M&A bùng nổ
M&A tập trung vào lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật số
Thị trường đang tích lũy 7.600 tỷ USD
Năm 2021 được dự đoán sẽ là một năm tấp nập của hoạt động M&A. Sau khi kinh tế chịu thiệt hại bởi đại dịch Covid-19, thị trường đang tích lũy 7.600 tỷ USD (theo tính toán của một số công ty), trong khi lãi suất ở mức thấp kỷ lục.
Đối với các công ty đang đối mặt với khó khăn, hợp nhất sẽ là điều khó có thể tránh khỏi. Đối với các công ty khác, M&A là cách tốt nhất và nhanh nhất giúp lấp đầy khoảng trống về nhân lực và công nghệ nhằm quay trở lại sản xuất.
Dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp khiến các lệnh giãn cách xã hội, thậm chí đóng cửa biên giới vẫn cần được áp dụng. Tỷ lệ thất nghiệp cao làm giảm nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ. Căng thẳng thương mại toàn cầu, áp lực pháp lý đang tạo ra những bất ổn. Trên hết, sự hồi phục kinh tế không đồng đều ở các lĩnh vực khác nhau.
Tuy nhiên, nhìn chung, trong năm 2021, các công ty có nhiều cơ hội chuyển đổi và cuộc cạnh tranh giữa một số công ty dự kiến sẽ rất khốc liệt.
Dự kiến sẽ có thêm nhiều đại giao dịch
Khối lượng và giá trị giao dịch M&A đang tăng cao, đặc biệt với nhóm ngành công nghệ kỹ thuật số, dù mức định giá không hề rẻ trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng điểm. Không ít chỉ số chứng khoán như Dow Jones Industrial Average, NASDAQ Composite, S&P 500, Shanghai Stock Exchange, Nikkei 225 đang ở vùng điểm cao nhất mọi thời đại và giao dịch rất sôi động.
Ghi chú: Cột màu đỏ là tổng số các thương vụ (đơn vị ghi bên trái); đường màu đen nét liền thể hiện giá trị các thương vụ, đường màu đen nét đứt thể hiện giá trị các thương vụ không bao gồm thương vụ quy mô lớn (đơn vị: triệu USD).
Nguồn: Refinitiv, Dealogic and PwC analysis
Hoạt động M&A hồi phục từ tháng 6/2020 và duy trì mạnh mẽ cho đến nay. Trong quý IV/2020, khối lượng và giá trị giao dịch lần lượt tăng 2% và 18% so với cùng kỳ năm 2019.
Sự gia tăng số lượng các đại giao dịch (megadeal) - những giao dịch có giá trị trên 5 tỷ USD - đóng góp lớn vào sự gia tăng tổng giá trị các thương vụ M&A trong nửa cuối năm 2020 và đầu năm 2021.
Có 32 đại giao dịch trong quý III/2020 và 25 đại giao dịch trong quý IV/2020 - tổng giá trị giao dịch của 57 thương vụ này là 688 tỷ USD, trong khi nửa đầu năm 2020 là 27 đại giao dịch, trị giá 266 tỷ USD.
Công nghệ và kỹ thuật số là hai lĩnh vực chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất về cả khối lượng và giá trị giao dịch M&A.
Một trong những lý do giải thích cho sự bùng nổ này là dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi thói quen của các công ty cũng như người tiêu dùng. Chuyển đổi kỹ thuật số tiếp tục là ưu tiên của nhiều công ty, khi mà xã hội vẫn bị hạn chế đi lại, các hoạt động làm việc cũng như giáo dục, mua sắm được thực hiện chủ yếu từ xa.
Nhu cầu M&A ngày càng tăng làm gia tăng sự cạnh tranh và đẩy định giá lên cao hơn.
Microsoft muốn mua Nuance và Discord
Theo một số nguồn tin, Microsoft đang đàm phán để mua lại công ty trí tuệ nhân tạo và công nghệ giọng nói Nuance Communications, mức giá được đề nghị là 56 USD/cổ phiếu Nuance.
Theo đó, tập đoàn này sẽ chi ra khoảng 19,7 tỷ USD (bao gồm nợ ròng của Nuance) để sở hữu Nuance. Nếu thành công, đây sẽ là thương vụ M&A lớn thứ hai của Microsoft, sau thương vụ mua lại LinkedIn với giá 26,2 tỷ USD vào năm 2016.
Hiện tại, cả hai bên vẫn rất kín tiếng về thương vụ. Người đại diện của Microsoft từ chối đưa ra bình luận, còn phát ngôn viên của Nuance không phản hồi về các thông tin trên.
Được biết, Microsoft và Nuance đã có sự hợp tác từ năm 2019 nhằm phát triển một số công nghệ như công nghệ cho phép các bác sĩ ghi lại các đoạn hội thoại trong những lần thăm khám của bệnh nhân và nhận dữ liệu vào các hồ sơ y tế điện tử.
Anurag Rana, một nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence nhận định, điều này có thể giúp Microsoft tăng tốc quá trình số hóa ngành chăm sóc sức khỏe, mảng kinh doanh đã bị tụt hậu so với một số lĩnh vực khác như ngân hàng hay bán lẻ.
Lợi ích ngắn hạn lớn nhất là trong lĩnh vực y tế từ xa, các sản phẩm phiên âm của Nuance đang được sử dụng kết hợp với Microsoft Teams (nền tảng dạy học trực tuyến).
Nuance được thành lập năm 1992, có khoảng 7.100 nhân viên vào thời điểm tháng 9 năm ngoái. Trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30/9/2020, Nuance đạt tổng doanh thu 1,48 tỷ USD, lợi nhuận 91 triệu USD, sau khi lỗ 217 triệu USD vào năm tài chính trước đó.
Microsoft cũng nhắm tới việc thâu tóm Discord. Bloomberg News đưa tin, gã khổng lồ công nghệ đang thương lượng nhằm mua lại Discord - một trong những ứng dụng voice chat nổi tiếng nhất hiện nay, với giá hơn 10 tỷ USD.
Năm ngoái, Microsoft đã mua lại công ty sản xuất trò chơi điện tử Zenimax Media với giá 5,75 tỷ USD.
Microsoft gia nhập lĩnh vực trí tuệ nhân tạo vào khoảng một thập kỷ trước, với các dự án nghiên cứu và mục tiêu ban đầu đặt ra bởi nhà đồng sáng lập Bill Gates là tìm cách để con người có thể giao tiếp với máy tính bằng tiếng Anh đơn giản và dễ dàng hơn.
Những năm gần đây, Microsoft đã chỉ định hàng ngàn nhân viên vào các vị trí liên quan tới trí tuệ nhân tạo và phát hành các công cụ mà khách hàng có thể sử dụng để xây dựng các ứng dụng có thể hiểu và phiên dịch giọng nói, nhận diện hình ảnh và phát hiện các điểm bất thường. Tập đoàn xem trí tuệ nhân tạo như là một động lực chính để thúc đẩy doanh số dịch vụ đám mây.
Microsoft đang bị cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo bởi các đối thủ như Alphabet thuộc Google, hay Amazon.com, những công ty cũng đầu tư lớn cho lĩnh vực này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận