M&A ngân hàng sẽ tiếp tục "nổi sóng"
Nhiều chuyên gia nhận định, M&A ngân hàng sẽ tiếp tục "nổi sóng" trong thời gian tới do nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh tái cơ cấu, tăng vốn để đáp ứng chuẩn Basel II.
Sức hấp dẫn của ngành ngân hàng
Mới đây, nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc là KEB Hana Bank đã mua 15% cổ phần của BIDV với mức giá khoảng 33.640 đồng/cp. Đây được xem là mức giá phù hợp trong bối cảnh thị trường hiện nay, và đáp ứng được nhu cầu của cả hai bên.
Trước đó, Vietcombank đã bán 3% vốn choGIC Private Limited và Mizuho Bank Ltd vàthu về 6.200 tỷ đồng. Được biết, ngân hàng này tiếp tụcxúc tiến phương án bán tiếp 6,5% cổ phần từ nay đến năm 2020.
Được biết, rất nhiều nhà đầu tư ngoại đang nhăm nhe tìm cơ hội đổ vốn vào Vietcombank. Trong đó, GIC - sau khi rót vốn mua 2,55% vốn Vietcombank, vẫn tiếp tục mong muốn được tham gia đợt chào bán cổ phần tới đây của ngân hàng này.
Bên cạnh đó, thương vụ sáp nhập PGBank vào HDBank với việc hoán đổi cổ phiếu tỷ lệ 1: 0,62, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.
Ngoài ra, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT Vietinbank cho biết, NHTM Đại dương (OceanBank) cũng đang ở giai đoạn cuối hoàn tất thủ tục để hợp tác đối tác nước ngoài. Còn NHTM CP Dầu Khí Toàn Cầu (GPBank) hiện đang củng cố hiệu quả hoạt động và có một số đối tác nước ngoài quan tâm đầu tư hợp tác lâu dài.
Nhiều chuyên gia cho rằng, M&A ngân hàng có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do thời hạn áp dụng Basel II sắp tới gần (từ 1/1/2020).
Bà Trần Thị Bảo Ngọc, Giám đốc Khối Dịch vụ ngân hàng đầu tư, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBS) cho rằng, thị trường M&A trong lĩnh vực tài chính ngân hàng vẫn đang còn rất nhiều dư địa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trong nửa cuối năm nay cũng như thời gian tới, ngành tài chính ngân hàng vẫn là ngành khá “hot”, độ hấp dẫn cao, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Cũng theo bà Trần Thị Bảo Ngọc, thực tế cho thấy, thời gian qua, hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng trong nước được cải thiện đáng kể. Do đó, mặc dù hiện tại trong ngành tài chính ngân hàng vẫn tồn tại những hạn chế nhất định, ví dụ như quy định về việc khống chếnhà đầu tư nước ngoài tham gia giao dịch…, song điều đó không làm giảm đi sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với lĩnh vực này. Các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc đang và sẽ tiếp tục có xu hướng chú ý, quan tâm đến thị trường tài chính Việt Nam.
Nhìn ở góc độ cơ quan quản lý, ông Võ Trí Thành -Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệquốc gia, cho rằng sở dĩ thị trường M&A ngành ngân hàng Việt Nam sẽ hấp dẫn bởi 3 lý do:Thứ nhất, nhu cầu tăng vốn của các ngân hàng để đáp ứng chuẩn Basel II. Thứ hai,tiến trình tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu, nhất là đối với các ngân hàng yếu kém, trong đó có việc khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các định chế tài chính nước ngoài nói riêng mua lại, sáp nhập NHTMCP yếu kém của Việt Nam. Thứ ba, Chính phủ cũng đã xắn tay vào việc này, tăng cường kết nối, xúc tiến làm việc với các tổ chức tài chính quốc tế.
Khó khăn về định và chốt giá
Quay trở lại thương vụ M&A của nhà đầu tư Hàn Quốc với BIDV. Được biết, về phía BIDV, từ thời điểm công bố tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài đến lúc công bố nghị quyết về giao dịch với nhà đầu tư nước ngoài là hơn 4 năm. Còn với KEB Hana, từ lúc mở lời với BIDV đến lúc chốt thương vụ này phải trải qua quá trình đàm phán hơn một năm.
Theo chia sẻ của lãnh đạo BIDV, việc chậm đi đến ký kết chính thức là do quá trình đàm phán và bán vốn phải trải qua rất nhiều thủ tục và cần sự hỗ trợ, tháo gỡ của các cơ quan có liên quan.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho biết, khâu phê duyệt các thủ tục hành chính của cơ quan chức năng hiện nay vẫn còn khá chậm. Chưa kể, việc thống nhất mức giá bán giữa các bên là rất khó khăn, trong đó, một trong những lý do là cơ chế chính sách hiện hành về định giá và chốt giá rất phức tạp.
Đồng quan điểm, TS. Bùi Quang Tín, Chủ tịch Trường Doanh nhân Bizlight cho rằng, với diễn biến thị trường và các quy định hiện hành, giá bán là vấn đề khó khăn nhất trong các thương vụ tại các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước. “Tại các ngân hàng có tỷ lệ cổ phần nhà nước lớn, giá bán cổ phần cho đối tác thấp hơn giá thị trường được cho là có thể gây thiệt cho vốn nhà nước. Do đó, khi thị trường chứng khoán đi lên, các ngân hàng thương mại này càng khó bán vốn cổ phần cho đối tác”, ông Bùi Quang Tín nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận