Luật Dầu khí sửa đổi: Cần một chương riêng quy định về thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế
Đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) cho rằng các chính sách ưu đãi đối với hoạt động dầu khí trong dự thảo Luật hiện nay mới chỉ dừng lại ở mức ưu đãi hơn về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và xuất khẩu.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, sáng nay (15/6), Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Ngày 3/6, Quốc hội đã nghe đại diện Chính phủ trình bày Tờ trình; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).
Góp ý về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) thống nhất cao với Chính phủ về mục tiêu sửa đổi Luật Dầu khí lần này là nhằm tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và tư nhân trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trong bối cảnh hoạt động dầu khí ngày càng khó khăn, phức tạp và nhất là những khu vực nước sâu xa bờ, nhạy cảm về quốc phòng, an ninh trên Biển Đông. Do đó, đại biểu cho biết việc góp ý dự thảo nên tập trung vào việc làm sao có được chính sách thu hút đầu tư, đảm bảo tính cạnh tranh trong khu vực và quốc tế nhưng trên cơ sở hài hòa giữa lợi ích quốc gia và nhà đầu tư.
Đại biểu Phan Đức Hiếu cho biết dự thảo Luật Dầu khí lần này bổ sung rất nhiều quy định nhằm thúc đẩy hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí. Đồng thời, dự thảo cũng nêu rất rõ mục tiêu Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đầu tư để tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí. Tuy nhiên, dự thảo Luật lại chưa quy định cụ thể về cơ chế khuyến khích. Thậm chí, theo đại biểu đoàn Thái Bình khi đối chiếu với Chương VI về các chính sách ưu đãi đầu tư thì chính sách ưu đãi đầu tư này chỉ áp dụng cho hoạt động dầu khí, mà hoạt động dầu khí thì không bao gồm hoạt động điều tra cơ bản. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét có nên áp dụng các biện pháp khuyến khích ưu đãi đầu tư tại Chương VI đối với hoạt động điều tra cơ bản hay không? Trường hợp không áp dụng, cần thiết kế ngay trong Luật này những cơ chế, chính sách để áp dụng đối với hoạt động điều tra cơ bản.
Đại biểu cũng cho rằng khi thiết kế chính sách này cần đặc biệt lưu ý đến chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu.
Đại biểu cho biết thêm các chính sách ưu đãi đối với hoạt động dầu khí trong dự thảo Luật hiện nay mới chỉ dừng lại ở mức ưu đãi hơn về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và xuất khẩu. Vì vậy, theo đại biểu Phan Đức Hiếu, thực tế còn nhiều chính sách ưu đãi khác có thể nghiên cứu, xem xét nhằm đa dạng hóa chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư nước ngoài như cơ chế giảm trừ chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; hay giảm trừ thuế dựa trên chi phí…
"Những chính sách này vừa tạo ra ưu đãi cho nhà đầu tư, đồng thời thúc đẩy các nhà đầu tư đầu tư vào một số những hoạt động mà nước chủ nhà mong muốn", ông Hiếu nói.
Đồng tình, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) lần này nhằm đáp ứng yêu cầu tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và khu vực tư nhân vào lĩnh vực dầu khí. Đó là việc làm cần thiết, đúng đắn và phù hợp với chính sách của Nhà nước về dầu khí.
Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, hiện Việt Nam đã có các quan hệ hợp tác với nước ngoài, thu hút đầu tư khu vực tư nhân, hoạt động dầu khí, kể cả đầu tư ra ngoài nước trong lĩnh vực dầu khí, liên doanh, liên kết khai thác, sản xuất, chế biến dầu khí. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa thể hiện rõ nét được quan điểm, chủ trương, chính sách này. Một số nội dung có đề cập rải rác trong dự thảo Luật nhưng còn rất đơn giản, chưa thể hiện được các quan hệ hợp tác quốc tế cũng như xã hội hóa đầu tư, liên doanh, liên kết trong lĩnh vực dầu khí.
Trước những lý do trên, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị cần thiết kế dành riêng một chương về việc thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế trong ngành dầu khí theo hướng quy định đầy đủ về chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, liên doanh, liên kết, hợp tác quốc tế.
Góp ý vào dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) nêu những con số ấn tượng về ngành dầu khí như hiện nay như Việt Nam còn 51 hợp đồng đang tiếp tục khai thác, ngành dầu khí Việt Nam đã khai thác trên 420 triệu tấn dầu và trên 160 tỷ m3 khí. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) - doanh nghiệp nòng cốt của ngành dầu khí đã có những đóng góp quan trọng cho tổng thu ngân sách Nhà nước và tổng sản phẩm quốc nội; giai đoạn 2006-2015 đóng góp khoảng 20-25% tổng thu ngân sách và GDP. Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 33 trên 98 quốc gia có sản lượng dầu khai thác lớn trên thế giới.
Theo đại biểu, đây là một thành tựu rất đáng khích lệ nhưng hiện nay hầu hết các mỏ dầu khí chủ đạo, điều đang khai thác với mức độ suy giảm sâu về sản lượng. Các mỏ mới dự kiến đưa vào khai thác phần lớn có cấu tạo phức tạp, trữ lượng nhỏ, việc khai thác gặp nhiều khó khăn và thách thức nguồn tài nguyên dầu khí tại chỗ. Trong khi đó các thể chế, chính sách hiện hành chưa có cơ chế khuyến khích phù hợp cho hoạt động đầu tư để phát triển các mỏ nhỏ và cận biên, khuyến khích thu hút thêm nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Góp ý chi tiết nội dung dự thảo Luật dầu khí, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết dự thảo gồm 64 Điều, 11 chương. Ban Soạn thảo cũng có nghiên cứu, tham khảo các luật của Malaysia, Indonesia… nhưng còn một số tồn tại, đó là khó khăn trong xây dựng luật là làm sao để tách bạch được chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh của PetroVietnam; làm sao khuyến khích được xã hội hóa, thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, thu hút được tư nhân nhưng vẫn đảm bảo được vai trò chủ đạo của doanh nghiệp Nhà nước, đảm bảo được an ninh, quốc phòng. Trong dự thảo luật, việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền giữa Thủ tướng, Bộ Công Thương và PetroVietnam cũng chưa rõ ràng.
Đại biểu đoàn TP HCM còn cho rằng trong Chương 1 tại Điều 3 dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi, về giải thích từ ngữ, đại biểu đề nghị giải thích thêm các cụm từ hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí, hợp đồng tặng thu tài nguyên dầu khí… Đại biểu bày tỏ băn khoăn, trong dự thảo luật dành một chương đề cập đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của PetroVietnam và có tới 86 cụm từ PetroVietnam xuất hiện trong dự thảo luật. Theo đại biểu, quy định như vậy dễ dẫn đến sự hiểu lầm là luật này dành cho PetroVietnam.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị thêm một chương về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về dầu khí, bởi dầu khí là tài nguyên quốc gia có ý nghĩa quan trọng đến việc đảm bảo an ninh năng lượng và góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận