Lý giải điều gây tranh cãi về sửa đổi nghị định kinh doanh xăng dầu
Liên quan đến dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến các bộ ngành, hiệp hội, ngày 4/10, bà Nguyễn Thúy Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương đã trả lời xung quanh một số quy định mới đang gây chú ý của dư luận thời gian qua.
Theo bà Hiền, dự thảo Nghị định đưa ra lấy ý kiến có nhiều điểm mới, như cơ chế điều hành giá xăng dầu theo hướng để doanh nghiệp tự tính toán giá, Nhà nước chỉ công bố các yếu tố hình thành giá để doanh nghiệp tự quyết định giá. Việc bình ổn giá xăng dầu cũng sẽ được thực hiện theo quy định tại Luật Giá năm 2023.
Dự thảo bổ sung điều kiện đối với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu với các quy định cứng về thực hiện việc kết nối mạng với Bộ Công Thương về dữ liệu kho chứa xăng dầu, tình hình thực hiện tổng nguồn xăng dầu, có trách nhiệm thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu 100.000 m3, tấn xăng dầu trong một năm.
Với thương nhân phân phối xăng dầu, dự thảo Nghị định bỏ quy định thương nhân phân phối xăng dầu phải dự trữ lưu thông xăng dầu 5 ngày; bỏ điều kiện về kho chứa xăng dầu, phòng thử nghiệm chất lượng xăng dầu. Doanh nghiệp sẽ không được mua bán lẫn nhau như trước đây...
Theo Bộ Công Thương, việc mua bán lòng vòng giữa các doanh nghiệp khiến thị trường xăng dầu rối, khó kiểm soát.
Lý giải về việc sửa đổi gây nhiều tranh cãi nhất thời gian qua trong dự thảo về việc không cho thương nhân phân phối xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn dù Nghị định 95 hiện hành đang cho phép thực hiện, bà Hiền cho biết, mặt hàng xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, khi tham gia thị trường các thương nhân cần phải đáp ứng, duy trì các điều kiện và thực hiện quyền và nghĩa vụ ở từng phân khúc mà thương nhân tham gia.
Cụ thể, với thương nhân phân phối, hiện phải đáp ứng và duy trì các điều kiện về số cửa hàng trực thuộc, đại lý bán lẻ, kho bể, phương tiện vận tải sở hữu hoặc thuê trên 5 năm... Về quyền, họ được mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu khác.
Theo bà Hiền, thời gian qua, các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra đã chỉ ra 3 vấn đề lớn về hoạt động của các thương nhân phân phối. Việc cho phép thương nhân phân phối xăng dầu được mua xăng dầu của nhau tạo ra nhiều tầng nấc trung gian trong khâu phân làm tăng thêm chi phí và là một trong những nguyên nhân dẫn tới chiết khấu tại khâu bán lẻ ở mức thấp, không khuyến khích doanh nghiệp bán xăng dầu ra thị trường.
Bà Nguyễn Thúy Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương. Ảnh: Phong Lâm.
“Một số ý kiến cho rằng quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu với nhau có thể có yếu tố hạn chế cạnh tranh trên thị trường, không đảm bảo sự công bằng theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, kinh doanh xăng dầu là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nên phải tuân thủ điều kiện khi tham gia kinh doanh. Các thương nhân trong từng phân khúc thị trường vẫn tự do cạnh tranh với nhau. Đồng thời, quy định này cũng tạo động lực cho thương nhân phát triển hướng tới phân khúc thị trường cao hơn, như làm thương nhân đầu mối”, bà Hiền nói.
Trong kiến nghị gửi Thủ tướng, nhóm thương nhân xăng dầu cho rằng, dự thảo mới có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, tạo lợi thế kinh doanh cho các doanh nghiệp lớn có vị thế độc quyền, tạo cơ hội phát sinh tiêu cực, hình thành “lợi ích nhóm”, hạn chế quyền kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhóm thương nhân phân phối và bán lẻ cũng đề xuất Chính phủ cho phép lập sàn đấu giá mua bán xăng dầu để minh bạch hoá hoạt động kinh doanh xăng dầu hiện nay...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận