọng quyền cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhỏ lẻ. Nhiều doanh nghiệp hiện nay áp dụng mô hình quản trị chuyên nghiệp, hiện đại, hướng theo chuẩn quốc tế, báo cáo tài chính và công bố thông tin song ngữ, bao gồm cả tiếng Anh.

Cuối tuần trước, cả thị trường xôn xao trước thông tin Thaco ngừng đầu tư vào CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, MCK: HNG), với lý do bất đồng với CTCP Hoàng Anh Gia Lai và Ngân hàng BIDV. Thông tin này dẫn tới hiệu ứng rất tiêu cực cho cổ đông HAGL Agrico, hệ quả tất yếu là sáng phiên giao dịch thứ Hai (26/7), cổ phiếu HNG rơi vào tình trạng "trắng bên mua", bị bán sàn ngay từ đầu, lúc cao nhất có tới khoảng 30 triệu cổ phiếu dư bán sàn.

Tuy nhiên vào buổi trưa ngày 26/7, HAGL Agrico bất ngờ thông tin rằng đã đạt được thoả thuận với HAGL và BIDV, hàng chục triệu cổ phiếu bán sàn và kê giá thấp nhanh chóng được mua sạch ngay đầu phiên chiều. Mã HNG có thời điểm còn tăng tới 3%, trước khi giảm 2% chốt phiên giao dịch.

Quan sát cách "ra tin" của HAGL Agrico, có phần "oan" khi nhiều nhà đầu tư "tố" lãnh đạo doanh nghiệp cố tình thao túng để gom hàng giá rẻ, khi mục đích của họ, không khó để thấy, là dùng sức ép của cổ đông, dư luận để có thêm lợi thế trên bàn đàm phán.

Công bố tin tiêu cực khi hết phiên cuối tuần cho thấy lãnh đạo HAGL Agrico muốn giảm thiểu tối đa thiệt hại của cổ đông, khi vẫn còn 2 ngày thứ 7, chủ nhật để đàm phán lại với các đối tác, và thực tế là vào trưa thứ 2, việc đàm phán đã mang tới hiệu quả tích cực. Hãy thử tưởng tượng, nếu thông tin Thaco ngừng đầu tư được công bố vào ngày giao dịch đầu tuần thì cổ phiếu HNG sẽ diễn biến tiêu cực thế nào!

Dù sao thì hai thông tin trái chiều chỉ trong ít ngày của HAGL Agrico đã khiến không ít nhà đầu tư thiệt hại nặng. Và nó cũng cho thấy rằng, ở Việt Nam, câu chuyện quản trị doanh nghiệp chỉ nằm trong tay các cổ đông lớn, khi mà quyền lợi của các cổ đông nhỏ thường bị đặt qua một bên.

Minh bạch thông tin là một trong những nhân tố quan trọng nhất giúp thị trường chứng khoán phát triển bền vững. Với tư cách là một trong số các chủ sở hữu, cổ đông của công ty hoàn toàn có thể được quyền biết rõ tình trạng doanh nghiệp của mình. Doanh nghiệp niêm yết phải có trách nhiệm công bố thông tin một cách rõ ràng, minh bạch theo đúng pháp luật để nhà đầu tư, cổ đông có những quyết định đúng đắn.

Thị trường càng minh bạch thì càng thu hút được nhiều nhà đầu tư, đảm bảo chức năng dài hạn của chứng khoán là huy động vốn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn có uy tín thì cần công bố thông tin chính xác, kịp thời và ngược lại. Cái được và mất lớn nhất ở đây là "niềm tin" của nhà đầu tư.

Động lực quan trọng nhất để minh bạch thông tin trên thị trường là bản thân doanh nghiệp ý thức được vai trò của công bố thông tin. Sự minh bạch giúp nhà đầu tư hiểu rõ doanh nghiệp hơn, giúp doanh nghiệp huy động vốn dễ dàng hơn. Từ phía nhà làm chính sách cũng cần luôn có sự cải tiến để theo kịp sự phát triển của thị trường.

Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI cho rằng, hiện quy định đã rất rõ về các hình thức xử phạt. Tuy nhiên quan trọng hơn cả là giám sát và thực thi các quy định này trên thực tế.

"Nhà đầu tư nhỏ lẻ luôn chịu thiệt vì không có quyền tiếp cận thông tin, không nắm quyền chi phối, dẫn dắt và gần như khó có khả năng đảo ngược thị trường. Vì vậy, Luật Chứng khoán luôn đưa quy định để bảo vệ số đông - đối tượng yếu thế. Muốn vậy luật phải được thực thi, giám sát chặt chẽ và kịp thời", ông Đức nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại