menu
Lực đẩy mới cho sự hồi phục của thị trường trái phiếu doanh nghiệp
copy link
Phan Hà Liên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lực đẩy mới cho sự hồi phục của thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Nhà đầu tư cá nhân cần có chiến lược rõ ràng và tiếp cận cẩn thận để giảm rủi ro, tối ưu lợi nhuận. Việc chọn kênh tư vấn uy tín, có chuyên môn cao giúp đưa ra quyết định chính xác, phù hợp với mục tiêu tài chính.

Chuyên gia Tư vấn Đầu tư Nguyễn Thanh Tùng nhận định, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có cơ hội vươn lên trở thành kênh huy động vốn quan trọng. Sự ổn định của mặt bằng lãi suất, các chính sách hỗ trợ và nhu cầu vốn ngày càng lớn từ doanh nghiệp được xem là những yếu tố then chốt thúc đẩy thị trường này tăng trưởng mạnh mẽ trong năm tới.

Theo ông, những yếu tố nào sẽ thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Thanh Tùng: Năm 2025, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho các doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững chắc. Kỳ vọng này dựa trên nền tảng vững chắc từ cả phía cung và cầu, cùng với sự hỗ trợ của chính sách và diễn biến lãi suất ổn định.

Theo tôi, một trong những yếu tố quan trọng là việc tháo gỡ các vướng mắc pháp lý. Các cơ quan quản lý đang từng bước hoàn thiện khung pháp lý, trong đó có hướng dẫn về đại lý quản lý tài sản bảo đảm, giúp doanh nghiệp phát hành trái phiếu thuận lợi hơn. Cùng với đó, lãi suất duy trì ở mức thấp trong năm 2025 sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp dễ dàng huy động vốn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Về phía cung, thị trường TPDN vẫn còn nhiều dư địa phát triển. Theo thống kê từ Chứng khoán VCBS, quy mô thị trường hiện vào khoảng 1,16 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ trái phiếu riêng lẻ đạt khoảng 1,03 triệu tỷ đồng, tương đương 10% GDP – con số vẫn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực như Singapore hay Thái Lan. Điều này cho thấy thị trường còn nhiều tiềm năng để mở rộng.

Bên cạnh đó, nhu cầu tín dụng gia tăng cũng sẽ thúc đẩy hoạt động phát hành trái phiếu, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng và bất động sản. Các ngân hàng sẽ tiếp tục sử dụng trái phiếu như một kênh huy động vốn, trong khi doanh nghiệp bất động sản có thể tận dụng các chính sách hỗ trợ để khơi thông nguồn vốn, phục hồi hoạt động kinh doanh.

Từ phía cầu, niềm tin của nhà đầu tư đang dần được củng cố. Tình trạng chậm thanh toán gốc và lãi của các tổ chức phát hành giảm đáng kể, trong khi cơ quan quản lý siết chặt giám sát nhằm nâng cao tính minh bạch, an toàn cho thị trường.

Ngoài ra, khung pháp lý ngày càng hoàn thiện cũng tạo ra nền tảng vững chắc cho thị trường. Quốc hội đã thông qua Luật số 56/2024/QH15 vào cuối năm 2024, sửa đổi bổ sung nhiều nội dung quan trọng liên quan đến thị trường trái phiếu. Những thay đổi này không chỉ nâng cao hiệu quả giám sát mà còn bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư cá nhân.

Cuối cùng, trong bối cảnh lãi suất tiền gửi duy trì ở mức thấp, dòng tiền có xu hướng tìm đến các kênh đầu tư có lợi suất hấp dẫn hơn như TPDN. Điều này sẽ tạo động lực cho thị trường tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.

Ông dự báo như thế nào về mặt bằng lãi suất TPDN năm 2025?

Ông Nguyễn Thanh Tùng: Tôi cho rằng lãi suất TPDN năm 2025 có thể giảm nhẹ so với năm 2024, phản ánh xu hướng lãi suất huy động thấp nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Thực tế, mức lãi suất huy động đã ở mức thấp từ năm 2024, nhưng do có độ trễ trong quá trình phản ánh vào lãi suất trái phiếu – đặc biệt với các trái phiếu có kỳ hạn cố định 6 tháng hoặc 1 năm đầu tiên – nên tác động này sẽ kéo dài sang năm 2025.

Ngoài ra, chất lượng doanh nghiệp phát hành trái phiếu được kỳ vọng sẽ cao hơn. Các doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững mạnh, tài sản bảo đảm tốt và xếp hạng tín nhiệm cao sẽ có khả năng huy động vốn với chi phí thấp hơn, góp phần kéo giảm mặt bằng lãi suất chung. Tuy nhiên, nguồn cung trái phiếu vẫn có thể bị ảnh hưởng do một số vướng mắc pháp lý liên quan đến vai trò của đại lý quản lý tài sản bảo đảm.

Theo ông, nhà đầu tư cá nhân nên tiếp cận thị trường TPDN như thế nào trong năm 2025?

Ông Nguyễn Thanh Tùng: Nhà đầu tư cá nhân cần có chiến lược rõ ràng, tiếp cận thị trường một cách thận trọng để tối ưu lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro.

Đầu tiên, việc lựa chọn kênh tư vấn uy tín, có chuyên môn cao là rất quan trọng để đưa ra quyết định phù hợp với mục tiêu tài chính của bản thân. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần quan tâm đến xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp phát hành, ưu tiên những tổ chức có nền tảng tài chính tốt và lịch sử trả nợ minh bạch.

Ngoài ra, phân tích báo cáo tài chính, đánh giá dòng tiền và khả năng thanh toán của doanh nghiệp cũng là bước không thể bỏ qua. Hiểu rõ các điều khoản trái phiếu, bao gồm lãi suất, kỳ hạn, quyền lợi và cam kết của tổ chức phát hành giúp nhà đầu tư tránh được rủi ro không mong muốn.

Một nguyên tắc quan trọng khác là đa dạng hóa danh mục đầu tư. Không nên dồn toàn bộ vốn vào một loại trái phiếu hay một doanh nghiệp duy nhất, mà cần phân bổ hợp lý để phân tán rủi ro. Đối với những nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm, việc lựa chọn các quỹ đầu tư trái phiếu có thể là giải pháp an toàn và hiệu quả hơn.

Xin cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Ảnh đại diện


Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả
1
Chia sẻ