Mặt bằng ‘đất vàng’ cho thuê ở TPHCM ế chỏng chơ
Sức mua ở hầu hết ngành hàng đều đang ở mức thấp, trong khi chi phí thuê mặt bằng các khu vực trung tâm khá đắt đỏ khiến nhiều đơn vị không thể gánh nổi. Do đó, các đơn vị có xu hướng trả mặt bằng ở đây và dạt về ngoại thành, đồng thời phát triển mạnh kênh bán hàng online.
Theo báo cáo của CBRE Việt Nam, nhu cầu mặt bằng cho thuê sẽ trầm lắng trong 6 tháng đầu năm 2023, khi mà doanh thu của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Đa số khách thuê sẽ có xu hướng tạm hoãn lại các quyết định thuê mặt bằng mới hoặc mở rộng.
Điều này dễ dàng nhận thấy ở khu vực trung tâm TPHCM, khi hàng loạt tuyến đường đắc địa đều chi chít nhà đất được dán kín bảng cho thuê mặt bằng.
Đường Lê Lợi (quận 1) từng bị rào chắn gần chục năm để thi công tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Được trả mặt bằng vào dịp 2/9 năm ngoái nhưng đến hiện tại vẫn có nhiều nhà dán bảng cho thuê.
Nhiều mặt bằng cửa đóng then cài, dán bảng cho thuê trên đường Lê Lợi - đoạn ngay gần chợ Bến Thành (quận 1).
Nằm ở khu vực phố Tây, nhưng nhiều mặt bằng trên đường Phạm Ngũ Lão (quận 1) đang bỏ không.
Đường Lê Thánh Tôn (quận 1) được mệnh danh là "đất vàng" của TPHCM nhưng vẫn chi chít bảng cho thuê nhà.
Một mặt bằng ngay ngã tư Lý Tự Trọng - Pasteur (quận 1) treo bảng cho thuê nhiều tháng nay.
Nhiều mặt bằng cho thuê, trả nhà trên đường Lý Tự Trọng.
Theo Savills Việt Nam, sau giai đoạn COVID-19, các cửa hàng gặp vấn đề khó khăn về nguồn vốn. Do đó, họ không mở cửa hàng một cách đại trà mà trở nên khắt khe hơn khi tìm kiếm mặt bằng.
Thay vì tính toán câu chuyện về vị trí trung tâm để đặt cửa hàng, hiện tại các cửa hàng còn phải tính toán tới việc liệu địa điểm có khu vực đỗ xe không, có bị ảnh hưởng bởi việc cấm đường giờ cao điểm không hay có vị trí cho shipper đỗ xe lấy đồ hay không.
Để tăng sức thu hút, chủ mặt bằng bán lẻ, đặc biệt là nhà phố, cần đảm bảo các mặt bằng kinh doanh có đủ điều kiện cấp phép cho thuê về mặt công năng sử dụng. Các chủ nhà cũng cần tuân thủ quy trình thủ tục xin phê duyệt phòng cháy chữa cháy.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, mặt bằng bán lẻ khó có sự phục hồi.
Do đó, các chủ nhà cần thương lượng, hạ giá thuê để hút khách.
Không chỉ mặt bằng bán lẻ, nhà phố mà ngay cả khách sạn cũng ế chỏng chơ. Hiện tại, khách sạn 4 sao Lavender (quận 1) đang được sửa chữa, cải tạo để làm cao ốc văn phòng.
Khách sạn Anpha Boutique (đường Lê Thánh Tôn, quận 1) đã đóng cửa và dán bảng cho thuê nhiều tháng nay. Một người xưng là chủ nhà nói muốn cho thuê với giá 18.000 USD/tháng và còn có thể thương lượng.
Không chỉ khu vực trung tâm, các con đường nổi tiếng về thời trang như Nguyễn Trãi (quận 1) cũng tràn lan mặt bằng cho thuê.
Một căn nhà ngay ngã tư Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) từng được một doanh nghiệp bất động sản mua với giá 1 tỷ đồng/m2 nhưng đã bỏ trống nhiều năm nay.
Một mặt bằng trên đường Trần Hưng Đạo, sát khu phố Tây Bùi Viện cũng đang treo bảng cho thuê
Đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) vốn sầm uất thì nay cũng đua nhau treo biển cho thuê nhà.
Một căn nhà đang hoàn thiện trên đường Nguyễn Thị Minh Khai đang treo bảng cho thuê.
Tương tự, đường Nguyễn Đình Chiểu - khu vực gần chợ Vườn Chuối (quận 3) trước kia tìm "đỏ mắt" không ra mặt bằng thì nay cũng nhiều nhà dán bảng cho thuê.
Một mặt bằng bề ngang gần 10m trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) dán bảng cho thuê nhiều tháng nay nhưng chưa ai hỏi thăm.
Con đường Lê Văn Sỹ, kéo dài từ quận Tân Bình tới quận 3 vốn đắt đỏ với hàng loạt cửa hàng thời trang, thức ăn nhanh, trà sữa...
Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái đến nay, tình trạng trả mặt bằng ở con đường này ngày càng dày thêm.
Trao đổi với Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Lương Duy Sinh - Công ty GIBC nói rằng, sức mua ở hầu hết ngành hàng đều đang ở mức thấp. Trong khi đó chi phí thuê mặt bằng các khu vực trung tâm TPHCM khá đắt đỏ khiến nhiều đơn vị không thể gánh nổi. Do đó, các đơn vị có xu hướng trả mặt bằng ở ở đây và dạt về ngoại thành, đồng thời phát triển mạnh kênh bán hàng online.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận