24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đức Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

May Tiên Sơn Thanh Hóa: Vốn điều lệ tăng mạnh sau gần 1 năm lên sàn

Sau gần 1 năm lên sàn, vốn điều lệ của Công ty Tiên Sơn tăng gần gấp đôi sau khi phát hành riêng lẻ 25 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Tăng gần gấp đôi vốn điều lệ sau gần 1 năm lên sàn

Sáng 24/3/2021, tại sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã diễn ra Lễ trao quyết định niêm yết và đưa 34.8 triệu mã cổ phiếu AAT của Công ty CP tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa (Công ty Tiên Sơn) vào giao dịch. Tổng giá trị cổ phiếu AAT niêm yết đạt 348 tỷ đồng, đây cũng là vốn điều lệ tại thời điểm này của AAT.

Tuy nhiên, chỉ sau gần 5 tháng niêm yết trên sàn, tới ngày 14/8/2021, Công ty Tiên Sơn đã có kế hoạch phát hành riêng lẻ 25 triệu cổ phiếu AAT cho 12 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với mức giá 10.000VND/cp, tổng giá trị dự kiến thu về 250 tỷ đồng.

Tới ngày 20/12/2021, Công ty Tiên Sơn có văn bản báo cáo Ủy ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN) về việc đã thực hiện thành công phát hành 25 triệu cố phiếu trên, nâng vốn điều lệ của Công ty này lên hơn 638 tỷ đồng. Ngày 24/1, UBCKNN có văn bản chính thức công nhận nâng số cố phiếu AAT đủ điều kiện lưu hành giao dịch trên sàn HOSE lên hơn 63,8 triệu cổ phiếu.

Về mục đích sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành này, Công ty Tiên Sơn ban đầu nhằm mục đích mở rộng giai đoạn 2 nhà máy may xuất khẩu Sơn Hà (Tx.Bỉm Sơn, Thanh Hóa) với số vốn 50 tỷ đồng và xây dựng nhà máy may xuất khẩu Quý Lộc (Huyện Yên Định, Thanh Hóa) với số vốn 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngày 23/12/2021, HĐQT Công ty Tiên Sơn, ra nghị quyết thay đổi phương án sử dụng vốn huy động được từ đợt phát hành trên.

Theo đó, Công ty Tiên Sơn chi tổng cộng 110 tỷ đồng để thực hiện phương án mở rộng và xây dựng 2 nhà máy may xuất khẩu Sơn Hà và xây dựng nhà máy may xuất khẩu Quý Lộc; 14,5 tỷ đồng trả nợ nhà cung cấp và hơn 145 tỷ còn lại sẽ được sử dụng trả nợ ngân hàng nhằm giảm gánh nặng chi phí tài chính. Cũng theo báo cáo tiến độ sử dụng vốn, tới ngày 7/4/2022, các khoản này đã được giải ngân hoàn toàn, và 2 dự án mở rộng xây dựng nhà máy nêu trên đã hoàn thành được trên 80% dự toán.

Như vậy, qua gần 30 năm phát triển từ năm 1995 tới nay, với 17 lần điều chỉnh, Công ty Tiên Sơn hiện có vốn điều lệ hơn 638 tỷ đồng theo điều chỉnh đăng ký gần nhất ngày 17/5/2022.

Bức tranh tài chính của "ông lớn" ngành may mặc xứ Thanh

Công ty Cổ phần tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa có địa chỉ số 9 KCN Bắc Sơn, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, tiền thân là Công ty TNHH Tiên Sơn Thanh Hóa, được thành lập ngày 22/7/1995 gắn liền với tên tuổi của doanh nhân Trịnh Xuân Lâm (hiện là Chủ tịch HĐQT). Qua 26 năm xây dựng và phát triển Công ty Tiên Sơn đã trở thành một doanh nghiệp có quy mô lớn trong lĩnh vực may mặc của xứ Thanh với khối tài sản nghìn tỷ.

Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, Công ty Tiên Sơn có xuất phát điểm là một đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, chuyên hợp tác sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Tới năm 2006, Công ty Tiên Sơn Thanh Hóa quyết định đầu tư theo định hướng phát triển ngành may công nghiệp xuất khẩu là mũi nhọn của Công ty, đây cũng được xem như dấu mốc quan trọng quyết định cho sự lớn mạnh của Công ty này.

Với sự chuyển mình này, đến nay Công ty Tiên Sơn có khoảng 10 Nhà máy may xuất khẩu với 212 dây chuyền may, khoảng 10 nghìn lao động và là một trong những đối tác của các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới như: Nike, Jordan, Geox, Sunny, Cheong san, K-Mart, Premier Levy, Kelim Triam…

May Tiên Sơn Thanh Hóa: Vốn điều lệ tăng mạnh sau gần 1 năm lên sàn
Hình ảnh một nhà máy may của Công ty Tiên Sơn tại huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Để hiểu rõ hơn bức tranh tài chính của Công ty Tiên Sơn, Người Đưa Tin sẽ điểm qua một số chỉ tiêu tài chính cơ bản của Công ty Tiên Sơn đã được công bố.

Theo Báo cáo tài chính đã được kiểm toán, tính tới hết quý II/2022, tổng tài sản của Công ty Tiên Sơn đạt gần 1.100 tỷ đồng, với cơ cấu gần 734 tỷ đồng tài sản dài hạn và hơn 366 tỷ đồng là các tài sản ngắn hạn. Trong mục tài sản ngắn hạn, chiếm phần lớn là các khoản trả trước cho người bán với hơn 205 tỷ đồng; các khoản phải thu của khách hàng ghi nhận hơn 76,7 tỷ đồng; khoản phải thu khác là 29 tỷ đồng và hàng tồn kho ghi nhận hơn 17 tỷ đồng...

Đáng chú ý, dù được biết tới là doanh nghiệp có nhiều hoạt động sản xuất, gia công nhưng danh mục tài sản cố định của Công ty Tiên Sơn chỉ đạt hơn 176 tỷ đồng, còn lại chiếm phần lớn là các danh mục như: bất động sản đầu tư với hơn 278 tỷ đồng; các khoản phải thu dài hạn khác mà cụ thể là các khoản đặt cọc, ký quỹ với đối tác ghi nhận hơn 180 tỷ đồng và khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết hơn 67 tỷ đồng. Điều này thể hiện xu hướng thời gian qua công ty đang tích cực chú trọng trong hoạt động xây dựng các nhà xưởng để cho thuê hoặc bán lại.

Về nguồn vốn hình thành nên khối tài sản nghìn tỷ, Công ty Tiên Sơn có hơn 757 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, trong đó chủ yếu là vốn góp của các cổ đông và phần lợi nhuận lũy kế giữ lại (hơn 118 tỷ đồng). Còn lại, công ty đang ghi nhận gần 343 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó chủ yếu là các khoản vay và thuê tài chính với gần 244 tỷ đồng và khoản phải trả dài hạn khác hơn 44 tỷ đồng; thuế và các khoản nộp nhà nước hơn 22 tỷ đồng; phải trả người bán 14 tỷ đồng và khoản tiền người mua trả trước gần 12 tỷ đồng.

Cũng theo Báo cáo tài chính năm 2021, Công ty Tiên Sơn ghi nhận kết quả kinh doanh tương đối khả quan trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước. Cụ thể, trong năm 2021, Công ty ghi nhận doanh thu thuần hơn 473 tỷ đồng, trong đó, chiếm tỷ trọng lớn là chi phí giá vốn hàng bán hơn 415 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 13 tỷ đồng; chi phí tài chính hơn 10 tỷ đồng. Cuối năm, Công ty ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế hơn 28,8 tỷ đồng.

Theo kết quả kinh doanh công bố mới nhất, lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, Công ty Tiên Sơn ghi nhận doanh thu 574 tỷ đồng và mức lợi nhuận đột biến hơn 110 tỷ đồng, tăng khoảng 450% so với cùng kỳ. Giải thích biến động này, Công ty Tiên Sơn lý giải trong quý II/2022, Công ty ghi nhận mức doanh thu 280 tỷ đồng (tăng 100% so với cùng kỳ) từ bất động sản đầu tư; doanh thu từ gia công tăng 35,5% so với cùng kỳ; trong khi các hoạt động khác đều có kết quả kinh doanh khởi sắc tạo nên kết quả đột biến trong kỳ.

Mới đây, ngày 18/7, ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty đăng ký mua 9 triệu cổ phiếu AAT, thời gian thực hiện từ 22/7 tới 19/8/2022. Ông Lâm hiện đang là cổ đông lớn nhất nắm giữ hơn 3,8 triệu cp AAT, chiếm 6% cổ phần công ty. Trong phiên giao dịch ngày 22/7, cổ phiếu AAT có giá đóng cửa 11.500 VND/cp.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
3.34 +0.02 (+0.60%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả