Lý do Ngân hàng Nhà nước đẩy giá tham chiếu đấu thầu vàng SJC lên cao
Trong 6 phiên đấu thầu vàng SJC vừa qua, Ngân hàng Nhà nước luôn đưa ra giá tham chiếu rất cao và bám khá sát giá vàng SJC trên thị trường.
Trước hết, nhìn về đấu thầu vàng năm 2013 với tổng cộng 76 phiên đấu giá và bán ra 1.819.900 lượng vàng (khoảng 70 tấn), trị giá 3 tỉ USD, đã giúp thu hẹp chênh lệch vàng trong nước và thế giới.
Sự thành công này của Ngân hàng Nhà nước nhờ vào năm 2013, giá vàng thế giới có xu hướng giảm.
Đấu thầu vàng lúc bấy giờ nhằm mục đích tăng nguồn cung nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế về vàng, đặc biệt là để các ngân hàng thương mại đóng trạng thái âm.
Năm 2024, đấu thầu vàng diễn ra trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng cao. Kinh tế Việt Nam đối diện với tỉ giá căng thẳng, thị trường bất động sản chưa ấm lên, lãi suất tiền gửi tiết kiệm thấp, chứng khoán chưa nhiều sôi động...
Điều này đã làm thay đổi chiến lược đấu thầu vàng năm 2024 của Ngân hàng Nhà nước.
Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước trong đấu thầu vàng SJC là đưa nguồn cung vàng ra thị trường. Sau 3 phiên đấu thầu thất bại, thì các phiên còn lại với sự điều chỉnh điều kiện đấu thầu hợp lý hơn thì nguồn cung vàng bắt đầu gia tăng với 14.100 lượng vàng SJC đã được đưa ra thị trường.
Chiến lược này có thể giảm thiểu việc tích trữ đầu cơ và giảm sự khan hiếm vàng vật chất trên thị trường.
Nếu năm 2013, trong các đợt đấu thầu vàng SJC, Ngân hàng Nhà nước thường đưa ra mức giá chỉ cao hơn vài triệu đồng so với giá vàng thế giới, thì lần này lại khác.
Về giá, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể thiết lập mức giá tham chiếu hợp lý nhưng các điều kiện lúc này chưa thể thực hiện.
Vì nếu để giá quá sát với giá vàng thế giới, sẽ kích hoạt lực mua vàng của thị trường trong bối cảnh các lĩnh vực đầu tư chưa hấp dẫn và lãi suất tiền gửi tiết kiệm đang thấp, chưa kể kỳ vọng giá vàng còn tăng cao trong tương lai nhờ vào giá vàng thế giới được dự báo tăng mạnh.
Một khi lực mua vàng tăng mạnh, khả năng vàng hóa trong nền kinh tế có thể diễn ra. Việc người dân xếp hàng đi mua vàng khi giá vàng cao đỉnh điểm và người dân mua bán vàng của nhau ngay trên vỉa hè, quán cà phê có thể chứng minh sự manh nha cho điều này.
Nếu vàng hóa quay trở lại, Ngân hàng Nhà nước sẽ càng vất vả hơn trong việc điều hành chính sách tiền tệ.
Chưa kể, tại thị trường vàng Việt Nam, người dân mua với mục đích tích trữ, làm tài sản an toàn để phòng ngừa lạm phát, và các biến động khác.
Một lượng tiền chôn chặt trong két sắt, mà không được đưa ra sản xuất, kinh doanh và đầu tư sẽ khó có thể làm sôi động nền kinh tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận