Lương lãnh đạo Đường sắt Việt Nam giảm mạnh, không nhận thưởng
Chủ tịch Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh chỉ nhận lương 12 triệu đồng/tháng trong năm 2021, toàn bộ ban lãnh đạo VNR không nhận thưởng do tình hình khó khăn.
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) - đơn vị nắm phần lớn thị phần ngành đường sắt và do Nhà nước sở hữu 100% vốn mới đây đã có báo cáo kết quả kinh doanh năm 2021. Theo đó, tất cả các chỉ tiêu đã cho thấy bức tranh về một năm đầy khó khăn của ngành đường sắt.
Theo báo cáo, năm 2021, tổng số lao động của Công ty Mẹ là 6.176 người với quỹ lương là 572,9 tỷ đồng trong đó quỹ lương cho người lao động là 569,83 tỷ đồng. Quỹ lương cho đội ngũ quản lý của VNR được trả 3,09 tỷ đồng. Như vậy mức lương trung bình đạt 92.265 triệu/người/năm, cao hơn mức lương trung bình năm 2020 là 87.598 triệu/người/năm do đã cắt giảm 666 nhân sự.
Tính đến hết năm 2021, Chủ tịch HĐTV của VNR vẫn là ông Vũ Anh Minh. Ông Vũ Anh Minh là người nhận mức lương cao nhất, tương ứng 144 triệu đồng với mức lương trung bình hơn 12 triệu/tháng.
Tiếp theo là Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐTV Đặng Sỹ Mạnh nhận mức lương 132 triệu đồng trong năm 2021, tương đương 11 triệu đồng/tháng.
4 Thành viên HĐTV Đỗ Thanh Hà, Hồ Hữu Hòa, Lê Thị Nhuận, Lê Bằng An và 3 Phó Tổng Giám đốc Phan Quốc Anh, Hoàng Gia Khánh, Hoàng Năng Khang cùng nhận mức lương 126 triệu đồng năm 2021.
Ông Phạm Quang Thắng - Kiểm soát viên chuyên trách được bổ nhiệm từ 09/03/2021 hưởng mức lương gần 107 triệu trong năm ngoái.
Tất cả 11 thành viên thuộc đội ngũ quản lý của Tổng công ty đường sắt Việt Nam đều không nhận thưởng trong năm 2021 do tình hình tài chính khó khăn.
So với năm 2019 - thời điểm trước dịch, lương bình quân mỗi người quản lý của VNR đều giảm mạnh. Cụ thể, quỹ lương cho đội ngũ quản lý của VNR năm 2019 lên đến 43,2 tỷ đồng/năm, cao gấp 14 lần so với quỹ lương năm 2021.
Trong năm 2019, ông Vũ Anh Minh Chủ tịch VNR hưởng mức thu nhập gần 392 triệu đồng/năm, tương đương hơn 32 triệu đồng/tháng, ông Đặng Sỹ Mạnh hưởng mức 357 triệu đồng/năm. Người có mức lương thấp nhất là Phó Tổng Giám đốc Ngô Cao Vân (thời điểm năm 2019) cũng đạt gần 340 triệu đồng/năm tương đương hơn 28 triệu đồng/tháng.
Trong năm 2021, kết quả sản xuất kinh doanh của VNR giảm sút nghiêm trọng do đại dịch Covid-19. Cụ thể, doanh thu hợp nhất của VNR đạt 6.773 tỷ đồng. Sau khi thấu trừ các chi phí lợi nhuận sau thuế âm hơn 585 tỷ đồng.
Các chỉ số mặc dù cho thấy một năm tiếp tục khó khăn với doanh nghiệp ngành đường sắt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tuy nhiên cũng đã có sự khởi sắc so với năm 2020. Theo đó, năm 2020 lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này âm đến 1.300 tỷ đồng trong khi doanh thu hợp nhất cũng chỉ đạt mức 6.281 tỷ đồng.
Hiện nay, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2021-2025 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Một trong những vấn đề phát sinh trong quá trình tái cơ cấu là việc sắp xếp lại lao động, giảm số lượng lao động dôi dư, tinh gọn bộ máy.
Theo đó để giải quyết lượng lao động dôi dư, VNR xác định đối với các vị trí đến tuổi nghỉ chế độ thuộc khối lao động gián tiếp không tuyển dụng mới chỉ tiến hành điều chuyển trong nội bộ; khối lao động trực tiếp, trên cơ sở tận dụng nguồn lực chung của các đơn vị để phân công công việc, hạn chế tuyển dụng mới.
Bên cạnh đó, tiến hành sàng lọc, tuyển chọn lại lao động có trình độ tay nghề cao, kỹ năng, phẩm chất, đạo đức tốt.
Các trường hợp lao động không đủ điều kiện sẽ tuyên truyền, vận động để điều chuyển các công việc khác phù hợp với sở trường, năng lực cá nhân tại các đơn vị đường sắt trong khu vực.
Thực hiện các biện pháp tập huấn, đào tạo lại, đào tạo chuyển nghề để bố trí công việc mới cho lao động, tránh phải tuyển dụng mới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận