Lý do Hà Nội, TP HCM vẫn tụt hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Vướng mắc đất đai, thủ tục kéo dài là những điểm chậm chuyển đổi khiến TP HCM "dậm chân tại chỗ", còn Hà Nội tụt hạng về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Năm nay, Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu, Long An tăng 8 bậc vươn lên vị trí thứ hai. Trong khi đó, hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP HCM đều không có tên trong top 20.
Sau khi rơi 13 bậc năm ngoái, TP HCM duy trì vị trí 27. Hà Nội rớt 8 bậc, xuống thứ 28. Đây là năm thứ hai liên tiếp Thủ đô không góp mặt trong top 10 PCI và năm thứ 4 tụt hạng.
Các vướng mắc về thủ tục đất đai, thời gian giải quyết thủ tục kéo dài hay vấn đề pháp lý, an ninh trật tự... vẫn là những điểm doanh nghiệp đánh giá "chậm chuyển đổi" của Hà Nội, TP HCM.
Với Hà Nội, một nửa chỉ số PCI thành phần giảm điểm so với 2022. So với các địa phương khác, Thủ đô ở vị trí thứ 61 về tiếp cận đất đai. Doanh nghiệp tại đây phải chờ trung bình 30 ngày để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong khi nhiều địa phương là 10-15 ngày. Có tới 35% đơn vị được hỏi cho biết họ gặp khó khăn về thiếu quỹ đất sạch, cao nhất trong các địa phương.
Thành phố này cũng đứng áp chót về thể chế pháp lý và an ninh trật tự. Tỷ lệ doanh nghiệp tin rằng pháp luật có cơ chế giúp họ được bảo vệ khi thực thi hợp đồng, đều dưới mức trung bình.
Còn TP HCM, hai chỉ số kém cạnh tranh nhất gồm tiếp cận đất đai đứng chót bảng và gia nhập thị trường xếp thứ 55. Trên 90% công ty trong diện khảo sát nói phải trì hoãn hoặc hủy kế hoạch kinh doanh do gặp khó về thủ tục hành chính đất đai.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI, điều khó với các thành phố lớn là lượng công việc cần giải quyết nhiều, trong khi doanh nghiệp tại đây "khó tính hơn".
"Phòng đăng ký kinh doanh của TP HCM, Hà Nội có khối lượng công việc một ngày bằng cả tháng của địa phương khác", ông nói.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, lượng doanh nghiệp tại hai đầu tàu kinh tế chiếm hơn một nửa cả nước, đa dạng về loại hình kinh doanh và lĩnh vực hoạt động.
Áp lực với chính quyền, độ phức tạp của thủ tục cần giải quyết vì thế cũng gấp nhiều lần các địa phương khác. Cộng đồng doanh nghiệp có những "cảm nhận chưa tốt" trong cách giải quyết, thực thi của bộ máy chính quyền, song theo bà Thảo, nó không đồng nghĩa môi trường kinh doanh tại đây thiếu hấp dẫn.
Ở khía cạnh này, ông Tuấn cũng nhìn nhận, chỉ số PCI đo chất lượng thực thi của bộ máy, mức độ tương tác doanh nghiệp với chính quyền địa phương, nhưng từ chính sách, chỉ đạo đến thực thi là "khoảng cách dài". Khoảng cách này với Hà Nội, TP HCM lớn hơn, khi chuyển biến giữa các bộ phận chưa đồng bộ.
"Nhiều khi một địa phương khác biệt không phải nhờ chính sách tốt, thông thoáng hơn mà là khoảng cách thực thi gần lại", ông Tuấn nói, thêm rằng Hà Nội và TP HCM đều có quyết tâm lớn, nhưng cần thời gian thay đổi, chuyển biến.
Lý do khiến thứ hạng của hai thành phố lớn "dậm chân tại chỗ" còn vì nhóm địa phương top dưới đang bứt tốc. "Các tỉnh đi sau đã học hỏi kinh nghiệm của địa phương đi trước, cải thiện chất lượng điều hành kinh tế, bứt phá", ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nói.
Phân tích thêm, Phó tổng thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn đề cập tới "động lực để cải thiện môi trường kinh doanh" của các địa phương. Hiện, xu hướng này diễn ra đồng đều, khiến khoảng cách giữa các tỉnh, thành thu hẹp.
Theo ông Tuấn, các địa phương lớn như TP HCM, Đồng Nai hay Bình Dương ít động lực biến chuyển do có nhiều lựa chọn. Trong khi gần đây Tây Ninh, Long An đột phá do "muốn kéo nhà đầu tư họ sẽ có sách kiến, chính sách mới". Nhờ đó, năm nay Long An giữ ngôi á quân, còn Phú Thọ lần đầu góp mặt trong top 10 địa phương có chất lượng cạnh tranh năng lực cấp tỉnh tốt nhất.
Không cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng PCI, nhưng TP HCM và Hà Nội vẫn là những nơi được chọn đầu tư, kinh doanh hàng đầu. Gần 3 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được rót vào Thủ đô trong năm ngoái, tăng trên 70% so với 2022. Con số này góp phần đưa thành phố là một trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.
Trong khi đó, TP HCM thu hút trên 5,8 tỷ USD vốn ngoại vào năm ngoái, tăng gấp rưỡi năm 2022.
Năm 2023, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) của Hà Nội tăng 6,27% so với năm trước đó. GRDP TP HCM tăng 5,81%. Các mức này đều cao hơn bình quân GDP cả nước (5,05%).
Dù vậy, chuyên gia CIEM Bùi Minh Thảo cho rằng, hai thành phố cần giải quyết thách thức về chính sách để có bước tiến đáng kể trong các năm sau. Đó là, cải thiện chất lượng dịch vụ công (thái độ phục vụ, minh bạch quy trình thủ tục) và thiết lập cơ chế liên kết giữa các sở, ngành để thời gian giải quyết thủ tục nhanh hơn cho doanh nghiệp, người dân.
"Doanh nghiệp tại đây hoạt động đa dạng, họ đòi hỏi thực hiện thủ tục liên quan đa ngành. Vì thế, sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước và địa phương rất quan trọng", bà góp ý.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận