Luật sư đề nghị tránh 'vết xe đổ' về khắc phục hậu quả trong vụ Epco - Minh Phụng
Trong phần bào chữa tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1, luật sư nhắc lại vụ án Epco - Minh Phụng và cho rằng cần tránh "vết xe đổ’ về khắc phục hậu quả như vụ án trên.
Ngày 18/11, tại phiên tòa phúc thẩm của TAND cấp cao tại TPHCM, xét xử vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1, HĐXX tiếp tục cho các luật sư và các bị cáo tự bào chữa sau khi đại diện Viện KSND cấp cao tại TPHCM trình bày quan điểm giải quyết vụ án.
Các luật sư tại phiên tòa phúc thẩm giai đoạn 1 vụ Vạn Thịnh Phát. Ảnh: Tân Châu.
Bào chữa cho bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc Ngân hàng SCB, bị đề nghị tù chung thân chung cho 2 tội danh), luật sư Lê Hồng Nguyên (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng, bản án sơ thẩm nêu bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) sau khi hợp nhất 3 ngân hàng thì có trên 91% cổ phần tại Ngân hàng SCB. Bà Lan là người chi phối mọi hoạt động của Ngân hàng SCB.
Với dẫn chứng trên, luật sư Lê Hồng Nguyên cho rằng bị cáo Văn chỉ ký hợp thức hóa còn chủ trương, quyết định là do bà Lan đề ra và quyết định.
Luật sư Nguyên cũng nói rằng, tại Ngân hàng SCB, ông Văn không trực tiếp nhận chỉ đạo từ bà Lan mà thông qua trung gian là những cán bộ khác bởi ông Văn chỉ là người làm công ăn lương.
Luật sư Nguyên trích dẫn nội dung bản án sơ thẩm: "Do không có tiền thanh toán các khoản vay trước, bà Lan chỉ đạo tạo lập hồ sơ cho các khoản vay sau, mục đích là đảo nợ nên ngày càng phát sinh thêm phần lãi". Theo luật sư Nguyên, chính bản án sơ thẩm cũng xác định đồng tiền không ra khỏi ngân hàng mà chỉ là đảo nợ bằng giấy nên "không thể quy kết cho thân chủ tôi đã chiếm đoạt”.
Về phần dân sự, luật sư Lê Hồng Nguyên không đồng tình với đề nghị của Viện Kiểm sát về việc giao một số tài sản cho SCB xử lý. Theo luật sư, ngân hàng này là bị hại nên không thể giao tài sản cho chính bị hại xử lý.
Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc Ngân hàng SCB).
Giải thích thêm lý do, luật sư Nguyên nói rằng, hiện cơ chế, quy trình và quy định của Ngân hàng SCB chưa có để giải quyết tài sản phát sinh ra lãi nên ngân hàng này không thể tiếp tục giữ các tài sản của vụ án để khắc phục hậu quả như đề nghị của Viện Kiểm sát.
Để chứng minh thêm lập luận của mình, luật sư Lê Hồng Nguyên dành khá nhiều thời gian nhắc lại câu chuyện thi hành án của vụ án Epco - Minh Phụng trước đây.
Theo luật sư Lê Hồng Nguyên, hai vụ án Epco - Minh Phụng và Vạn Thịnh Phát giống nhau ở phần dân sự. Ở vụ án Epco - Minh Phụng, tòa án ra phán quyết giao khối tài sản khổng lồ cho các ngân hàng, đến nay vẫn chưa xử lý xong nợ.
Luật sư Nguyên cho biết, ông là một trong những người đang tham gia xử lý tài sản vụ Epco - Minh Phụng. Theo ông Nguyên, vụ án trên có tổng số nợ hơn 6.000 tỷ đồng. Tài sản là nhà xưởng, máy móc được giao cho ngân hàng xử lý. Vụ án đã qua hơn 20 năm nhưng đến giờ vẫn chưa khắc phục được hậu quả vì việc giao tài sản cho ngân hàng nhưng không đem bán đấu giá. Ngân hàng không có cơ chế, chính sách nào để đảm bảo giá trị đất đai. Có trường hợp ngân hàng lấy làm trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch… nên không hiệu quả trong việc khắc phục hậu quả.
“Tôi đề nghị tài sản vụ án này không giao cho Ngân hàng SCB mà giao cho Cơ quan thi hành án tiến hành thi hành án khi bản án có hiệu lực pháp luật” – Luật sư Lê Hồng Nguyên đề nghị.
Tỷ phú muốn mua dự án của bà Trương Mỹ Lan
Bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết, trong gần 1.800 mã tài sản của bà Lan thì có 658 mã không thế chấp bất kỳ ở đâu nhưng Ngân hàng SCB đang nắm giữ. Trong đó, dự án 6A Khu Trung Sơn, Bình Chánh TPHCM, bà Lan đã bồi thường hơn 95%.
Theo luật sư Trang, nhóm bạn tỷ phú người Malaysia và Mỹ của bà Lan muốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD vào dự án này. Sau khi trừ hết các khoản chi phí đã đầu tư còn khoảng 600 triệu USD (gần 17.000 tỷ đồng) để khắc phục hậu quả vụ án.
Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan) tại phiên tòa. Ảnh: Tân Châu
Luật sư Huyền Trang cũng thông tin, toà nhà 29 Liễu Giai (Hà Nội) cũng đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục vay. Khi Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép cho tiếp nhận khoản vay, sau khi trả nợ thì thừa khả năng khắc phục số tiền 2.112 tỷ đồng theo lệnh kê biên của cơ quan điều tra.
Tự bào chữa, bị cáo Trương Mỹ Lan khẳng định: "Thông tin luật sư Huyền Trang nói là đúng nhưng do mấy người bạn của bị cáo sợ chuyển tiền về Việt Nam bị tội rửa tiền, vận chuyển trái phép nên phải xin giấy phép. Khi nào có giấy phép, có tiền thì bị cáo sẽ báo cáo cho HĐXX biết”.
Luật sư của bà Trương Mỹ Lan đề nghị giảm án cho thân chủ từ mức án tử hình xuống mức án chung thân để có cơ hội nhanh chóng xử lý tài sản, khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án.
"Nếu vẫn bị giữ nguyên án tử hình thì không có cơ hội và không ai có đủ tiền mặt để xử lý tài sản khắc phục hậu quả. Việc xử lý vụ án hình sự là để thu hồi triệt để thiệt hại chứ không phải là chấm dứt sự sống của bà Lan. Vì vậy kính đề nghị Viện Kiểm sát xem xét lại để có kết luận đề xuất đến HĐXX giảm mức án ở tội tham ô từ tử hình xuống chung thân để bà Lan có điều kiện làm việc với nhà đầu tư nước ngoài nhằm thu tiền nộp khắc phục hậu quả" - luật sư Trang đề nghị.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận