Lý do Hà Nội 'khát' xăng, các chi phí tăng bất thường trong giá
Đại diện doanh nghiệp xăng dầu xác nhận, tình trạng một số cây xăng của doanh nghiệp tư nhân ở các quận Hà Đông, Tây Hồ (Hà Nội) thông báo “hết xăng, còn dầu” đã xảy ra cuối tuần qua. Theo thông tin ban đầu, việc hết xăng cục bộ do lượng dự trữ không đủ, xe bồn chở xăng hư hỏng hoặc chưa tới giờ được vào nội đô cấp hàng...
Tới lượt Hà Nội cạn xăng
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện doanh nghiệp xăng dầu xác nhận, tình trạng một số cây xăng của doanh nghiệp tư nhân ở các quận Hà Đông, Tây Hồ (Hà Nội) thông báo “hết xăng, còn dầu” đã xảy ra cuối tuần qua.
Theo thông tin ban đầu, việc hết xăng cục bộ do lượng dự trữ không đủ, xe bồn chở xăng hư hỏng hoặc chưa tới giờ được vào nội đô cấp hàng... Để tìm được những cây xăng còn mở bán, nhiều người dân đã phải gọi tổng đài của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) để tìm chỗ đổ xăng, tránh cảnh hết xăng giữa đường trong buổi tối.
Đại diện một doanh nghiệp đầu mối lớn (đề nghị không nêu tên) cho biết, việc Bộ Công Thương phân giao hạn mức thêm cho một số doanh nghiệp đầu mối đang tạo ra gánh nặng lớn, đặc biệt trong bối cảnh kinh doanh xăng dầu liên tục bị thua lỗ nhiều tháng qua.
Theo vị này, những biến động tỷ giá thời gian gần đây, cộng với những chi phí chưa được tính đủ cho doanh nghiệp xăng dầu đang bào mòn nguồn vốn của hầu hết các doanh nghiệp trong ngành. Với những doanh nghiệp đầu mối mới cấp phép vài năm trở lại đây và các thương nhân phân phối, tình trạng mất vốn rất đáng quan tâm và cần sớm có giải pháp tháo gỡ triệt để nhằm tránh các hệ luỵ với thị trường.
Tình trạng phải xếp hàng rất lâu mới mua được xăng dầu xuất hiện tại nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở Hà Nội cuối tuần qua. |
Theo các doanh nghiệp xăng dầu, trước đây việc phân giao tổng nguồn được tính theo năm nhưng giai đoạn gần đây, Bộ Công Thương lại phân cho doanh nghiệp phải thực hiện theo quý và được phép nhập khẩu hoặc lấy từ nguồn trong nước.
“Về nguyên tắc, khi cơ quan quản lý đã phân giao, doanh nghiệp nhà nước sẽ gắng thực hiện đảm bảo. Nhưng với các doanh nghiệp tư nhân, nếu không được tháo gỡ các vướng mắc, việc thực hiện rất khó đảm bảo. Với tình hình này, nguồn cung xăng dầu sẽ thiếu từ nay đến hết quý I năm sau”, vị này cho hay.
Lãnh đạo một đầu mối khu vực phía Nam cũng dự báo việc mua xăng dầu từ nước ngoài giai đoạn tới sẽ rất khó khăn, đặc biệt với mặt hàng dầu do châu Âu đang gia tăng nhập dầu. Với các khách hàng lớn này, quyền mua sẽ được ưu tiên hơn trong khi các loại chi phí cao, tỷ giá biến động mạnh sẽ khiến các doanh nghiệp xăng dầu trong nước ‘rất khổ' vì càng nhập càng bị lỗ nếu vẫn kéo dài tình trạng hiện nay.
Chi phí tăng bất thường trong giá xăng dầu
Petrolimex vừa có văn bản gửi Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, đề xuất loạt vấn đề liên quan đến các khoản chi phí tăng bất thường trong giá xăng dầu. Theo dự báo, việc nhập khẩu xăng dầu thời gian tới sẽ gặp thêm khó khăn khi châu Âu đang gia tăng nhập dầu từ các nước.
Theo Petrolimex, chi phí định mức tính trong giá cơ sở đối với mỗi lít xăng RON 95 hiện ở mức 1.050 đồng/lít, xăng E5 RON 92 là 1.250 đồng/lít, dầu diesel là 1.000 đồng/lít, dầu mazut là 544 đồng/lít. Nhưng thực tế, chi phí với mỗi lít xăng của doanh nghiệp đang ở ngưỡng 1.310 đồng//lít với xăng RON 95, 1.434 đồng/lít với xăng E5 RON 92 và 1.290 đồng/lít với dầu diesel. Chi phí với dầu mazut là 577 đồng/kg. Chi phí tăng cao bất thường so với mức tính hiện hành của các cơ quan quản lý, khiến doanh nghiệp bị lỗ rất lớn.
“Mức chi phí định mức áp dụng trong công thức giá cơ sở đang thấp hơn so với chi phí kinh doanh thực tế bình quân đã được kiểm toán từ 184 - 598 đồng/lít, tương ứng khoảng 13 - 39% đối với giá bán lẻ các mặt hàng xăng, dầu và 33 đồng/lít, tương ứng 6% đối với giá bán buôn mặt hàng madut", ông Lưu Văn Tuyển, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex cho hay.
Cũng theo lãnh đạo Petrolimex, trong 9 tháng qua, chi phí kinh doanh của tập đoàn tăng 649 tỷ đồng, tương ứng tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí vận chuyển tăng 343 tỷ đồng, chi phí dịch vụ mua ngoài tăng 32 tỷ đồng. Chi phí vốn của tập đoàn tăng 2 lần làm tăng chi phí lãi vay khoản 60 - 65 tỷ đồng/quý”,
Tập đoàn này kiến nghị Cục Quản lý giá xem xét điều chỉnh chi phí định mức vào kỳ điều hành ngày 1/11.
Theo báo cáo của Petrolimex, từ 1/6/2022 đến 10/10/2022, chi phí premium nhập khẩu, so sánh với định mức hiện hành áp dụng trong giá cơ sở thì chi phí với xăng nền (xăng khoáng để pha chế xăng E5 RON92) đang chênh lệch 622 đồng/lít. Mức chênh lệch với xăng RON 95 là 551 đồng/lít còn các mặt hàng dầu chênh lệch từ gần 279-681 đồng/lít, kg. Chi phí premium trong nước cũng đang cao hơn so với định mức là từ 70-120 đồng/lít các loại mặt hàng. Cùng với đó, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về các cảng đang chênh lệch từ 36-60 đồng/lít.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận