Mây đen lạm phát và thắt chặt tiền tệ phủ bóng châu Á trong năm 2022
Sau 2 năm chao đảo vì đại dịch COVID-19, các thị trường châu Á lại một phen hoảng hồn trước đà tăng của lạm phát và làn sóng thắt chặt tiền tệ của các NHTW.
Trong số các đồng tiền lớn, Yên Nhật giảm mạnh nhất so với USD khi Fed bắt đầu quyết liệt nâng lãi suất. Cùng với đó, các cổ phiếu công nghệ nổi tiếng nhất tại châu Á, như Samsung Electronics và Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC), đều sụt mạnh vì chính sách thắt chặt tiền tệ và nguy cơ kinh tế suy yếu.
Mặt khác, dữ liệu cho thấy một số quốc gia và lĩnh vực vẫn hoạt động rất tốt trong môi trường mới nhờ các chính sách phù hợp và các yếu tố cơ bản tốt.
Sau đây, tờ Nikkei Asia cũng đề cập tới một số diễn biến đáng chú ý trên thị trường tài chính châu Á trong năm 2022.
Tiền tệ: Đà giảm của Yên Nhật gây choáng
Diễn biến của thị trường tiền tệ năm nay khép lại với quyết định gây sốc NHTW Nhật Bản: Nới rộng biên độ dao động của lợi suất trái phiếu. Trước đó, xứ sở mặt trời mọc vẫn kiên định với chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.
Dù vậy, Yên Nhật lao dốc 13% so với USD trong năm nay (tính tới ngày 21/12), giảm mạnh hơn đáng kể so với các đồng tiền châu Á khác. Đồng nội tệ Nhật Bản có lúc mất ngưỡng 150 đổi 1 USD trong tháng 10/2022, lần đầu tiên trong 32 năm, trong bối cảnh NHTW Nhật Bản đi ngược làn sóng thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu.
“Các đồng tiền châu Á đã trải qua giai đoạn khó khăn trước một đồng USD quá mạnh trong năm nay, nhất là Yên Nhật”, Lloyd Chan, Chuyên gia kinh tế cấp cao tại Oxford Economics, cho biết trong báo cáo tháng này.
Trong khi đó, đồng Đôla Singapore chỉ giảm 0.15% so với USD. Để kiểm soát lạm phát, NHTW Singapore đã thắt chặt chính sách tiền tệ trong tháng 10/2022, lần thứ 5 kể từ tháng 10/2021.
Trái phiếu: Lợi suất tăng theo sự chuyển dịch chính sách tiền tệ
Diễn biến cùng lúc với các đợt nâng lãi suất của các NHTW, lợi suất trái phiếu Chính phủ tăng giá ở hầu hết quốc gia châu Á trong năm vừa qua. Chẳng hạn, tính tới ngày 21/12/2022, lợi suất trái phiếu Chính phủ Hàn Quốc kỳ hạn 10 năm ở mức 3.567%, cao hơn nhiều so với mức 2.255% cuối năm 2021. Quyết định nới biên độ dao động từ NHTW Nhật Bản trong tuần trước đã đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ lên 0.47%.
Hàng hóa: Giá trở lại mức đầu năm 2022
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng vì cuộc chiến ở Ukraine cho thấy hàng hóa được phân bổ một cách không đồng đều trên toàn cầu. Ukraine là nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn trên thế giới, trong khi Nga là bên xuất khẩu lớn về dầu khí. Khi cuộc chiến nổ ra, giá lúa mì và dầu đều tăng vọt vì nỗi lo sợ gián đoạn nguồn cung. Đà tăng của giá cả tác động mạnh tới các doanh nghiệp và hộ gia đình ở châu Á.
Giá năng lượng, thực phẩm và kim loại thiết yếu bắt đầu giảm từ giữa năm nay và đã trở lại mức trước khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra. Điều này một phần do việc nối lại xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine. Tuy nhiên, triển vọng suy thoái kinh tế toàn cầu cũng ảnh hưởng đến giá thị trường trong giai đoạn cuối năm 2022.
Một số kim loại cơ bản cho thấy sự nhạy cảm với triển vọng kinh tế. Chẳng hạn, giá đồng đã giảm hơn 10% so với đầu năm (tính đến ngày 21/12), chủ yếu là do giảm tốc kinh tế ở Trung Quốc, đất nước tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới.
Các mức giá này mặc dù đã đạt đỉnh nhưng vẫn duy trì ở mức cao trong dài hạn, qua đó tiềm ẩn nguy cơ trở thành nguồn gây lạm phát trong những năm tới. Áp lực lạm phát cũng ảnh hưởng đến các thị trường khác như trái phiếu, tiền tệ và cổ phiếu.
Cổ phiếu: Lĩnh vực công nghệ cao lao dốc, ngân hàng và hàng không leo dốc
Nhiều công ty có vốn hóa cao nhất châu Á lao dốc không phanh trong năm 2022. Tại Trung Quốc, giá cổ phiếu Tencent Holdings và Alibaba Group Holding lần lượt giảm 28% và 29%, trong khi Samsung Electronics của Hàn Quốc giảm 26% trong năm nay. Giá cổ phiếu TSMC cũng giảm 25%.
Trong giai đoạn COVID-19, giới đầu tư tỏ ra yêu thích những công ty công nghệ có triển vọng tăng trưởng trong tương lai và giá cổ phiếu cũng tăng mạnh. Giờ thì những cổ phiếu này đang với rất nhiều thử thách. Cổ phiếu Sea – ông lớn thương mại điện tử và sở hữu Shopee – lao dốc 77%.
Nằm trong số những cổ phiếu tăng mạnh là nhóm liên quan tới hàng hóa. Chẳng hạn, cổ phiếu của Inpex, công ty khai thác dầu khí Nhật Bản, tăng 40%. Lĩnh vực ngân hàng có hiệu suất tốt nhờ lãi suất ngày càng tăng, với cổ phiếu Bank Central Asia của Indonesia tăng 19%. Cổ phiếu hàng không như Singapore Airlines và ANA Holdings (Nhật Bản) đều ghi nhận cổ phiếu tăng ở mức 2 chữ số.
Chứng khoán Ấn Độ và Singapore vững chắc trước sóng dữ
Trong khi thị trường chứng khoán toàn cầu suy giảm trong năm nay, chỉ số Sensex của Ấn Độ diễn biến tốt hơn so với các chỉ số châu Á khác khi tăng 4.8% trong năm nay.
Ấn Độ là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với GDP được ADB kỳ vọng tăng trưởng 7.2% trong năm 2023, từ đó thu hút dòng vốn chảy vào thị trường chứng khoán xứ sở cà ri. Chỉ số Straits Times của Singapore cũng tăng 4.2% trong năm nay, nhờ đà tăng của nhóm ngân hàng.
Nhìn chung, đà giảm của thị trường chứng khoán toàn cầu khởi đầu từ cuối năm 2021 đã kéo dài sang năm 2022, với phần lớn chỉ số chứng khoán châu Á đều lao dốc. Trong đó, chỉ số Kospi của Hàn Quốc và Taiex của Đài Loan đều giảm 22% so với đầu năm.
Điều gì sẽ diễn ra trong năm 2023?
Với nguy cơ giảm tốc kinh tế nhen nhóm, các thị trường châu Á có thể tiếp tục đối mặt với một số cơn gió ngược. Chuyên gia Lloyd Chan của Oxford Economics cho biết họ “cảm thấy bi quan về các đồng tiền nhạy cảm với chu kỳ thương mại thế giới, chẳng hạn như đồng Won của Hàn Quốc và Đôla Đài Loan, khi triển vọng nước ngoài tiêu cực”.
Justin Tang, Trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á tại United First Partners ở Singapore, lưu ý rằng cuộc chiến ở Ukraine và các biện pháp chống COVID của Trung Quốc sẽ tiếp tục là những yếu tố quan trọng cần theo dõi trong năm tới.
"Chúng tôi đang chú ý đến tình hình đang diễn ra ở Ukraine để theo dõi áp lực lạm phát về năng lượng”, ông nói. Đối với Trung Quốc, ông lưu ý rằng Chính phủ đang nới lỏng các biện pháp phòng chống COVID nhưng hiện phải đối mặt với sự bùng phát ca nhiễm.
“Chúng tôi không chắc liệu họ có lùi lại một bước và thực hiện các biện pháp kiểm soát một lần nữa hay không, nhưng ngay cả khi họ không làm như vậy, số ca nhiễm gia tăng đồng nghĩa với việc một phần lớn lực lượng lao động không thể làm việc trong một thời gian. Điều đó sẽ lại tác động đến chuỗi cung ứng”, vị chuyên gia này cho biết.
“Tôi cho rằng lạm phát vẫn sẽ ở mức khá cao, ít nhất là trong đầu năm 2023”, ông nói. “Điều này sẽ gia tăng áp lực đối với các ngân hàng trung ương và buộc họ ít nhất là duy trì quỹ đạo nâng lãi suất”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận