Mạnh tay xử lý dự án ma
TP.HCM sẽ mạnh tay xử lý tình trạng phân lô, bán nền trái phép, bán dự án ma để bảo vệ quyền lợi của người dân, nhà đầu tư và trả lại sự phát triển lành mạnh cho thị trường bất động sản.
Bùng nổ dự án “ma”
Trong các dự án ma xuất hiện tại TP.HCM từ đầu năm 2018 tới nay, phải nhắc tới Công ty cổ phần Tư vấn và đầu tư Angel Lina (gọi tắt là Công ty Angel Lina) “vẽ” nhiều dự án bất động sản nhằm chiếm đoạt tài sản của khác hàng.
Đơn cử, Dự án Khu dân cư Đỗ Xuân Hợp (phường Phước Long B, quận 9) bị nhiều khách hàng “tố” đã ký hợp đồng góp vốn với Công ty Angel Lina vào thời điểm tháng 5/2018. Công ty Angel Lina cam kết 12 tháng (sau ký hợp đồng) sẽ giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng, nhưng tới nay, cái được gọi là dự án vẫn chỉ là khu đất cỏ mọc um tùm.
Tương tự, Dự án Khu dân cư Tây Lân (phường Tân Tạo, quận Bình Tân) được Công ty Angel Lina bán từ năm 2018, nhưng tới nay vẫn không có dự án.
Hiện đã có hàng ngàn người mua đất ở 10 dự án của Angel Lina tố cáo công ty này lừa đảo.
Đầu tháng 6/2019, tại đường Lò Lu (quận 9, TP.HCM), tâm điểm của thị trường bất động sản phân lô bán nền tại TP.HCM, xuất hiện dự án mang tên Khu dân cư cao cấp Long Phụng 1 do Công ty CP Thiết kế, xây dựng địa ốc Đại Phúc Real là chủ đầu tư. Dự án được phân ra hàng trăm nền đất để chào bán.
Ông Lê Văn Nhứt (ngụ tại quận Thủ Đức, TP.HCM), một khách hàng được chào mua đất nền dự án này đã tìm tới UBND phường Trường Thạnh để kiểm tra về pháp lý của dự án trước khi đặt cọc mua đất và được lãnh đạo quận cho biết, đây là dự án ma.
Ngay sau đó, UBND phường Trường Thạnh đã có văn bản gửi cơ quan báo chí và đăng tải trên trang web của phường và quận 9 khẳng định không có dự án nào mang tên Khu dân cư cao cấp Long Phụng 1 tại khu vực trên. Khu đất này đã được quận 9 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ sử dụng khác. “Phường Trường Thạnh thông báo để người dân tránh bị kẻ xấu lừa đảo, đồng thời đề nghị các tổ chức, cá nhân có giao dịch đặt cọc, mua bán khu đất liên hệ với công an quận, huyện để nộp đơn tố cáo (nếu có)”, văn bản của UBND phường Trường Thạnh nêu rõ.
Giữa tháng 6/2019, UBND quận Bình Tân cũng phát đi văn bản thông báo về 9 khu đất đang bị “phân nền trên giấy” có dấu hiệu phân lô trái phép tại 6 phường trên địa bàn Quận.
Theo UBND quận Bình Tân, các khu đất này đều quy hoạch là đất trường học, đường giao thông dự phòng, cây xanh, không thể chuyển mục thành đất ở và không có dự án đất nền như quảng cáo.
Trước đó, UBND quận 7 chỉ ra 1 dự án ma trên địa bàn; phường Linh Trung (quận Thủ Đức) cũng phát đi thông báo dấu hiệu lừa đảo mua bán đất nền tại tổ 5, khu phố 6...
Tìm cách xử lý tận gốc
Trước tình trạng dự án “ma” bùng phát mạnh tại các quận, huyện của TP.HCM trong thời gian qua, ngày 12/7 vừa qua, tại kỳ họp thứ 15 HĐND TP.HCM khóa IX, các đại biểu đã thảo luận để bàn giải pháp xử lý.
Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm dẫn chứng một dự án ma được “vẽ” ra tại quận Bình Tân. Chủ đầu tư là một công ty có pháp nhân, tự khoanh một khu đất quy hoạch công viên cây xanh, rồi phân lô bán nền rầm rộ, công khai. “Lúc mở bán, họ quảng cáo rầm rộ, công khai, làm hạ tầng ồ ạt mà không thấy ai xử lý, nên người dân tin tưởng, nộp tiền cho họ. Đến khi chính quyền địa phương phát hiện, thì hàng ngàn người đã bị lừa”, bà Trâm nói. Bà cũng đề nghị Công an TP.HCM khởi tố vụ án để điều tra, xử lý nghiêm, đặc biệt là các đối tượng cầm đầu trong vụ việc, thì mới đủ sức răn đe, ngăn chặn tình trạng này tiếp diễn.
Về phía chính quyền địa phương, ông Dương Hồng Thắng, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết, thời gian qua, UBND huyện Hóc Môn đã chỉ đạo Công an huyện chủ động nắm bắt tình hình, qua đó phát hiện 5 trường hợp liên quan đến lừa đảo về đất đai, mua bán dự án “ảo” và đã kiến nghị Công an TP.HCM khởi tố hình sự 2 vụ việc. Thủ đoạn chung trong các vụ việc này là các đối tượng đặt cọc mua đất nông nghiệp rồi tự ý phân lô bán cho cả trăm người. Tình trạng này khả năng vẫn còn tiếp diễn trên địa bàn, vì vậy ông Thắng khẳng định, UBND huyện Hóc Môn sẽ tiếp tục theo dõi xử lý.
Theo ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, đại bộ phận người dân TP.HCM đều chấp hành tốt trật tự xây dựng. Những trường hợp cố tình vi phạm trong quá trình mua bán, sang nhượng đất đai chủ yếu thuộc 2 nhóm: đất đai không có giấy tờ, do người dân mua bán bằng giấy viết tay và những khu vực không có dự án.
Lãnh đạo TP.HCM cũng chỉ rõ, ở hai nhóm này, các đầu nậu, “cò đất”, môi giới tiến hành phân lô, quảng cáo thông tin rầm rộ, tổ chức lực lượng bán - mua sôi động… và nhiều người dân đã trở thành nạn nhân, mua đất đai ở những nơi chưa đảm bảo pháp lý.
Theo đó, những sai phạm của các đầu nậu, cò đất, môi giới là cố ý vi phạm, lôi kéo người dân, biến họ thành nạn nhân. Trong khi đó, TP.HCM hiện chưa có giải pháp xử lý các đối tượng này và chính điều đó đã tạo ra “điểm nóng” trên địa bàn, khiến nhiều người dân bức xúc.
“Phải xử lý nghiêm minh các đầu nậu, cò đất, môi giới đất làm ăn gian dối như trên, cần thiết cũng phải xử lý hình sự”, ông Hoan khẳng định.
Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, hành vi dùng chiêu trò đưa ra giao dịch chỉ là cớ để chiếm đoạt tiền của khách hàng, mà hành vi này đã được quy định tại Bộ luật Hình sự. Các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành công an, thuế cần sớm điều tra hoạt động của chủ đầu tư các dự án “ma”, trả lại môi trường kinh doanh trong sạch, lấy lại niềm tin của người dân và nhà đầu tư vào thị trường bất động sản.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận