menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Khánh Hưng

Miễn giấy phép xây dựng theo Luật Xây dựng (sửa đổi): Vi phạm có tăng?

Với 449/462 đại biểu tán thành, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng đã được Quốc hội thông qua, tuy nhiên, việc thêm 10 trường hợp được miễn giấy phép xây dựng, vi phạm có tăng?

Theo Luật Xây dựng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 17/6, một trong những điểm mới vừa được thông qua là điều chỉnh các quy định về cấp giấy phép xây dựng, trong đó, điều khiến dư luận băn khoăn nhất là việc thêm nhiều trường hợp được miễn giấy phép xây dựng có thể gây ra hiện tượng vi phạm trật tự xây dựng tràn lan.

Trước tốc độ đô thị hóa như hiện nay, việc phát triển xây dựng cần gắn với công tác thanh tra, kiểm tra chặt chẽ, thế nhưng, dự thảo luật được thông qua lại có đến 10 trường hợp thuộc phạm vi điều chỉnh miễn giấy phép xây dựng. Quy định này liệu có hợp lý? Khi hàng loạt thực trạng vi phạm trật tự xây dựng đang diễn biến ngày một phức tạp như hiện nay.

Miễn giấy phép xây dựng theo Luật Xây dựng (sửa đổi): Vi phạm có tăng?

Nhiều năm trở lại đây, tại Thủ đô xảy ra nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng

Ngay tại Thủ đô Hà Nội, những năm qua, các công trình vi phạm trật tự xây dựng nổi cộm có thể kể đến như: Công trình 8B Lê Trực, loạt công trình sai phép, không phù hợp quy hoạch tại mương Phan Kế Bính, mương Nghĩa Đô…

Không chỉ dừng lại ở đó, trong hoạt động xây dựng còn nhiều vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất rừng chưa được xử lý dứt điểm như: Việt phủ Thành Chương, loạt biệt thự tại xã Minh Phú, loạt công trình xây trên đất rừng tại xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn)…

Theo một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội chia sẻ với báo chí, thời gian tới, công việc cấp phép xây dựng sẽ nhàn hơn bởi nhiều công trình trước đây phải cấp phép nhưng thời gian tới không cần cấp phép nữa.

"Theo dự thảo Sở đóng góp trước đây, các công trình sử dụng vốn nhà nước sẽ chỉ cần bước thẩm định và miễn phép, các công trình sử dụng vốn khác giao chủ đầu tư tự thẩm định các bước thiết kế, sau thiết kế và gửi cơ quan có thẩm quyền thẩm định và cho ý kiến" – Vị lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội chia sẻ.

Nhận định về quy trình vừa được thông qua trong Luật Xây dựng (sửa đổi) liên quan đến miễn cấp phép xây dựng, đại diện Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, thẩm quyền xử lý vi phạm đối với Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị các quận, huyện hiện nay, chỉ dừng lại ở việc lập biên bản vi phạm và báo cáo, đề xuất biện pháp dẫn đến tiến độ xử lý chậm, hiệu quả thấp. Nếu cấp địa phương không phối hợp, buông lỏng quản lý thì việc xử lý sẽ rất chậm chạp, không hiệu quả.

Thực tế, việc mở rộng các trường hợp cấp phép xây dựng, miễn phép nhiều đối tượng hơn đang khiến không ít địa phương lo lắng trong công tác thanh tra, kiểm tra công trình xây dựng địa bàn. Đặc biệt, việc phân cấp xử lý công trình cũng rất mất thời gian, do UBND cấp phường chỉ xử lý được công trình không phép, công trình sai phép phải báo cáo, trình UBND cấp quận ra quyết định xử lý.

Miễn giấy phép xây dựng theo Luật Xây dựng (sửa đổi): Vi phạm có tăng?

Vi phạm về xây dựng diễn ra phổ biến nhưng quy trình xử lý còn chậm...

Liên quan đến công tác xử lý, dư luận cũng đặc biệt quan tâm khi hàng loạt sai phạm nổi cộm tại Thủ đô vẫn chưa được xử lý như: Sai phạm ở mương Phan Kế Bính vẫn tồn tại dù đã có kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình từ năm 2017, đến nay, đã 4 lần Phó Thủ tướng yêu cầu TP. Hà Nội xử lý dứt điểm vụ việc, nhưng UBND quận Ba Đình vẫn không thực hiện cưỡng chế sai phạm của công trình này.

Giải thích về vấn đề trên, đại diện UBND quận Ba Đình cho hay: Việc xử lý phần công trình xây dựng sai phép nêu trên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống kết cấu, an toàn trong quá trình thi công tháo dỡ cũng như các bộ phận còn lại của công trình xây dựng. Đồng thời, UBND quận Ba Đình báo cáo đề xuất UBND thành phố sẽ tháo dỡ công trình khi giải phóng mặt bằng để mở đường Phan Kế Bính.

Cũng giống như thực trạng đã nêu, vi phạm ở mương Nghĩa Đô cũng đang diễn ra tình trạng tương tự, sau 2 năm ra quân cưỡng chế, quây rào, hiện tại khu vực vẫn có một số hoạt động kinh doanh, bên ngoài khu vực quây tôn này cũng gây mất mỹ quan đô thị cho một trong những trục đường chính của quận Cầu Giấy.

Thông tin trên báo chí, Phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy cho biết, quận đang thực hiện việc giữ nguyên hiện trạng theo yêu cầu của thành phố, ngoài ra, cũng đang xin ý kiến của Sở Tài chính về việc định giá đền bù phần đầu tư của chủ đầu tư, sau khi có giá, sẽ tiến hành đền bù, thu hồi đất.

Theo Kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn thông tin trên báo chí, 2 dự án cống hóa kênh mương đã tốn quá nhiều giấy mực nhưng quá trình xử lý quá chậm chạp. Thậm chí, dự án mương Nghĩa Đô, Nhà nước sẽ còn phải bỏ tiền ra để đền bù cho những sai phạm của giai đoạn trước đó, ở đây không chỉ thiệt hại kinh tế, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, thông thoáng nhưng phải trong khuôn khổ, thanh kiểm tra chặt chẽ, quy trách nhiệm rõ ràng để tránh tình trạng xây dựng bừa bãi, vi phạm trật tự xây dựng tràn lan.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại