Lý do tăng trưởng tín dụng thấp
Phó Thống đốc Ngân hàng Đào Minh Tú khẳng định, nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thời gian qua thấp chủ yếu từ các yếu tố khách quan. Ông Tú cũng thẳng thắn cho biết một số ngân hàng thiếu mạnh dạn cấp tín dụng, còn thận trọng, lo sợ nợ xấu tăng.
Tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô sáng 7/12, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, đến ngày 30/11, tín dụng đối với nền kinh tế đạt khoảng 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022, thấp hơn so với cùng kỳ các năm.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú (Ảnh: TTXVN).
Ghi nhận tại thời điểm ngày 22/11, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 8,21%. Như vậy, chỉ trong hơn 1 tuần cuối tháng 11, quy mô tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm gần 1%, tương đương tăng hơn 112.000 tỷ đồng.
Dù bứt tốc mạnh trong tuần cuối tháng 11 nhưng hiện tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước và kém xa mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đề ra. Với chỉ tiêu định hướng đầu năm (14,5%), ước tính dư địa mà các ngân hàng có thể cho vay thêm trong tháng 12 là gần 638.000 tỷ đồng.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thời gian qua thấp chủ yếu từ các yếu tố khách quan. Đó là đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng. Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khó khăn từ thị trường bất động sản tác động đến khả năng hấp thụ tín dụng (chiếm tỷ trọng khoảng 21% trong tổng tín dụng chung)...
Bên cạnh nguyên nhân khách quan, phó thống đốc thẳng thắn chỉ ra còn có nguyên nhân chủ quan ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng. Đó là mặc dù lãi suất (cho vay) đã giảm đáng kể trong thời gian qua, tuy nhiên một số ngân hàng thương mại còn ở mức khá cao.
Một số ngân hàng thiếu mạnh dạn cấp tín dụng, còn thận trọng, lo sợ nợ xấu tăng. Việc thực hiện cơ chế tài sản đảm bảo còn thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp. Thiếu sự kết nối của khách hàng và ngân hàng để trực tiếp trao đổi, tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước bổ sung room tín dụng cho các ngân hàng. Theo đó, ngân hàng có dư nợ tín dụng đến nay đạt đến 80% chỉ tiêu tín dụng đã được thông báo thì sẽ được chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022.
"Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng không cần thiết phải đề nghị hoặc xin bổ sung", phó thống đốc nói.
Về định hướng điều hành chính sách trong thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết bám sát diễn biến trong nước và quốc tế để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát diễn biến thị trường để kịp thời điều hòa tăng trưởng tín dụng từ ngân hàng thừa sang ngân hàng thiếu hạn mức, đảm bảo cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng trong thời gian tới...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận