M&A bất động sản tăng nhiệt trở lại
Các thương vụ mua bán sáp nhập đất công nghiệp, dự án nhà ở và cao ốc văn phòng đã diễn ra sôi động trong 7 tháng đầu năm.
Ghi nhận của VnExpress cho thấy hai tháng đầu năm, các thương vụ mua bán sáp nhập bất động sản chủ yếu được thực hiện ở khu vực miền Bắc trong khi từ tháng 3 đến tháng 7, các tỉnh phía Nam gồm TP HCM và vùng phụ cận trở thành tâm điểm của thị trường M&A.
Theo đó, giữa tháng 7, CapitaLand Development, nhánh kinh doanh phát triển bất động sản của Tập đoàn CapitaLand (Singapore) mua lại quỹ đất rộng 8 ha tại TP Thủ Đức. Doanh nghiệp này có kế hoạch xây dựng một khu phức hợp cung cấp hơn 1.100 căn hộ và shophouse với tổng doanh thu dự kiến khoảng 720 triệu USD. Dự án tọa lạc trong khu dân cư quy hoạch hoàn thiện, gần công viên, trường học, khu mua sắm... Thương vụ dự kiến hoàn tất quý IV/2023. Từ năm 2024, dự án sẽ được khởi công và hoàn thành theo kế hoạch vào năm 2027.
Trong tháng 6, một thương vụ đầu tư vào bất động sản trung tâm dữ liệu khác được công bố bởi tổ chức đầu tư tư nhân Gaw Capital Partners có trụ sở tại Hong Kong với dự án Trung tâm dữ liệu cấp độ 3 với diện tích 6.056 m2 tại Khu công nghệ cao TP HCM. Tháng cuối cùng của quý II cũng ghi nhận thêm thương vụ M&A dự án nhà ở tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai) và mua bán sáp nhập khu đất phát triển dự án tại TP Thủ Đức.
Ngoài ra, từ tháng 3 đến tháng 5, TP HCM cùng với Long An, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu nở rộ các thương vụ mua bán sáp nhập tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2, Xuyên Á, Nhơn Trạch, Yên Phong và Phú Mỹ...
Một thương vụ M&A khủng gây chú ý suốt hai quý vừa qua là Masterise Homes thâu tóm dự án Sài Gòn Bình An với tên gọi mới là The Global City. Dự án có quy mô rộng 117 ha, nằm cạnh khu phức hợp Saigon Sports City và tiếp giáp với cao tốc Long Thành - Dầu Giây.
Ở nhánh đầu tư tài chính, quỹ đầu tư Mỹ là Warburg Pincus đã công bố rót khoản vốn 250 triệu USD vào Novaland, nhằm gia tăng quỹ đất và phát triển các dự án hiện hữu của công ty tại các vị trí chiến lược, tận dụng cơ sở hạ tầng đang dần hoàn thiện ở miền Nam. Hai quỹ có vốn đầu tư nước ngoài VinaCapital và Dragon Capital cũng thông báo việc đầu tư 103 triệu USD vào Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Land.
Trước đó, trong 2 tháng đầu năm, các tỉnh phía Bắc dẫn dắt toàn thị trường M&A. Đầu tháng 1 năm nay, GLP - nhà quản lý đầu tư và xây dựng kinh doanh hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hậu cần, cơ sở hạ tầng dữ liệu và năng lượng tái tạo - thành lập GLP Vietnam Development Partners I với tổng mức đầu tư 1,1 tỷ USD, vào sáu dự án trung tâm logistics có tổng diện tích lên đến 900.000 m2.
Trong tháng 2, Công ty Cổ phần Phát triển Công nghiệp BW, nhà phát triển bất động sản công nghiệp do Warburg Pincus và Becamex IDC đồng sáng lập đã công bố việc mua lại khoảng 74.000 m2 đất tại Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong ở tỉnh Quảng Ninh, do DEEP C phát triển.
CapitaLand Development cũng thông báo việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với UBND tỉnh Bắc Giang. Hai bên sẽ đẩy mạnh phát triển dự án khu đô thị - công nghiệp - logistics có tổng diện tích hơn 400 ha trên toàn tỉnh với giá trị cam kết đầu tư 1 tỷ USD (tương đương 22.700 tỷ đồng).
Ngoài ra, đại gia Viva Land có đến hai thương vụ M&A đáng chú ý trong nửa đầu năm. Thương vụ đầu tiên là mua lại tòa nhà văn phòng Capital Place - tòa nhà văn phòng hạng A thuộc khu vực trung tâm Hà Nội với giá 550 triệu USD từ CapitaLand Development. Trước đó không lâu, Viva Land cũng đã mua lại thành công tòa nhà phức hợp văn phòng, căn hộ chung cư và trung tâm thương mại Saigon One Tower và đổi tên thành IFC One, Saigon tại trung tâm quận 1, TP HCM.
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield xác nhận, 7 tháng đầu năm, thị trường mua bán sáp nhập bất động sản diễn ra sôi động ở 3 phân khúc: nhà ở, khu công nghiệp và văn phòng. Trong 3 phân khúc này, bất động sản công nghiệp và nhà ở là kênh hứa hẹn vẫn tiếp tục tăng tốc mua bán sáp nhập thời gian tới do nhu cầu của thị trường vẫn còn rất lớn.
CEO Cushman & Wakefield nhận xét, thị trường bất động sản Việt Nam ngày càng đón nhận nhiều luồng quan tâm mạnh mẽ đến từ các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các dự án giải được bài toán tạo ra lợi nhuận. Sự phát triển của các quỹ đầu tư tư nhân đã cung cấp một nguồn vốn dồi dào để thực hiện các thương vụ M&A.
Bà Trang giải thích, nhà đầu tư thuộc khối ngoại và các quỹ quốc tế không ngừng tìm kiếm những bất động sản đang hoạt động hoặc tìm cách liên doanh với các đối tác có danh tiếng tốt tại thị trường Việt Nam để bắt tay hợp tác hoặc rót vốn. Đối với các nhà đầu tư trong nước, việc mua khu đất phát triển dự án sẽ được ưu tiên hơn.
Thạc sỹ Trang Minh Hà, Chủ tịch North Stars Asia cũng dự báo dòng vốn FDI (vốn đầu tư nước ngoài) nhiều khả năng tiếp tục chảy mạnh vào thị trường khu công nghiệp từ nay đến năm 2025. Do đó, thị trường mua bán sáp nhập bất động sản công nghiệp sẽ kéo dài chu kỳ sôi động, nhiều cơ hội rộng mở cho các loại hình từ đất công nghiệp, nhà xưởng đến kho bãi, hậu cần, trung tâm dữ liệu...
Còn thị trường M&A nhà ở, văn phòng theo ông Hà sẽ có sự phân hóa về chiều sâu. Thời gian tới, các thương vụ có thể tập trung nhiều ở nhóm tài sản cao cấp và bất động sản xanh (có chứng chỉ xanh hoặc có gắn nhãn tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường). Diễn biến này xuất phát từ nguyên nhân sau những tác động của đại dịch, nhu cầu không gian làm việc và không gian sống chất lượng cao, thân thiện môi trường, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe được chú trọng nhiều hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận