24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trung Thành
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lùm xùm tại dự án Thanh Hà Cienco 5: Người dân "chôn vốn, mắc kẹt" ở dự án nghìn tỷ

Những quyết định hành chính khó hiểu của UBND TP.Hà Nội khiến nhiều người dân mắc kẹt tại dự án Thanh Hà Cienco 5.

Tại Quyết định 5269/QĐ-UBND ngày 25/11/2020 của UBND TP.Hà Nội "đổi chủ" khu đô thị Mỹ Hưng Cienco 5 đang gây tranh cãi lớn.

Như Dân Việt đã phân tích trong các bài viết trước, những mâu thuẫn nội bộ của Tổng Công ty Công trình Giao thông 5 - CTCP (Cienco 5) và Công ty CP Phát triển Địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land) cùng sự can thiệp bằng các quyết định hành chính đang khiến dự án khu đô thị Thanh Hà Cienco 5 "tiến thoái lưỡng nan" cùng hàng trăm người dân bỏ tiền tỷ đầu tư tại đây "mắc kẹt".

Tiền tỷ bị "chôn" ở dự án Thanh Hà Cienco 5

Có mặt tại khu vực dự án Thanh Hà Cienco 5 những ngày đầu năm 2021, phóng viên Dân Việt ghi nhận nhiều công trình thấp tầng (biệt thự liền kề) vẫn thi công phần thô dở dang, bị bỏ hoang, nhiều thanh sắt trụ han rỉ, trơ giữa trời, một số biển thông tin về dự án rách bươm.

Lùm xùm tại dự án Thanh Hà Cienco 5: Người dân "chôn vốn, mắc kẹt" ở dự án nghìn tỷ
Nhiều căn biệt thự xây phần thô bị bỏ hoang tại khu đô thị Thanh Hà Cienco 5.

Không khí vốn ồn ào, náo nhiệt, người nườm nượp qua lại chỉ trỏ xem đất tại dự án này đã không còn mà thay vào đó là không khí tĩnh nặng, đìu hiu, vắng vẻ người qua lại. Tại một số khu đất, cỏ mọc um tùm, phía xa xa là những đàn trâu đang miệt mài gặm cỏ.

Chủ nhân của một trong những lô đất tiền tỷ bị bỏ hoang là anh Trần Trung Kiên, quê ở Thái Bình. Anh Kiên biết đến dự án vào năm 2018, sau khi được bạn bè giới thiệu.

Lúc này, dự án Thanh Hà A Cienco 5 và Thanh Hà B Cienco 5 đã hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật cơ bản. Tuyến đường trục phía Nam đi qua dự án cũng đã hoàn thành hơn 19km.

Hệ thống hạ tầng đồng bộ quanh dự án cùng cơ sở pháp lý của dự án như Giấy chứng nhận đầu tư; Giấy phép xây dựng; Phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Quyết định cho thuê đất đã thuyết phục được anh Kiên đầu tư vào đây.

Ngay sau đó, anh Kiên đã vay mượn tiền người thân, ngân hàng mua mảnh đất 102m2 ở khu đô thị Thanh Hà A, với giá hơn 4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, anh Kiên không biết rằng, cũng trong năm 2018, Sở TNMT TP.Hà Nội đã có Tờ trình về việc điều chỉnh một số nội dung ghi tại Quyết định số 3128/QĐ-UBND ngày 30/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây (trước đây).

Đó là Quyết định có giá trị pháp lý để giao đất cho Cienco 5 Land thực hiện dự án Khu đô thị Thanh Hà A, Khu đô thị Thanh Hà B và Khu đô thị Mỹ Hưng. Nhưng những quyết định hành chính nhằm thay đổi tên người sử dụng đất ghi trong Quyết định 3128 đã khiến rất nhiều người dân như anh Kiên bị "mắc kẹt" tại dự án.

"Đến đầu năm 2020, tôi có nhu cầu xây dựng mới biết được thông tin không được phép xây dựng tại dự án này. Hiện tại, tôi có đất nhưng bỏ hoang" - anh Trần Trung Kiên kể.

Hiện nay, hàng tháng anh Kiên vẫn phải đi thuê nhà, trả lãi ngân hàng với khoản chi phí hơn 20 triệu đồng/1 tháng.

"Chúng tôi mong cơ quan chức năng làm rõ để được phép xây dựng trở lại, phục vụ nhu cầu ăn, ở chính đáng của người dân", anh Kiên đề nghị.

Lùm xùm tại dự án Thanh Hà Cienco 5: Người dân "chôn vốn, mắc kẹt" ở dự án nghìn tỷ
Trong khi đó, một số người dân mua đất ở dự án Thanh Hà Cienco 5 nhưng không thể xây nhà ở. Hiện họ phải đi thuê nhà và hàng tháng vẫn phải trả lãi vay ngân hàng từ 10 đến 30 triệu đồng.

Cùng chung cảnh ngộ mua đất nhưng không thể xây dựng nhà, bà Lê Hương (quê ở Bắc Giang), hiện đang ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, gia đình bà mua hơn 100m2 đất ở khu Thanh Hà B đã hơn 3 năm nay.

"Sau khi đi tham quan chúng tôi thấy dự án rất đẹp, hạ tầng đầy đủ, hứa hẹn là một nơi sống lý tưởng. Tuy nhiên, sau khi mua đất, đến nay chuẩn bị xây nhà được biết là không thể xây dựng" - bà Hương kể.

Hơn 100m2 đất của gia đình bà Hương giờ "có cũng như không", không xây nhà được, không giao dịch được. Hàng tháng, bà Hương vẫn phải trả lãi ngân hàng đều đặn.

"Chúng tôi mong rằng, cơ quan chức năng sớm xử lý vướng mắc, đảm bảo quyền lợi cho dân chúng tôi", bà Hương nói.

Bà N.T. P (quận Hà Đông, Hà Nội) - một nhà đầu tư bất động sản thứ cấp kể lại, trước năm 2018, giao dịch bất động sản tại dự án Thanh Hà - Cienco 5 diễn ra rất nhộn nhịp. Có ngày cao điểm bà P. giao dịch với các đại lý gần chục căn chung cư; 5-7 căn nhà biệt thự liền kề.

Tuy nhiên, đến năm 2019, bà cũng như nhiều nhà đầu tư khác nhận được thông báo của cơ quan chức năng về việc dừng thi công xây dựng tại dự án này.

Tại thời điểm này, một số người bạn của bà P. đã mua đất, đang trong quá trình xây thô đến tầng thứ 2, thứ 3 nhưng cũng buộc phải dừng lại, để nguyên hiện trạng cho đến tận bây giờ.

Lùm xùm tại dự án Thanh Hà Cienco 5: Người dân "chôn vốn, mắc kẹt" ở dự án nghìn tỷ
Khu vực đất ở dự án Thanh Hà B bỏ hoang do chưa thể xây dựng, hiện đang được thả trâu.

"Hiện nay gia đình tôi có hơn 500m2 tại dự án Thanh Hà Cienco 5 nhưng cũng bị "đóng băng" không thể xây dựng. Trong khi đó, hơn 1 năm qua, chúng tôi vẫn phải trả hàng tháng gần 100 triệu chi phí vận hành, lãi ngân hàng.

Việc không được xây dựng tại dự án này không chỉ gây lãng phí tài nguyên, tổn hại về kinh tế cho hàng nghìn khách hàng, mà còn gây bức xúc đối với những người sở hữu đất.

Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng tạo điều kiện giải quyết vướng mắc, hoàn thiện hồ sơ pháp lý để người dân chúng tôi yên tâm đầu tư xây dựng, ổn định cuộc sống", bà P. đề nghị.

Theo tìm hiểu của Dân Việt, tại dự án này có khoảng 5.000 lô biệt thự thấp tầng. Để có thể được cấp phép xây dựng, các lô đất xây dựng biệt thự này cần được Sở Xây dựng Hà Nội thẩm định thiết kế cơ sở.

Khi chưa có những quyết định hành chính làm khó dự án này, chủ dự án đã trình cơ quan chức năng thẩm định được khoảng 500 lô. Những lô còn lại hiện "không đủ cơ sở thẩm định" sau Quyết định của UBND TP.Hà Nội.

Hạ tầng đẹp vẫn chưa bàn giao được cho Thành phố

Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ bắt đầu được xây dựng vào năm 2008 giai đoạn 1 với chiều dài 19,9km, giai đoạn 2 có chiều dài 21,6km. Tổng số tiền hoàn vốn cho dự án này tính theo hợp đồng BT là 6.586 tỷ đồng, thời gian thực hiện là 60 tháng kể từ ngày nhận mặt bằng bàn giao.

Dù được khởi công từ năm 2009, thế nhưng trong suốt 8 năm, dự án này gần như bị "đắp chiếu", hoang hóa. Đến tháng 4/2016, Tập đoàn Mường Thanh của đại gia điếu cày Lê Thanh Thản công bố mua lại 95% cổ phần của doanh nghiệp dự án Cienco 5 Land.

Ngay sau đó, Tập đoàn Mường Thanh cũng đã chi hàng chục nghìn tỷ đồng để hồi sinh Khu đô thị Thanh Hà Cienco 5 cũng như xây dựng tuyến đường trục phía Nam.

Lùm xùm tại dự án Thanh Hà Cienco 5: Người dân "chôn vốn, mắc kẹt" ở dự án nghìn tỷ
Khu chung cư cao tầng tại dự án Thanh Hà.

Giai đoạn 1 của Trục đường phía Nam đã được xây dựng 19,9km, trừ 140m chưa được giải phóng mặt bằng. Chủ đầu tư đã đưa vào sử dụng 9,3 km, với hệ thống điện chiếu sáng, hạ tầng đồng bộ.

Những tưởng, sau đó, những người dân sở hữu đất tại dự này có thể xây dựng nhà và sớm dọn về ngôi nhà mới. Nhưng như đã thông tin ở trên, dự án bất ngờ bị lực lượng chức năng yêu cầu ngừng thi công vì lý do vướng mắc về công tác thẩm định và điều chỉnh quy hoạch. Cũng kể từ thời điểm này, các công trình tại dự án này phải ngừng thi công, xây dựng.

Ông Vũ Hồng Thanh ở toà HH021A, khu Thanh Hà B cho hay, dù dự án Thanh Hà Cienco 5 không ở gần trung tâm nhưng có cảnh quan đẹp, các toà chung cư tại dự án này không dày đặc, không gian thoáng đãng. Tại khu nhà ông Thanh ở có nhiều tiện ích như hồ điều hoà, trung tâm văn hoá, thể thao…

Lùm xùm tại dự án Thanh Hà Cienco 5: Người dân "chôn vốn, mắc kẹt" ở dự án nghìn tỷ
Giai đoạn 1 của Trục đường phía Nam đã được xây dựng 19,9km.

"Trước kia mỗi lần gia đình tôi đi lên phố cổ chơi đều rất ngại bởi đường sá, giao thông chưa đồng bộ, đi mất cả tiếng đồng hồ. Từ khi tuyến đường trục phía Nam đưa vào sử dụng đã giúp người dân dự án Thanh Hà Cienco 5, cũng như người dân ở quanh khu vực quận Hà Đông, Thanh Oai hưởng lợi rất nhiều. Chúng tôi đi lại thuận tiện, dễ dàng hơn, chỉ mất tầm 40 phút là lên tới phố cổ", ông Thanh nói.

Dù vậy, gần 20km đường trục đã xây dựng, đến nay vẫn chưa thể bàn giao cho các cơ quan chức năng TP.Hà Nội. Doanh nghiệp dự án đã đề nghị, nhưng việc bàn giao vẫn "án binh bất động" bởi vướng quyết định của UBND TP.Hà Nội.

Doanh nghiệp dự án là Cienco 5 Land vẫn phải bỏ chi phí vận hành, bảo dưỡng tuyến đường này.

Ông Thanh mong rằng cơ quan chức năng sớm đưa ra giải pháp giải quyết vướng mắc để người dân ở dự án này được xây dựng trở lại, các hạ tầng còn lại của dự án sớm hoàn thiện để người dân được hưởng lợi.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả