Luật sư bào chữa gì cho bị cáo Trương Mỹ Lan?
Hôm qua (19-3), VKS luận tội cho rằng "cần loại bỏ Trương Mỹ Lan ra khỏi xã hội" và đề nghị tòa phạt tử hình bị cáo này; hôm nay (20-3), luật sư bào chữa cho rằng hành vi của bị cáo Lan không cấu thành tội tham ô tài sản.
Ngày 20-3, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan. Phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư (LS).
Theo đó, bị cáo Trương Mỹ Lan có năm LS bào chữa, trong phần bào chữa cho thân chủ của mình, các LS cho rằng bị cáo Lan chưa đủ yếu tố cấu thành tội tham ô tài sản (tội danh mà VKS đề nghị tử hình).
Theo luật sư, căn cứ Điều 353 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) thì chỉ những người có chức vụ, quyền hạn và có trách nhiệm quản lý tài sản mới có thể trở thành chủ thể của tội tham ô tài sản.
Bị cáo Trương Mỹ Lan trong phiên toà ngày 20-3. Ảnh: HOÀNG GIANG
Trong khi đó, tài liệu trong hồ sơ vụ án thể hiện và cáo trạng cũng đã xác định bị cáo Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ trong SCB. Do đó, bị cáo Trương Mỹ Lan không có chức vụ trong SCB để lợi dụng chiếm đoạt tiền.
Việc không giữ chức vụ trong SCB với việc xác định thực tế có “quyền lực” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Dấu hiệu chức vụ là dấu hiệu bắt buộc để xác định chủ thể của tội tham ô tài sản.
Từ đó, luật sư cho rằng bị cáo Trương Mỹ Lan không phải là người quản lý, điều hành hoạt động của SCB. Vì vậy, các tài sản của SCB và bị cáo Trương Mỹ Lan hoàn toàn không có trách nhiệm quản lý và chưa đủ yếu tố cấu thành tội tham ô tài sản.
Về tội đưa hối lộ, theo luật sư, lời khai của bị cáo Lan, bị cáo Đỗ Thị Nhàn và Võ Tấn Hoàng Văn không phù hợp với nhau.
Ngoài lời khai của bị cáo Văn thì hoàn toàn không có chứng cứ nào khác chứng minh bị cáo Lan đã chỉ đạo Văn đưa 5,2 triệu USD cho Đỗ Thị Nhàn. Hơn nữa, lời khai của Văn cũng không có chứng cứ nào khác chứng minh lời khai đó là đúng sự thật, đồng thời tính khách quan của lời khai này cần được đánh giá lại.
Cạnh đó, LS cũng đề nghị HĐXX xem xét lại cách tính thiệt hại của vụ án, xem xét lại giá trị của các tài sản đảm bảo để tính lại số dư dự phòng cho vay khách hàng và số dư dự phòng rủi ro.
Trước đó, tại phần luận tội, đại diện VKS đã nhận định bị cáo Trương Mỹ Lan thao túng toàn bộ SCB để huy động tiền gửi của người dân rồi cho hệ thống Vạn Thịnh Phát vay. Số tiền được giải ngân sau đó sẽ được bị cáo sử dụng vào mục đích riêng và các hoạt động của tập đoàn.
Trong hơn 10 năm, bị cáo Trương Mỹ Lan và hệ thống Vạn Thịnh Phát đã rút hơn 1,06 triệu tỉ đồng, với số dư nợ còn lại là 677.000 tỉ đồng, và đều là nợ không thể thu hồi. Trương Mỹ Lan và thân tín đã thiệt hại cho SCB 498.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, để che đậy tình trạng tài chính của SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan còn đưa tiền cho Đỗ Thị Nhàn (cựu cục Trưởng Cục Thanh tra, giám sát II Ngân hàng Nhà nước) số tiền 5,2 triệu USD.
Theo VKS, tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan không tỏ ra ăn năn hối lỗi, khai báo quanh co, không thừa nhận hành vi phạm tội, do đó cần nghiêm trị đối với bị cáo này, cần loại bỏ bị cáo ra khỏi xã hội, đề nghị tòa phạt bị cáo mức án tử hình.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận