Lý do các 'ông lớn' kiến nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Sáng 7-5, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) tổ chức hội nghị lấy ý kiến xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu. Nhiều nội dung quan trọng của dự thảo nghị định đã được các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối quan tâm, đưa ra ý kiến góp ý.
Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex, cho biết dự thảo nghị định đã có nhiều nội dung mới. “Một số ý kiến cho rằng dự thảo chỉ là “bình mới rượu cũ”, chúng tôi không đồng tình. Vì những nội dung nào còn phù hợp thì chúng ta vẫn phải kế thừa” - ông Năm bày tỏ.
Đề cập đến vấn đề quỹ bình ổn, phó tổng giám đốc của Petrolimex đề nghị xem xét bỏ quỹ này. Lý do là nếu thực hiện chu kỳ điều hành giá bảy ngày/lần như hiện nay thì mức độ biến động giá giữa các lần điều chỉnh giá cơ bản không còn lớn. Diễn biến giá xăng dầu trong nước đã bám sát giá thế giới. Do đó, những tác động của việc điều chỉnh giá bán xăng dầu lên tình hình kinh tế - xã hội không lớn qua mỗi lần điều chỉnh giá bán.
Bên cạnh đó, việc bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng giảm thiểu rủi ro, bất cập trong việc quản lý quỹ trong thời gian qua, như việc trường hợp của một số thương nhân đầu mối Xuyên Việt Oil, Hải Hà, Thiên Minh Đức… Qua đó góp phần minh bạch thông tin, tránh tình trạng người dân hiểu nhầm quỹ bình ổn giá là quỹ của doanh nghiệp (DN).
“Chúng tôi biết là khó cho cơ quan quản lý nhà nước nhưng về góc độ thị trường, chúng tôi đề nghị mạnh dạn bỏ quỹ bình ổn. Qua quan sát, chúng ta cũng thấy thời gian qua quỹ bình ổn hầu như không trích, chi sử dụng quỹ nhưng thị trường vẫn không gặp vấn đề gì. Trong khi duy trì quỹ, DN rất khổ do phải làm bảng kê lượng xuất bán, báo cáo, kiểm kê rồi thanh tra, kiểm tra. Như với Petrolimex, một năm thực hiện 11 triệu m3/tấn, số lượng rất lớn, kể cả dùng máy tính cũng có độ chênh lệch. Chỉ cần sai lệch nhỏ thì bị quy là sai phạm. Rất khổ” - ông Năm nói.
Phó tổng giám đốc của Petrolimex cũng bày tỏ nếu trong trường hợp vẫn tiếp tục duy trì quỹ bình ổn thì đề xuất cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp quản lý quỹ được hình thành từ các DN đầu mối. Đồng thời có quy định cụ thể để trích/chi quỹ và đảm bảo kịp thời, thuận tiện trong trường hợp chi sử dụng quỹ để không làm ảnh hưởng đến vốn của DN.
Theo tính toán của Petrolimex, nếu dự trữ lên 30 ngày, tức là tăng 10 ngày so với hiện hành. Theo mức phân giao nguồn năm 2024, toàn thị trường sẽ mất thêm chi phí xấp xỉ 900 tỉ đồng.
Đồng quan điểm, ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dầu Việt Nam - PVOil, cũng đề xuất bỏ quỹ bình ổn. Chia sẻ thêm, ông Dương cho biết hiện nay giá thị trường xăng dầu lên xuống khó lường nhưng mỗi kỳ điều hành giá, DN cứ phải hồi hộp đoán xem kỳ này quỹ sử dụng thế nào, trích ra sao… Bên cạnh đó, quỹ bình ổn là nguồn lực của người dân đóng góp vào thì bản chất không phải bình ổn.
“Nhà nước xây dựng quỹ với thiện chí hỗ trợ cho người dân nhưng hiện nay thiện chí đó người dân không cảm nhận được, người dân phản đối kịch liệt thì duy trì quỹ để làm gì. Do vậy, tôi kiến nghị nếu được thì bỏ quỹ bình ổn. Nếu vì nhiều lý do mà chưa thể bỏ quỹ bình ổn thì chỉ khi nào giá lên mức cao quá mới sử dụng quỹ. Như thế để chúng tôi bớt hồi hộp, không phải đoán định điều hành của Nhà nước, điều hành của Nhà nước phải minh bạch” - ông Dương nói.
Ông Đoàn Minh Quang, Tổng Giám đốc DN xăng dầu đầu mối Thanh Lễ, cũng đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Nếu vẫn giữ quỹ thì nên do Nhà nước quản lý.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch VINPA, cho hay: “Có ý kiến cho rằng Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu đã trải qua ba lần sửa đổi nhưng vẫn không triệt để, không hoàn chỉnh. Nhưng thật sự thì theo quy định, mỗi lần sửa đổi không được sửa đổi quá 20% nội dung của nghị định hiện tại. Do vậy chúng ta chỉ sửa đổi được những vấn đề rất lớn, mang tính nhất thời”.
“Dự trữ lưu thông là trách nhiệm của Nhà nước, không thể đổ lên vai DN”
Vấn đề được nhiều DN đầu mối xăng dầu quan tâm là quy định về dự trữ lưu thông xăng dầu hiện là 20 ngày thì dự thảo đề xuất tăng lên 30 ngày. Ông Trần Ngọc Năm nói: Không chỉ tăng ngày dự trữ lưu thông lên 30 ngày mà quy định còn chặt chẽ hơn, tồn kho xăng dầu là xăng dầu thuộc sở hữu của thương nhân đầu mối và nằm trên lãnh thổ Việt Nam.
“Dự trữ lưu thông là dự trữ lưu thông. Nhà nước muốn tăng lên 50 hay 60 ngày thì Nhà nước phải đầu tư, tại sao lại chuyển hết sang cho DN? 20 ngày cũng đã chết chứ chưa nói đến 30 ngày. Vì việc quy định tồn kho nằm trên/trong lãnh thổ Việt Nam thì bản chất đã tăng số ngày dự trữ so với hiện hành. Vì hiện nay việc xác định ngày tồn kho đang thực hiện theo chế độ kế toán, bao gồm hàng đi đường từ cảng xếp nước ngoài trước khi về đến lãnh thổ Việt Nam” - ông Năm nói.
Theo tính toán của Petrolimex, nếu dự trữ lên 30 ngày, tức là tăng 10 ngày so với hiện hành. Theo mức phân giao nguồn năm 2024, toàn thị trường sẽ mất thêm chi phí xấp xỉ 900 tỉ đồng. Chưa kể tồn kho 30 ngày sẽ rất khó kiểm soát rủi ro, đặc biệt là khi giá xăng dầu thế giới giảm mạnh.
Tiếp tục chia sẻ, ông Năm nhấn mạnh: “Chúng ta không phải lo lắng về an ninh năng lượng, vì còn một công cụ nữa là tổng nguồn tối thiểu, Bộ Công Thương có thể điều chỉnh việc phân giao tổng nguồn tối thiểu xăng dầu”.
Qua ba lần sửa đổi, nghị định vẫn chưa triệt để
Tại hội nghị, ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký VINPA, cho biết Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu từ khi có hiệu lực đến nay đã được sửa đổi bởi Nghị định 08/2018, Nghị định 95/2021 và Nghị định 80/2023. Trong thời gian gần 10 năm thực hiện, nguồn cung xăng dầu cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu kinh tế - xã hội và tiêu dùng của người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều quy định cần sửa đổi để đáp ứng tình hình thực tiễn đã có nhiều thay đổi. Đơn cử như cơ cấu nguồn xăng dầu trong nước đã đáp ứng được 70%, nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới có liên quan đến xăng dầu được ban hành hoặc được sửa đổi, bổ sung như Luật Giá, Luật Quản lý ngoại thương… Từ đó dẫn tới một số quy định điều hành thị trường xăng dầu có nhiều thay đổi…
Theo lãnh đạo VINPA, hiệp hội đã tổ chức các buổi lấy ý kiến, đã nhận được một số ý kiến của hội viên, các nhà khoa học. Các ý kiến chủ yếu tập trung nhiều vào các vấn đề về giá, quyền của DN trong xác định giá, các khoản chi phí phản ánh trong công thức giá, các điều kiện tổ chức kinh doanh, những quy định liên quan đến quỹ bình ổn, lượng hàng tồn kho bắt buộc…
Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Thoại, Tổng Giám đốc Công ty Saigon Petro, cũng đánh giá yêu cầu lượng hàng dự trữ lưu thông tối thiểu bằng 30 ngày sẽ làm ảnh hưởng khá lớn đến nguồn tài chính cũng như rủi ro về giá của DN.
Ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dầu Việt Nam - PVOil, cũng cho rằng dự trữ lưu thông với mục đích an ninh năng lượng quốc gia là trách nhiệm của Nhà nước, không thể dồn trách nhiệm đó lên vai của DN. Trách nhiệm của DN với Nhà nước là thuế.
“Dự trữ 30 ngày hay 50 ngày là trách nhiệm của Nhà nước và Nhà nước cần bỏ tiền ra. Tất nhiên, trong điều kiện của Việt Nam hiện nay chưa thực hiện được, đòi hỏi trách nhiệm chia sẻ của cộng đồng, DN thì chúng tôi cũng chung tay cùng Nhà nước nhưng ở mức độ hợp lý” - ông Dương nói.
Lãnh đạo PVOil cho rằng mức dự trữ lưu thông 20 ngày như hiện tại là hợp lý, không nên tăng hơn nữa, vì sẽ tạo gánh nặng tài chính rất lớn cho DN. Ông Dương cũng cho rằng cần bàn đến vai trò dự trữ của hai nhà máy lọc dầu Bình Sơn và Nghi Sơn. Hai nhà máy này luôn có lượng dầu thô đáp ứng 20-30 ngày để đảm bảo vận hành.
Nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu kiến nghị Nhà nước mạnh dạn bỏ
Ghi nhận ý kiến của các DN, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho hay thay mặt tổ biên tập ban soạn thảo, Vụ Thị trường trong nước sẽ ghi nhận, tiếp thu, tổng hợp các ý kiến đóng góp của các DN xăng dầu tại hội nghị.
Đồng thời, vụ sẽ tiếp thu, giải trình và tiếp tục xin ý kiến từ các bộ, ngành, hiệp hội, DN. Từ đó hoàn thiện nội dung nhằm xây dựng nghị định mới phù hợp với thực tiễn kinh doanh hiện nay cũng như xu thế phát triển trong tương lai. Khi nghị định được ban hành sẽ giải quyết các vấn đề căn cơ, lớn nhất trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.•
Ông PHẠM VĂN THOẠI, Tổng Giám đốc Công ty Saigon Petro:
Kiến nghị điều chỉnh giá xăng dầu 10 ngày/lần
Thương nhân bán lẻ xăng dầu được thỏa thuận mua hàng theo ba hình thức. Trong đó, hình thức thứ ba quy định: “Mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu để bán lẻ tại hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu của thương nhân”.
Chúng tôi nhận thấy hình thức này rất khó cho thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối trong việc quản lý hệ thống, quản lý chất lượng, công bố giá bán lẻ cũng như dự trữ nguồn hàng để bán hàng theo hình thức nêu trên. Vì vậy, chúng tôi đề nghị thương nhân bán lẻ mua hàng với hai hình thức: Nhận làm đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc nhận quyền bán lẻ xăng dầu cho thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối.
Về thời gian điều chỉnh giá bán xăng dầu, chúng tôi kiến nghị là 10 ngày/lần để phù hợp và kịp thời với diễn biến giá thế giới. Về giá bán xăng dầu tối đa, hiện nay lợi nhuận định mức và chi phí định mức trong giá cơ sở tại thời điểm ổn định từ khâu tạo nguồn đến khi bán ra ở mức 2.400-2.500 đồng/lít.
Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) nhận thấy khi cố định chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức trong giá bán xăng dầu tối đa tại dự thảo chỉ áp dụng tốt ở thời điểm ổn định, còn thời điểm giá biến động mạnh thì không phù hợp. Bên cạnh đó, mỗi DN sẽ có các khoản chi phí khác nhau.
Vì vậy, Saigon Petro nhận thấy cách tính chi phí và các khoản phụ phí được thống kê bình quân trong công thức giá cơ sở tại các nghị định hiện hành đang áp dụng rất sát thực tiễn. Do đó, đề nghị giữ nguyên công thức giá và công bố giá cơ sở mà Bộ Công Thương đang áp dụng để làm cơ sở cho giá bán xăng dầu tối đa.
Ông HOÀNG TRUNG DŨNG, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển phụ gia sản phẩm dầu mỏ ATP
Thương nhân phân phối bị hạn chế quyền kinh doanh
Chúng tôi hiểu nghị định là văn bản dưới luật, mà các công ty được thành lập kinh doanh theo pháp luật Việt Nam, được bảo hộ hoạt động kinh doanh của mình theo tinh thần của Luật Thương mại, Luật DN. Trong dự thảo đưa ra một số điều khoản có tính bó buộc, hạn chế quyền tự do kinh doanh của DN, đặc biệt là thương nhân phân phối.
Ví dụ: Hiện nay sản lượng xăng dầu từ hai nhà máy lọc hóa dầu trong nước đáp ứng được 70% sản lượng. Hiện các DN đầu mối được quyền mua của hai nhà máy lọc dầu này để về bán trong hệ thống của mình. Vậy tại sao thương nhân phân phối cũng là DN kinh doanh xăng dầu, có hệ thống kho, có thể thuê tàu, sà lan chở xăng dầu về bán mà dự thảo lại quy định thương nhân phân phối chỉ được mua của thương nhân đầu mối mà không được mua chéo của nhau?
Ông NGUYỄN VĂN TIU, Công ty CP Xăng dầu -Tự Lực I
Dự thảo thu hẹp quyền của thương nhân phân phối
Hiện nay, ngoài mua hàng của thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối còn được mua hàng của nhau để tránh tình trạng bị thương nhân đầu mối tạo sức ép. Tuy nhiên, trong dự thảo lần này, thương nhân phân phối chỉ được mua hàng của thương nhân đầu mối, không được mua hàng của thương nhân phân phối nữa. Đề xuất không nên thu hẹp quyền của thương nhân phân phối như vậy. Có rất nhiều thương nhân phân phối làm ăn chuẩn chỉ.
Về bán lẻ, trong dự thảo có nêu điều kiện cửa hàng bán lẻ xăng dầu khi được cấp phép phải chứng minh được hồ sơ xây dựng hợp lý. Vấn đề này, trước đó trong Nghị định 83/2014 cũng đưa ra nhưng sau đó thấy bất cập. Vì đa số cửa hàng bán lẻ xây dựng trước năm 2000, lúc đó chưa có luật xây dựng nên không thể có giấy phép xây dựng. Sau đó đến Nghị định 95/2021 đã nới quy định chỉ áp dụng quy định với các cửa hàng mới, cửa hàng cũ không yêu cầu. Trong dự thảo mới này lại có yêu cầu này thì rất khó nên kiến nghị sửa quy định này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận