Manga - Sân chơi mới của ngành thời trang?
Những tưởng ngành thời trang ngày nay chỉ quan tâm đến thế giới ảo, nhưng gần đây, dường như họ đã có thêm niềm đam mê với truyện tranh Nhật Bản (manga).
Những người yêu thích thời trang từng kinh ngạc trước những “cuộc đụng độ” giữa ngành thời trang và thế giới anime hay manga, ví dụ như bộ sưu tập mùa xuân của Louis Vuitton lấy cảm hứng từ “Thủy thủ Mặt Trăng” (Sailor Moon) và “Cuốn sổ tử thần” (Death Note) năm 2016, hoặc sự hợp tác của Supreme năm 2017 với Katsuhiro Otomo, tác giả truyện “Akira”.
Sau khi Gucci tung bộ sưu tập thời trang lấy cảm hứng từ nhân vật truyện tranh nổi tiếng của Nhật Bản là Doraemon, được những người trẻ Gen Z và Gen Y yêu thích, nhãn hiệu thời trang dạo phố GCDS cũng đã đưa hình ảnh trong “One Piece” vào các tác phẩm của mình.
Ngành công nghiệp thời trang chưa bao giờ ngần ngại khám phá những vùng đất mới. Nghệ thuật cũng như thiết kế, ẩm thực, bóng đá hay thậm chí là thể thao vận động đều là những lĩnh vực thường xuyên truyền cảm hứng cho các bộ sưu tập thời trang cao cấp và may sẵn.
Gần đây, thế giới trò chơi điện tử (vũ trụ ảo) đã truyền cảm hứng cho nhiều nhà thiết kế, những người đã hợp tác với các tựa game như “Fortnite”, “Animal Crossing”, “Pokemon Go” hay “League of Legends”.
Mặc dù vẫn chưa từ bỏ ý định tạo chỗ đứng trong những thế giới ảo mới này, nhưng giờ đây ngành thời trang dường như đang chuyển hướng sang một niềm đam mê mới, đó là manga.
Thế giới manga không còn xa lạ với giới thời trang. Các thương hiệu như Uniqlo hay Celio thường xuyên tung ra những bộ sưu tập dựa trên những tựa truyện nổi tiếng thế giới.
Trong lĩnh vực xa xỉ phẩm, Gucci cũng thỉnh thoảng bán ra các sản phẩm in hình các nhân vật truyện tranh nổi tiếng, và thậm chí còn hợp tác với họa sĩ hoạt hình Hirohiko Araki cho một chiến dịch quảng cáo vài năm trước.
Nhưng trong những tháng gần đây, sự quan tâm đến những bộ truyện tranh Nhật Bản này dường như đã tăng lên.
Thật vậy, manga đang ngày càng phổ biến trên khắp thế giới, chẳng hạn như ở Mỹ, với doanh số bán manga tại thị trường này tăng hơn gấp đôi vào năm 2021.
Tạp chí thương mại trực tuyến ICv2 cho biết, khoảng 24,4 triệu bản manga đã được bán ra tại Mỹ vào năm 2021, tăng 15 triệu bản so với năm 2020.
Số liệu do công ty GFK công bố cũng cho thấy gần 47 triệu manga đã được mua ở Pháp vào năm 2021, tương đương gần 900.000 bộ mỗi tuần.
Những con số này đủ để gây ấn tượng và thu hút sự chú ý.
Và đây là hướng đi hiệu quả, vì mới đây nhất, Burberry đã hợp tác với một họa sĩ manga để sáng tác một bộ truyện tranh dành riêng cho chiếc túi Lola mang tính biểu tượng của mình.
Câu chuyện về túi Lola
Túi Lola của Burberry đã trở thành một ngôi sao mới nổi tiếng khắp thế giới.
Sau khi tung ra một bộ sưu tập ảo mang tên mình trên game Roblox, hãng thời trang Anh quốc đang quảng bá nó trên nền truyện tranh Nhật Bản, và theo một cách rất độc đáo.
Tsubasa Yamaguchi, tác giả của “Blue Period”, đã biến chiếc túi Lola thành một nhân vật seinen (thanh niên) thực sự, với cuộc phiêu lưu cùng với 2 anh hùng trong nguyên tác là Yatora và Ryuji.
Ngoài dạng túi giấy được bán ra ở một số cửa hàng Burberry ở Nhật Bản, phiên bản rất đặc biệt (và giới hạn) này cũng được bán tự do trên mạng, nhưng chỉ viết bằng tiếng Nhật.
Đây hiện là mối quan hệ mới nhất giữa ngành thời trang và manga, sau những lần hợp tác giữa GCDS và “One Piece” hay Dolce & Gabbana và “Jujutsu Kaisen”, minh chứng cho niềm đam mê thực sự của giới thời trang (và xa xỉ phẩm) đối với truyện tranh Nhật Bản.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận