MB có thể nhận chuyển giao ngân hàng bắt buộc năm nay
MB đã hoàn tất mọi thủ tục nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém, kỳ vọng xong trong năm nay hoặc 2025, nếu Chính phủ phê duyệt.
Thông tin này được CEO Ngân hàng Quân đội (MB) Phạm Như Ánh chia sẻ tại phiên họp thường niên, sáng 19/4.
Theo ông Ánh, đề án nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém đã được MB hoàn thành, gửi Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ. CEO MB cho hay, ngân hàng này mong muốn "chốt" thương vụ chuyển giao này trong năm nay hoặc 2025 để "mở ra không gian phát triển mới cho MB, nhất là tăng trưởng tín dụng".
Bổ sung thêm, Chủ tịch HĐQT Lưu Trung Thái nói nhà băng này "sẵn sàng với nhiệm vụ được giao, chỉ còn chờ Chính phủ duyệt".
Trước đó, tại hội nghị ngành ngân hàng đầu năm nay, ông Thái cũng kiến nghị Chính phủ sớm duyệt phương án nhận chuyển giao bắt buộc nhà băng yếu kém trong quý I.
Tên ngân hàng mà MB sẽ nhận chuyển giao vẫn chưa được lãnh đạo nhà băng này đề cập tại phiên họp đại hội đồng cổ đông hôm nay. Tuy nhiên, tháng 4/2023, một lãnh đạo đơn vị này hé lộ thông tin cơ bản về chất lượng tài sản của đơn vị sẽ nhận, như lỗ lũy kế khoảng 20.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 47%. Vì vậy, nhiều khả năng đây có thể là Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) - nhà băng mua lại 0 đồng với lỗ lũy kế gần 20.000 tỷ.
Hiện, bên cạnh Oceanbank, thị trường còn 4 tổ chức cũng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, gồm Ngân hàng Xây Dựng (CBBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng Đông Á (DongABank).
Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch MB trả lời câu hỏi của cổ đông, sáng 19/4. Ảnh: MB
Năm ngoái, tăng trưởng tín dụng của MB đạt 28,2% - thuộc nhóm đầu ngành khi nhà băng này tận dụng tối đa room tín dụng được phê duyệt. Còn năm nay, ngân hàng này được giao mức tăng 15-16%.
Chủ tịch Lưu Trung Thái nói rằng MB vẫn chuẩn bị cho tình huống để tăng trưởng cho vay cao hơn mặt bằng chung thị trường, với điều kiện kinh tế tốt và được giao tái cơ cấu nhà băng 0 đồng.
Quý I, ngân hàng ước đạt lãi hợp nhất gần 5.780 tỷ đồng, giảm khoảng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm nay, nhà băng này đặt mục tiêu tăng lãi trước thuế hợp nhất 6-8% so với 2023, lên 27.800-28.400 tỷ đồng và tổng tài sản vượt 1 triệu tỷ. Lãnh đạo MB cho rằng đây là phương án an toàn, thận trọng trong bối cảnh nhu cầu hấp thụ vốn vay giảm, nợ xấu toàn ngành tăng gấp đôi năm ngoái, nên áp lực về trích lập dự phòng nợ xấu tăng lên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận