Luật sư đưa lý lẽ, đề nghị 'tính lại số tiền thiệt hại và xem xét tội danh của Trương Mỹ Lan'
Ngày 20/3, Tòa án Nhân dân TP. HCM tiếp tục xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 đồng phạm. 5 luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan.
Tính lại số tiền thiệt hại và xem xét lại tội danh
Theo luật sư, cáo trạng quy kết tính đến ngày 17/10/2022, bà Trương Mỹ Lan gây thiệt hại 194.000 tỷ đồng, chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng của Ngân hàng SCB.
Số tiền này chưa trừ đi hơn 74.300 tỷ đồng mà Công ty Hoàng Quân đã định giá 206 mã tài sản, cũng như giá trị của 440 mã tài sản chưa được định giá.
Ngoài ra, bà Trương Mỹ Lan bị bắt ngày 6/10/2022, do đó những khoản phát sinh từ ngày 7/10/2022 đến ngày 17/10/2022 không thể buộc bà Lan phải chịu trách nhiệm..
Bên cạnh đó, số tiền thiệt hại/chiếm đoạt trong vụ án này không được trưng cầu và kết luận giám định theo đúng pháp luật tố tụng hình sự nên số liệu còn nhiều bất cập, dẫn đến khả năng SCB không bị thiệt hại, bị chiếm đoạt nhiều như cáo trạng xác định.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp nêu,theo kết luận của cáo trạng, từ ngày 1/1/2012 đến 7/10/2022, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã lập một số lượng lớn các hồ sơ vay vốn khống để rút ra số tiền đặc biệt lớn.
Cụ thể, từ ngày 1/1/2012 đến 31/12/2017, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của SCB sử dụng vào các mục đích khác nhau, đến 17/10/2022 còn dư nợ 132.247 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi. Hành vi của bà Trương Mỹ Lan đã gây hậu quả thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền hơn 64.621 tỷ đồng.
Từ ngày 9/2/2018 đến 7/10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của Ngân hàng SCB hơn 304.096 tỷ đồng, gây thiệt hại số tiền hơn 129.372 tỷ đồng.
Theo luật sư Thiệp, hành vi của bị cáo Trương Mỹ Lan ở cả hai giai đoạn đều là hành vi chỉ đạo lập khống hồ sơ vay vốn nhưng lại bị truy tố ở 2 tội danh là nhận hối lộ và vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. Vì vậy, luật sư Thiệp đề nghị HĐXX xem xét.
Về tội tham ô tài sản, theo luật sư Thiệp, Điều 353 Bộ luật Hình sự quy định người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ”. Trong khi đó, tài liệu có trong hồ sơ vụ án và cáo trạng cũng xác định ', bị cáo Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ trong Ngân hàng SCB.
Vì vậy, theo luật sư Thiệp, bị cáo Trương Mỹ Lan không phải là người quản lý, điều hành SCB.
Vì vậy, tài sản của SCB bị cáo Trương Mỹ Lan hoàn toàn không có trách nhiệm quản lý. Nếu có căn cứ để xác định bị cáo Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt tiền của SCB cũng không thể coi đó là dấu hiệu trong cấu thành tội tham ô tài sản.
Về tội danh đưa hối lộ, luật sư Thiệp cho rằng lời khai của bị cáo Trương Mỹ Lan, Võ Tấn Hoàng Văn và Đỗ Thị Nhàn mâu thuẫn nhau.
Về hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, theo luật sư Phan Trung Hoài, chỉ bao gồm một số công ty nhất định, số lượng 1000 công ty được cho rằng trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát thì cần xem xét thỏa đáng hơn.
Về nguyên nhân, bối cảnh hoàn cảnh xảy ra vụ án, Viện Kiểm sát cáo buộc bà Trương Mỹ Lan thâu tóm, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng, cần xem xét bị cáo tham gia tái cơ cấu SCB trong thời điểm cần phải hợp nhất 3 ngân hàng yếu kém, khi tham gia bị cáo Lan có vai trò là cố vấn ban hợp nhất.
Cũng theo luật sư Phan Trung Hoài, quá trình hợp nhất suốt 10 năm trải qua nhiều giai đoạn đạt được một số kết quả nhất định, có những khoản vay là để trả nợ cũ và dòng tiền không ra khỏi ngân hàng. Luật sư nói rằng, không thể bóc tách các khoản vay nào là cho vay mới trả nợ cũ hay khoản vay mới hoàn toàn.
Ngoài ra, luật sư Hoài đề nghị ghi nhận có sự chuyển biến trong nhận thức của bị cáo và đề nghị Viện Kiểm sát làm rõ cơ sở pháp lý việc sử dụng kết quả thẩm định giá của Công ty thẩm định giá Hoàng Quân.
3 tội danh của bị cáo Trương Mỹ Lan
Bà Lan sử dụng SCB như là công cụ tài chính để rút tiền nhằm sử dụng cho mục đích cá nhân.
Ở tội danh tham ô tài sản, Viện Kiểm sát nêu, từ ngày 9/2/2018 đến ngày 7/10/2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt số tiền 304.000 tỷ đồng và 129.000 tỷ đồng lãi phát sinh.
Ở tội danh vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Viện Kiểm sát nêu rằng, từ ngày 1/1/2012 đến ngày 31/12/2017, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của SCB sử dụng vào các mục đích khác nhau.
Đến ngày 17/10/2022 còn dư nợ 132.000 tỷ đồng và không còn khả năng thu hồi.
Ở tội danh đưa hối lộ, Viện Kiểm sát nêu, để che giấu sai phạm của SCB với đoàn thanh tra, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) nhiều lần dùng ô tô chở 5,2 triệu USD đến đưa cho bà Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước - NHNN), tại phòng làm việc trong trụ sở NHNN và tại nhà riêng của bà Nhàn.
Viện Kiểm sát đề nghị tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức án tử hình về tội tham ô tài sản, 19-20 năm tù về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng và 20 năm tù về tội đưa hối lộ.
Tổng hợp hình phạt đối với bà Lan là tử hình.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận