menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Cao Bá Cường

“Luật Đất đai đang chứa nhiều mâu thuẫn xã hội, phải là luật đầu tiên được sửa trong nhiệm kỳ mới“

Đó là ý kiến của TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng.

5 năm qua chưa có luật nào tạo ra sự thay đổi đáng kể để nhiệm kỳ sau cải cách tốt hơn

Theo ông Cung, chất lượng của thể chế và pháp luật quyết định sự thành công của một quốc gia. Nhìn lại năm 2020, ông Cung cho rằng về số lượng, các văn bản quy phạm pháp luật không có sự thay đổi nhiều. Về mặt nội dung, các văn bản này cũng chỉ tiếp tục tinh thần cải cách của các năm trước.

“Trước đây, chúng ta đã tạo ra một môi trường kinh doanh tự do hơn, an toàn hơn bằng việc đưa ra danh mục hạn chế/cấm đầu tư kinh doanh và sau đó là cắt bỏ hàng nghìn điều kiện kinh doanh. Nhưng bây giờ, cứ ban hành thêm luật hay nghị định là thêm điều kiện kinh doanh thì rõ ràng có cái gì đó cho thấy chúng ta vẫn tư duy và quản lý theo lối cũ, chứ chưa tiếp cận việc xây dựng pháp luật theo cách mới. Đó là cái mà tôi cho rằng cần tiếp tục khắc phục”, ông Cung nói.

Ông Cung cho rằng nếu không thay đổi cách xây dựng pháp luật thì khi đối diện với sự phát triển của thị trường, chính phủ sẽ phải loay hoay tìm cách quản lý và không loại trừ khả năng đặt ra những điều kiện kiểu xin – cho.

“Và như thế, chúng ta bỏ được vài nghìn điều kiện trong năm nay thì các năm sau sẽ xuất hiện vài trăm điều kiện kinh doanh khác, chúng ta sẽ không thay đổi được chất lượng của thể chế cũng như không tạo ra áp lực buộc phải thay đổi”, ông Cung cảnh báo.

Người từng đứng đầu CIEM nhìn nhận trong 5 năm qua (2016 – 2020), Quốc hội đã ban hành được rất nhiều luật, nhưng lại không có một đạo luật nào tạo ra thay đổi đáng kể, như một nền tảng để nhiệm kỳ sau bước lên và tạo ra cải cách tốt hơn.

Lần cuối mà Quốc hội tạo ra được một nền tảng như vậy là Luật Đầu tư 2014, khi quy định doanh nghiệp được kinh doanh những gì luật không cấm, đưa ra được danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện và khẳng định chỉ nghị định, pháp lệnh hoặc luật mới được quy định về điều kiện kinh doanh. Chính nhờ có quy định này mà chính phủ mới có quá trình cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh tồn tại trong hàng nghìn thông tư.

“Luật Đất đai đang chứa nhiều mâu thuẫn xã hội, phải là luật đầu tiên được sửa trong nhiệm kỳ mới“
TS Nguyễn Đình Cung.

"Nhiệm kỳ mới cần phải sửa ngay Luật Đất đai"

Theo ông Cung, trong giai đoạn 5 năm tới (2021 – 2025), để tạo ra sự thay đổi đáng kể, như một nền tảng, Quốc hội phải sửa đổi Luật Đất đai, vì “luật này chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn xã hội và tạo ra sự không công bằng”.

“Tôi cho rằng Luật Đất đai phải được sửa đổi ngay, phải là luật đầu tiên được sửa đổi để tạo ra đột phá trong cải cách thể chế. Sắp tới đây, Đại hội Đảng sẽ nhấn mạnh đột phá trong cải cách thể chế là tập trung hoàn thiện thể chế phát triển các thị trường nhân tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, để các thị trường này đóng vai trò chủ yếu trong phân bổ nguồn lực.

“Nhiệm kỳ trước, đột phá cải cách thể chế đặt trọng tâm vào cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, chúng ta đã làm và sẽ tiếp tục làm điều này. Nhưng tới đây, trọng tâm của cải cách thể chế phải là phát triển thị trường nhân tố sản xuất”, ông Cung nhấn mạnh.

Ông cho rằng nếu Quốc hội và Chính phủ làm tốt được cải cách này thì hiệu quả sử dụng nguồn lực sẽ được nâng lên rất nhiều. “Khi hiệu quả sử dụng nguồn lực được cải thiện thì tăng trưởng 8 – 9% là bình thường chứ không phải loanh quanh 5 – 6% như hiện nay”.

“Chúng ta chưa đặt kinh tế tư nhân đúng tầm mà nó đang có”

Bình luận về khung khổ đối với kinh tế tư nhân, ông Cung cho rằng “về chính trị, chúng ta vẫn chưa đặt kinh tế tư nhân đúng tầm với cái mà nó đang có và chúng ta thay đổi hơi chậm. Chúng ta mất 30 năm mới khẳng định đó là động lực quan trọng. Tôi cho rằng chúng ta phải khẳng định luôn đó là động lực chủ yếu của tăng trưởng và phát triển. Khi kinh tế tư nhân là động lực chủ yếu, vị thế của nó về mặt chính trị sẽ thay đổi và những thứ khác cũng sẽ thay đổi”.

Còn về pháp luật, ông Cung nhìn nhận Việt Nam đã có tự do kinh doanh ở một mức độ nhất định, song sự an toàn trong kinh doanh vẫn còn nhiều vấn đề.

“Tôi cho rằng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có 2 loại. Loại thứ nhất là không muốn lớn, vì lớn có rất nhiều rủi ro. Loại thứ hai là không lớn được vì không được tiếp cận nguồn lực và cạnh tranh không công bằng”, ông nói và nhấn mạnh, “Nhìn lại 30 năm, có thể nói Việt Nam chưa có những tập đoàn tư nhân lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc. Một đất nước muốn lớn mạnh thì phải có doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và doanh nghiệp nhỏ. Chúng ta mới chỉ có doanh nghiệp nhỏ”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại