Lý do hãng Apple bị phạt tại Pháp
Apple bị Tòa án thành phố Paris tuyên phạt 1 triệu euro (khoảng 1,06 triệu USD) do cho rằng hãng công nghệ này đã áp đặt những điều kiện không công bằng.
Theo Vietnamplus, tòa án thành phố Paris (Pháp) ngày 19/12 đã tuyên phạt Apple 1 triệu euro (khoảng 1,06 triệu USD) do cho rằng hãng công nghệ này đã áp đặt những điều kiện không công bằng đối với các nhà phát triển ứng dụng, đồng thời yêu cầu Apple tuân thủ các quy định mới của Liên minh châu Âu (EU).
Phán quyết trên bắt nguồn từ vụ Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire khởi kiện năm 2017, cáo buộc rằng gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã áp giá đối với các công ty khởi nghiệp của Pháp muốn bán ứng dụng của mình trên nền tảng của Apple.
Đơn khiếu nại cũng nêu rõ Apple đã lấy dữ liệu từ các nhà phát triển này và có thể đơn phương sửa đổi hợp đồng đã ký kết.
Theo tòa án, vụ việc trên đã gây ra "sự mất cân bằng... và bất an đáng kể về kinh tế và pháp lý" do các nhà phát triển không thể thương lượng lại các điều khoản trong hợp đồng hoặc phản đối việc đình chỉ ứng dụng của họ.
Tuy nhiên, tòa án cũng bác bỏ 5 trong số 11 đơn khiếu nại, trong đó liên quan yêu cầu sử dụng độc quyền hệ thống thanh toán của Apple hoặc khoản hoa hồng 30%.
Các thẩm phán khẳng định rằng những yêu cầu này là "không quá đáng" và phổ biến trong cả hai hình thức thương mại truyền thống và trực tuyến.
Tòa án không buộc Apple sửa đổi một số điều khoản gây tranh cãi, nhưng yêu cầu hãng này phải điều chỉnh hợp đồng với các đối tác trên toàn châu Âu, vì lợi ích chung của các nhà phát triển ứng dụng và tuân thủ các quy định về thị trường thông tin kỹ thuật số của Liên minh châu Âu.
Về phần mình, Apple cho biết sẽ xem xét chi tiết phán quyết, đồng thời tiếp tục hỗ trợ các nhà phát triển và cung cấp một nền tảng an toàn cho người tiêu dùng. Tuyên bố của công ty nêu rõ: "Apple tin tưởng vào các thị trường năng động và cạnh tranh, nơi thúc đẩy sự đổi mới."
Hồi tháng 3 vừa qua, công ty Google cũng đã phải đối mặt một vụ kiện tương tự, sau đó bị tuyên phạt 2 triệu euro và được yêu cầu sửa đổi 7 điều khoản trong hợp đồng.
Theo Thanh Niên, phán quyết này của Tòa án Thương mại Paris được đưa ra sau khi Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA) của EU có hiệu lực về mặt kỹ thuật vào ngày 1/11. Mặc dù sẽ chỉ được áp dụng đầy đủ vào đầu năm 2024, nhưng Apple đang chuẩn bị những thay đổi cần thiết để kịp phát hành iOS 17 vào mùa thu tới.
Mặc dù vậy, điều này không có nghĩa Apple ủng hộ DMA của EU. Khi vận động hành lang chống lại các luật mới, Apple đã lập luận rằng việc tải ứng dụng từ bên thứ ba có thể đưa các ứng dụng không an toàn lên thiết bị của người tiêu dùng và làm suy yếu quyền riêng tư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận