Máy triệu USD 'đắp chiếu', bệnh nhân tốn chục triệu chụp chẩn đoán ung thư
Ông Trung ung thư tuyến giáp, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai chỉ định chụp PET/CT để chẩn đoán di căn, nhưng máy đang bị niêm phong vì là tang vật vụ án.
Ngày 10/11, ông Trung được bác sĩ hướng dẫn sang bệnh viện khác chụp PET, khi nào có kết quả thì quay trở lại để bác sĩ xem, dựa vào đó đưa ra phương án điều trị tiếp. Ông đăng ký chụp tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội nhưng không được thực hiện ngay vì danh sách người chờ đợi quá dài. Bệnh viện Ung bướu hẹn ông khoảng hai tuần nữa, khi đến lượt sẽ gọi.
"Nếu kết quả chụp PET không thấy tổn thương di căn nào, tôi chỉ cần xạ trị. Trường hợp phát hiện tổn thương ở vị trí khác, bác sĩ nói tôi phải điều trị theo phác đồ khác", ông Trung nói và lo lắng việc chờ đợi như này sẽ khiến bệnh tình của ông trầm trọng hơn.
Chị Hằng có mẹ mắc ung thư phổi, cũng điều trị ở Bạch Mai, cần chụp PET/CT nhưng không thực hiện được. Chị Hằng chấp nhận bỏ bảo hiểm y tế, đưa mẹ sang một bệnh viện tư nhân để chụp PET nhanh với hy vọng chẩn đoán sớm sẽ được điều trị sớm.
"Tôi đăng ký chụp dịch vụ PET ở một bệnh viện tư nhân chi phí hơn 20 triệu đồng, trong khi nếu tiến hành ở bệnh viện Bạch Mai đang điều trị được bảo hiểm y tế thanh toán nên chỉ tốn vài triệu", chị Hằng nói, thêm rằng biết là tốn kém nhưng đành chấp nhận vì không thể chờ đợi được nữa.
PET/CT là phương tiện chẩn đoán, theo dõi, điều trị nhiều bệnh lý, đặc biệt là phát hiện sớm ung thư. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác thường chỉ áp dụng ở một vùng cơ thể, còn máy PET/CT có thể khảo sát toàn thân, giúp chẩn đoán bệnh ở mức độ tế bào, mức độ phân tử và có độ nhạy, độ đặc hiệu, độ chính xác cao, có khả năng phát hiện tổn thương và bệnh lý ở giai đoạn rất sớm.
Đây là loại máy hiện đại nhất, nhạy hơn cả CT, chi phí đầu tư rất cao, đến 60 tỷ đồng một máy. Trung bình, một máy có thể chụp cho khoảng 20-30 bệnh nhân/ngày. Tuy nhiên, đây là kỹ thuật hiện đại, đắt tiền nên bác sĩ chỉ định rất chặt chẽ và chỉ những trường hợp thật sự cần thiết mới yêu cầu chụp PET.
Không chỉ ông Trung, mẹ chị Hằng, mà hàng nghìn bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai bị ảnh hưởng do thiếu máy móc trang thiết bị. Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu là một trong những nơi bị ảnh hưởng lớn, do nhiều máy móc hiện đại, đắt tiền tại đây thời gian qua là tang vật các vụ án liên quan bệnh viện nên bị "lưu kho", như máy PET/CT, máy xạ phẫu Gamma knife giá 40 tỷ đồng, máy gia tốc để xạ trị hơn 100 tỷ đồng...
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, không có thiết bị điều trị ung thư, bệnh viện phải chuyển một lượng lớn người bệnh đến bệnh viện khác để chụp chiếu, xạ trị... Trong khi đó, bệnh nhân đang giai đoạn điều trị lại phải sang bệnh viện khác để chụp chiếu, xạ trị, xạ phẫu rồi lại quay về viện trở lại, mỗi lần chuyển bảo hiểm y tế là một lần khó khăn. Chưa kể, bệnh nhân ung thư phải chờ hàng tháng không được điều trị sớm thì hiệu quả điều trị rõ ràng bị ảnh hưởng, lỡ thời gian vàng.
Tại Hà Nội, hiện có khoảng 5 máy PET/CT đặt tại các bệnh viện Việt Đức, K, Ung bướu Hà Nội, Bạch Mai và một viện tư nhân. Trong đó, Bệnh viện Bạch Mai có một máy thì thuộc diện thiết bị xã hội hóa, vướng vấn đề pháp lý nên ngừng hoạt động. Như vậy, Hà Nội còn 4 máy PET đang hoạt động, trong khi số bệnh nhân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận có nhu cầu chụp chiếu rất đông, phải chờ đến vài tuần, cả tháng mới đến lượt.
Lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết trung bình máy PET/CT đặt tại viện chỉ chụp được tối đa 24 bệnh nhân một ngày. Hiện, số lượng bệnh nhân có nhu cầu chụp từ các tỉnh, kể cả Bạch Mai chuyển sang, rất đông nên danh sách chụp bị dồn lại.
Nói về khả năng giải quyết tình trạng thiếu máy, ông Cơ chia sẻ "bệnh viện cần ít nhất 200-300 trăm tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị", tuy nhiên bệnh viện đang lâm vào tình trạng kiệt quệ tài chính, không có tiền đầu tư.
Theo các bác sĩ, một số trường hợp cần khảo sát những tổn thương nhỏ hơn 0,5 cm hoặc di căn âm thầm chưa rõ nguyên phát, các loại máy CT, MRI hay siêu âm không thể phát hiện được mà cần phải chụp PET/CT. Thiếu máy móc, bệnh nhân phải chạy lòng vòng khắp thành phố không tìm được chỗ chụp chiếu. "Đây là thiệt thòi rất lớn của người bệnh, bác sĩ điều trị cũng phải cố gắng tìm cách xoay xở chứ không thể ngồi chờ", ông Cơ nói.
Hồi giữa năm, TP HCM cũng xảy ra tình trạng bệnh nhân chờ vài tuần để chụp PET/CT do Bệnh viện Chợ Rẫy thiếu thuốc phóng xạ, ảnh hưởng đến hiệu quả chẩn đoán và điều trị ung thư của bệnh nhân do bác sĩ "phải chẩn đoán mò". Thành phố có 4 bệnh viện trang bị loại máy này là Chợ Rẫy, Ung bướu, Quân y 175, Nhân dân 115 nhưng chỉ có một hệ thống sản xuất thuốc phóng xạ đặt tại Chợ Rẫy. Tuy nhiên, công suất sản xuất thuốc phóng xạ tại nơi này rất thấp, không đủ cung cấp cho các nơi.
Bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Giám đốc bệnh viện Ung bướu TP HCM, cho biết hiện hệ thống đã hoạt động lại nhưng vẫn cầm chừng vì không đủ nguồn thuốc phóng xạ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận