Luật Điện ảnh hiện nay đang tạo ra cơ chế độc quyền về kiểm duyệt phim
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI cho rằng quy định của Luật Điện ảnh hiện nay đang tạo ra cơ chế độc quyền về kiểm duyệt phim khi cả nước có duy nhất một Hội đồng thẩm định phim quốc gia.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2019” với nhiều nội dung đáng chú ý.
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh một trong những nguyên tắc quan trọng khi xây dựng các chính sách kinh tế là cần thúc đẩy cạnh tranh, tăng cơ hội lựa chọn cho người sử dụng dịch vụ hoặc mua bán hàng hoá và hạn chế tối đa nguy cơ để nảy sinh độc quyền.
Tuy nhiên, thực tiễn xây dựng pháp luật trong năm 2019 thì có nơi, có lúc nguyên tắc này vẫn chưa được nhiều cơ quan soạn thảo chú trọng, thậm chí có quy định còn làm trầm trọng thêm tình trạng độc quyền trên thị trường.
Lấy ví dụ cụ thể, ông Tuấn dẫn chứng về Luật Điện ảnh.
Theo ông Tuấn việc kiểm duyệt nội dung các bộ phim trước khi được chiếu ở rạp là điều cần thiết. Tuy nhiên, cơ chế kiểm duyệt có thể được thiết kế rất đa dạng, từ việc tự kiểm duyệt của nhà sản xuất, kiểm duyệt của doanh nghiệp phát hành phim, kiểm duyệt của một đơn vị độc lập khác cho đến việc kiểm duyệt của một cơ quan nhà nước.
“Quy định của Luật Điện ảnh hiện nay đang tạo ra cơ chế độc quyền về kiểm duyệt phim khi cả nước chỉ có duy nhất một Hội đồng thẩm định phim quốc gia làm dịch vụ này. Một nhà sản xuất hoặc nhập khẩu phim buộc phải mang phim của mình đến Hội đồng này mà không có sự lựa chọn nào khác”, ông Tuấn nói.
Trong khi đó, theo ông Tuấn nếu nhìn sang lĩnh vực xuất bản thì cơ chế có sự cạnh tranh cao hơn rất nhiều.
Hiện cả nước có khoảng 60 nhà xuất bản được cấp phép. Một tác giả viết sách có thể lựa chọn mang sách của mình đến cho nhà xuất bản này hoặc nhà xuất bản khác. Nhà xuất bản sẽ làm dịch vụ thẩm định, kiểm duyệt nội dung tác phẩm trước khi xuất bản đến với công chúng. Nếu một nhà xuất bản thực hiện công việc chậm trễ, không nhiệt tình hỗ trợ tác giả thì tác giả có quyền mang bản thảo đến nhà xuất bản khác. Sách chỉ cần được bất kỳ một nhà xuất bản nào đồng ý là có thể được công bố.
“Với một cơ chế như vậy thì mỗi năm Việt Nam có đến 32.000 đầu sách được xuất bản. Điều này sẽ không thể có được nếu như dịch vụ thẩm định và kiểm duyệt sách cũng dựa vào một hội đồng độc quyền như trong lĩnh vực điện ảnh”, ông Tuấn nói.
Do đó, theo quan điểm của ông Tuấn, thay vì chỉ có một hội đồng để thẩm định, kiểm duyệt và cấp phép cho từng bộ phim, Nhà nước hoàn toàn có thể tạo một cơ chế cạnh tranh hơn. Nhà nước có thể cấp phép cho nhiều đơn vị làm dịch vụ thẩm định, kiểm duyệt phim khi đơn vị đó đủ điều kiện và tiến hành hậu kiểm đối với các đơn vị đó.
“Các đơn vị này sẽ cạnh tranh với nhau trên thị trường để cung cấp dịch vụ thẩm định, kiểm duyệt phim cho các nhà sản xuất, nhập khẩu phim. Sự cạnh tranh giữa các đơn vị dịch vụ chắc chắn sẽ giúp tháo gỡ nhiều nút thắt cho thị trường giải trí điện ảnh của Việt Nam”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận