Lời trong phiên, lỗ T+3
Diễn biến thị trường chứng khoán những ngày qua đã và đang đem lại nhiều sự phấn khởi cho các nhà đầu tư khi VN-Index và nhiều cổ phiếu đều tăng tích cực. Nhưng cũng nên nhớ rằng, tồn tại được trên thị trường trong một khoảng thời gian nhất định chưa bao giờ là điều dễ dàng.
May nhờ rủi chịu
Phiên ngày 17/8, HDB có giá thấp nhất là 27.350 đồng/CP, nếu ai mua được “giá tốt” này thì coi như lãi trong phiên vì đóng cửa cổ phiếu này đạt giá 27.600 đồng/CP. Tuy nhiên 3 phiên liên tiếp sau đó, HDB lại giảm giá, vào ngày 20/8, tức là ngày T+3 tính từ hôm 17/8, HDB đóng cửa chỉ còn 26.850 đồng/CP, như vậy ai mua với giá 27.350 đồng/CP thì đã lỗ 500 đồng/CP, như vậy sở hữu khoảng chục nghìn cổ phiếu thì đã lỗ hơn 5 triệu đồng, còn lên đến hàng trăm nghìn cổ phiếu, chuyện không phải là hiếm với những ai quen “đánh” cổ phiếu ngân hàng, thì số lỗ (tạm tính) lên đến hơn 50 triệu đồng. Tuy nhiên, nhà đầu tư hành động tại thời điểm này như thế nào mới quan trọng, nếu quyết định bán thì cầm chắc lỗ, nhưng nếu quyết định giữ tiếp cũng không đơn giản.
Phiên T+4, tức là ngày 21/8, HDB có phục hồi nhưng cũng chỉ nhích lên được tầm 27.200 đồng/CP và chuyện nhà đầu tư có chán mà bán đi, hoặc vui vì giảm được lỗ nên bán cũng rất bình thường. Nhưng bất ngờ lại nằm ở phiên T+5, tức ngày 24/8, HDB tăng vọt “1 giá” (tức 1000 đồng/CP) lên 28.200 đồng/CP và như vậy nhà đầu tư từ lỗ lại chuyển sang có lãi. Câu chuyện trên đây chỉ ra rằng, chuyện lãi lỗ của nhà đầu tư được quyết định chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn và chuyện nhà đầu tư hành động chuẩn xác là cực khó, thậm chí phụ thuộc vào yếu tố “hên xui” chứ không đơn thuần là bản lĩnh và khả năng vì đơn giản: không ai có thể đoán trước được thị trường. Sở dĩ biến động lời lãi T+ đang diễn ra mạnh hơn bao giờ hết cũng là bởi diễn biến của thị trường khoảng 5 phiên gần nhất khá bùng nổ, nhưng lại có sự luân chuyển nhanh và trong thời gian ngắn.
Chọn hàng “hot” phải đúng thời điểm
Phiên ngày 26/8 vừa qua, vào cuối giờ sáng, nhóm cổ phiếu khu công nghiệp và các công ty liên quan lại nổi sóng với những cổ phiếu hot như SZC, SZL, PHR… SZC sau khoảng 5-6 phiên quanh quẩn ở mốc 27.500 đồng/CP trong phiên này đã có lúc tăng vượt 29.000 đồng/CP ; PHR ban đầu cũng chỉ quanh quẩn ở vùng 58.500 đồng/CP nhưng sau đó vượt 59.00 đồng/CP tăng đến 59.500 đồng/CP…
Tuy nhiên, cả PHR và SZC khi kết thúc phiên đều có giá đóng cửa thấp hơn giá cao nhất trong phiên. Hiện tượng này cũng giống HPG trong phiên ngày 24/8, từ 24.350 đồng/CP có lúc đã tăng lên 24.950 đồng/CP và đóng cửa phiên tại 24.800 đồng/CP nhưng liên tục 2 phiên sau đó lại điều chỉnh xuống chỉ còn 24.200 đồng/CP. Hiện tượng “lãi T+0, nhưng lỗ T+3” vừa là cơ hội nhưng cũng đem lại không ít rủi ro cho các nhà đầu tư.
Nói là cơ hội là bởi vì lãi được trong phiên nghĩa là cổ phiếu có thể tăng giá, biến động rất mạnh để tạo ra chênh lệch (gap) lớn, điều này sẽ có lợi cho những ai có sẵn “hàng” trong tài khoản, theo đó, nhà đầu tư có thể canh để chốt lãi ở những vùng giá tốt nhất mà không cần lăn tăn. Hay như nếu ai đó giữ cổ phiếu dài hạn, nhưng lại muốn lướt trong phiên để kiếm thêm lãi ngắn hạn cũng có thể canh bán cao rồi mua lại giá thấp.
Sự hưng phấn của thị trường phát xuất từ những tín hiệu dịch bệnh đã được kiểm soát trong nước, cộng với thông tin về dòng tiền ở nước ngoài tiếp tục xem thị trường chứng khoán Việt Nam là điểm đến hớp dẫn. Dù vậy, do đã trải qua một mùa báo cáo tài chính quý II/2020 và tại thời điểm này thị trường chưa có những thông tin mang tính bước ngoặt, nên hiệu ứng trên diện rộng và kéo dài, ít nhất là đến T+3 cũng đã rất khó. Vì vậy, giải pháp an toàn nhất là nhà đầu tư cần chọn lựa được cổ phiếu đúng trend (xu hướng) tăng, thường các hệ thống biểu đồ, thống kê trong giai đoạn này phát huy khá hữu ích và mua vào đúng thời điểm, đừng thấy lãi trong phiên mà đã vội mừng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận