Lựa chọn công nghệ phù hợp xử lý rác thải nhựa
Việc thu hồi và tái chế rác thải nhựa sẽ mang lại những cơ hội thực sự để tạo thêm nhiều việc làm cũng như những lợi ích kinh tế, môi trường to lớn.
Trước tình trạng rác thải nhựa đã và đang gây “thảm họa” về tài nguyên và môi trường đại dương nói chung và biển Việt Nam nói riêng, đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp ngành nhựa, đặc biệt là lĩnh vực nhựa tái chế, buộc các doanh nghiệp phải có các giải pháp công nghệ - kỹ thuật thân thiện môi trường hoặc tạo ra sản phẩm nhựa sinh học dễ phân hủy.
Trên thực tế, ngành nhựa dù có rất nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất nhưng các cơ sở tái chế nhựa hiện nay chỉ có quy mô trung bình, công nghệ lạc hậu nên hiệu quả thấp, thậm chí có nguy cơ gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường không khí, nước và đất.
Trong khi có tới 60% lượng rác thải có thể tái chế được, chỉ có 40% mới phải đem xử lý. Bởi vậy, điều cấp thiết hiện nay là phải có những công nghệ xử lý rác thải tiên tiến nhất sẽ được lựa chọn và đặt dưới sự giám sát của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Đây là mục tiêu Bộ Tài nguyên và Môi trường đề ra tại Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng đến năm 2020, định hướng tới năm 2030 (ban hành kèm theo Quyết định số 1292 ngày 1/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ), trong đó xây dựng các nhà máy tái chế chất thải nhựa thành dầu nhiên liệu hoặc các sản phẩm khác.
Nhưng trên thực tế, lĩnh vực tái chế chất thải nhựa ở Việt Nam vẫn chưa phát triển, tỷ lệ phân loại chất thải nhựa tại nguồn rất thấp, chủ yếu dựa vào lực lượng thu mua phế liệu và một số cơ sở xử lý chất thải rắn có công đoạn phân loại tách nhựa khỏi chất thải rắn.
Thực hiện các sáng kiến của Việt Nam về rác thải nhựa đại dương đã đề xuất tại Kỳ họp Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEF6); triển khai kết quả Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tổ chức tại Canada vào ngày 9/6/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương.
Triển khai hoạt động này, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang tích cực hoàn thiện Dự thảo của Kế hoạch Hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2020, với mục tiêu tổng quát: “Quản lý được rác thải nhựa đại dương từ nguồn thải trên đất liền và nguồn thải ở biển theo cách tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn đảm bảo chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển; đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; tạo đột phá trong nhận thức, ứng xử và hành vi của toàn cộng đồng trong tiêu dùng sản phẩm nhựa, rác thải nhựa”.
Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ cấm hoàn toàn việc sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các khu du lịch, dịch vụ ven biển; cấm hoàn toàn việc nhập khẩu phế liệu nhựa làm nguyên liệu trong sản xuất công nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ven biển.
Giảm thiểu 75% rác thải nhựa đại dương; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.
Mở rộng hệ thống quan trắc, định kỳ đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại 9 cửa sông chính của Việt Nam, các đảo tiền tiêu, có tiềm năng phát triển du lịch. Thiết lập cơ chế hợp tác toàn cầu, mối quan hệ đối tác khu vực nhằm giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.
Bởi quản lý được rác thải nhựa đại dương từ nguồn thải trên đất liền và nguồn thải ở biển theo cách tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn, sẽ đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; tạo đột phá và chuyển biến căn bản trong nhận thức, ứng xử và hành vi của toàn cộng đồng trong sản xuất, tiêu dùng, thải bỏ và xử lý sản phẩm nhựa, rác thải nhựa.
Do vậy, vấn đề cấp thiết nhất là phải có các giải pháp công nghệ-kỹ thuật thân thiện môi trường trong tái chế tái sử dụng, hoặc tạo sản phẩm nhựa sinh học dễ phân hủy dùng trong đời sống, khuyến khích, đầu tư tạo điều kiện để có được các kết quả áp dụng vào thực tế.
Đây là khó khăn và cũng là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Việc thu hồi và tái chế rác thải sẽ mang lại những cơ hội thực sự để tạo thêm nhiều việc làm cũng như những lợi ích kinh tế to lớn.
Sử dụng nguyên liệu phế liệu để tái chế với công nghệ cao sẽ giúp tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường là điều mà quốc gia nào cũng đang hướng đến.
Tuy vậy, việc quản lý và thu hồi rác thải không hiệu quả luôn tiềm ẩn rủi ro về sức khỏe và an toàn cho công nhân tái chế phế liệu, cũng như nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng sức khỏe toàn cộng đồng, nếu không có biện pháp phòng ngừa thích hợp.
Đặc biệt, nếu công nghệ xử lý rác không phù hợp sẽ có tác dụng ngược gây ô nhiễm môi trường nước, đất và không khí; tạo nên bức xúc trong cộng đồng xã hội dẫn đến sự phản đối của người dân tại các cơ sở xử lý rác thải.
Đề cập về cụ thể hóa Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi cho biết, nội dung của Kế hoạch đề ra là phải rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý rác thải nhựa đại dương.
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương. Tăng cường xã hội hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động làm sạch, thu gom rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương.
Đặc biệt là ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương từ đất liền và từ nguồn thải trên biển.
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về rác thải nhựa đại dương.
Tăng cường xã hội hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động làm sạch, thu gom rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương. Tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý rác thải nhựa đại dương.
Theo đó, Chính phủ cần ban hành những chính sách hỗ trợ hợp lý khuyến khích các doanh nghiệp thu gom và tái chế rác thải nhựa đã qua sử dụng nguồn gốc trong nước.
Ngăn chặn nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài, tăng cường thu gom và sử dụng nguồn phế liệu trong nước là phù hợp với định hướng phát triển bền vững, vừa giúp đất nước tiết kiệm chi phí nhập khẩu nguyên liệu và xử lý rác thải, vừa ngăn ngừa nguy cơ Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới.
Để làm được điều đó, cần xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch phù hợp để đưa các cơ sở tái chế nhựa phân tán nhỏ lẻ với công nghệ đơn giản hiện nay vào các khu công nghiệp tập trung, nâng cấp công nghệ xử lý, tái chế phù hợp.
Thành lập các khu công nghiệp tái chế nhựa tập trung, hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi nilon khó phân huỷ kể từ năm 2026 tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt; thúc đẩy hơn nữa việc thu thuế bảo vệ môi trường đối với các loại túi nilon khó phân hủy.
Theo đánh giá của Tiến sĩ Lê Hoàng Lan, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam: Xu hướng thế giới đang lựa chọn công nghệ đốt phát điện và nhiệt phân được coi là 2 giải pháp tối ưu để thu hồi được những giá trị từ rác thải và giảm ô nhiễm môi trường hiệu quả, mang lại nhiều giá trị và lợi ích lâu dài cho sự phát triển của các khu công nghiệp và đô thị tại Việt Nam.
Vì ứng dụng công nghệ nhiệt phân tái chế rác nhựa vừa bảo vệ được môi trường vừa giải quyết bài toán “năng lượng tái tạo” khi cung cấp cho xã hội những sản phẩm “năng lượng xanh” như dầu và than nhiên liệu Nhưng cả hai phương pháp này đều yêu cầu bắt buộc là rác đầu vào phải được phân loại từ đầu nguồn theo các mục đích tái chế, tái sử dụng.
Các nước phát triển áp dụng hai phương pháp trên khá thành công do họ ý thức phân loại rác đã hình thành từ lâu.
Còn rác thải sinh hoạt của Việt Nam không thể đốt được theo phương pháp đốt sinh khối truyền thống do đặc điểm hỗn tạp và độ ẩm cao.
Lượng rác đốt được chỉ chiếm một phần nhỏ so với lượng nhiên liệu đầu vào (chủ yếu là than) để có thể sản xuất ra cái gọi là “điện rác.
Vì lẽ đó, trong 20 năm qua ông Nguyễn Gia Long, Giám đốc Công ty TNHH Thủy lực - Máy HMC đã nguyên cứu công nghệ điện rác và các bon organic, chuyển hóa rác thải thành điện năng và các bon organic là công nghệ khí hóa đa nhiên liệu trong điều kiện thiếu ôxy.
Với công nghệ này, rác thải không cần phải phân loại, sản phẩm cuối cùng là phát điện và than các bon dùng để trộn với hữu cơ mô mềm.
Toàn bộ hỗn hợp rác được chuyển hóa thành những sản phẩm hữu ích phục vụ lại con người và cộng đồng xã hội không bị bỏ phí.
Công nghệ và thiết bị đều là sản phẩm trong nước nên có giá thành đầu tư phù hợp với nền kinh tế Việt Nam, chi phí nhân công giảm do được tự động hóa cao.
Bởi vậy, công nghệ biến rác thải thành điện và các bon organic được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá đây là một trong những công trình sáng tạo tiêu biểu của trí tuệ Việt Nam.
Cho dù nghiên cứu và thử nghiệm thành công công nghệ xử lý rác phù hợp và thân thiện với môi trường, nhưng Công ty TNHH Thủy lực - Máy HMC cũng như một số công ty xử lý rác khởi nghiệp rất khó khăn.
Vì hầu hết các tỉnh, thành phố luôn có từ 15 - 40 hồ sơ đăng ký đầu tư với các công nghệ ở khắp nơi trên thế giới, tình trạng này khiến các địa phương rất lúng túng vì không biết chọn loại công nghệ nào. Trong khi các hội đồng thẩm định cấp tỉnh, thành phố tuy được lập ra để xét duyệt hồ sơ song lại thiếu tính thực tế.
Để lựa chọn được công nghệ thật sự phù hợp đối với xử lý rác thải, các chuyên gia cho rằng Việt Nam phải ban hành một bộ quy chuẩn quốc gia về phương pháp xử lý rác do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý, sẽ tạo được động lực cạnh tranh trong chính các doanh nghiệp xử lý rác.
Qua đó lựa chọn được công nghệ của nhà đầu tư thích hợp, vừa thúc đẩy các nhà cung cấp dịch vụ tiếp tục đổi mới cải tiến công nghệ nếu không muốn bị thay thế./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận