Lối thoát nào cho dự án bất động sản nghìn tỉ ở Thanh Hoá?
Dự án khu đô thị Đông Hương, TP. Thanh Hoá là dự án bất động sản nghìn tỉ đình đám ở Thanh Hoá trong thời gian qua. Đình đám vì cuộc đấu giá có một không hai, vì số tiền khủng và vì... gian nan chồng chất.
Từ cuộc đấu giá tưng bừng...
Ngày 26.9.2019, tại Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hoá đã diễn ra cuộc đấu giá “xưa nay chưa từng có” ở Thanh Hoá để xác định quyền sử dụng đất đợt 1, dự án khu đô thị Đông Hương, TP.Thanh Hóa (mặt bằng quy hoạch số 3241/QĐ-UBND ngày 7/6/2013 của UBND TP Thanh Hóa, gọi tắt là MB 3241). Có 13 công ty đủ điều kiện tham gia đấu giá khi đóng đủ số tiền 10% đặt trước là 66,6 tỉ đồng.
Cuộc đấu giá diễn ra căng thẳng, kéo dài từ 8 giờ sáng ngày 26.9 đến gần 15 giờ cùng ngày. Sau 30 vòng đấu, liên danh Cty cổ phần đầu tư và xây dựng ADI - Cty cổ phần Đông Sơn Thanh Hóa trúng đấu giá với số tiền 1.215.030.000.000 đồng (hơn một nghìn hai trăm mười lăm tỷ đồng) cho 58.000m2 đất, tương đương khoảng 21 triệu đồng/m2.
Đây là cuộc đấu giá bất động sản nhiều kịch tính và nâng giá trị tài sản lên cao nhất từ trước tới nay ở Thanh Hoá. Các dự án bất động sản trước đó ở Thanh Hoá chủ yếu được thực hiện dưới hình thức chỉ định nhà đầu tư với mức giá chỉ cao hơn mức khởi điểm do UBND phê duyệt rất ít, vì vậy số tiền sử dụng đất nhà nước thu được không nhiều.
Với việc trúng đấu giá với giá cao gần gấp 2 lần so với giá khởi điểm đã làm tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước là 548.610.000.000 đồng, đồng thời xác lập mặt bằng giá mới cho khu vực lân cận dự án nói riêng và thị trường bất động sản Thanh Hóa nói chung.
... đến khó khăn chồng chất
Ngay sau khi trúng đấu giá, dù mặt bằng chưa hoàn thiện nhưng Liên danh Cty cổ phần đầu tư và xây dựng ADI - Cty cổ phần Đông Sơn Thanh Hóa đã bắt tay triển khai dự án. Ông Hoàng Anh Tuấn – đại diện Liên danh cho hay, ngày 20.12.2019, Liên danh đã nộp 144 tỉ đồng tiền sử dụng đất và lên phương án kinh doanh. Cty cũng đã ký nguyên tắc với một ngân hàng lớn nhằm bảo đảm tài chính. Vậy nhưng liền sau đó là khó khăn chồng chất. Đại dịch COVID-19 đã khiến Liên danh trở tay không kịp. Lệnh phong toả nhằm kiểm soát dịch bệnh khiến các hoạt động kinh doanh bị đình đốn; ngân hàng đã ký hợp đồng nguyên tắc cũng rơi vào khó khăn chung. Đợt sóng COVID-19 thứ nhất vừa kết thúc, dù khó khăn, các phương án kinh doanh bắt đầu khởi động lại thì vướng ngay làn sóng COVID-19 thứ hai, thị trường bất động sản Thanh Hoá cũng đã chững lại, các mặt bằng khác đua nhau bán cắt lỗ khiến kế hoạch kinh doanh của Liên doanh cũng lại tiếp tục khó khăn.
“Dù vậy, với quyết tâm cao, với trách nhiệm xã hội và uy tín của mình, Liên danh đã huy động nội lực và sẽ nộp vào ngân sách tổng số tiền hơn 243 tỉ đồng, tương đương 20% tổng dự án. Đó là nỗ lực và sự cố gắng rất lớn của chúng tôi trong thời điểm khó khăn” – ông Tuấn nói.
Khó khăn khách quan khác là hiện trạng mặt bằng trúng đấu giá. Mặc dù đem dự án ra đấu giá nhưng nhiều hạng mục dự án chưa hoàn thiện hoặc hoàn thiện... cho có. Tại các cuộc làm việc giữa UBND TP.Thanh Hoá với Liên danh, các ban ngành đều ghi nhận sự chưa hoàn thiện của hạ tầng, đặc biệt các trục đường chính nối vào dự án.
Lối thoát nào cho dự án nghìn tỉ?
Được sở hữu một lô đất ở dự án 3241 có vị trí đắc địa bậc nhất TP. Thanh Hoá là mơ ước, chờ đợi của nhiều người. Cũng chính vì vậy, dự án luôn nhận được quan tâm của truyền thông và người dân, các nhà đầu tư. Câu chuyện nợ đọng thuế vì vậy cũng thường xuyên được nêu ra. “Chúng tôi không hề giấu giếm con số nợ tiền sử dụng đất theo quy định, chúng tôi cũng không xin giảm bất kỳ đồng nào số tiền này. Khi đã ký hợp đồng, chúng tôi chấp nhận luật chơi và quyết tâm thực hiện bằng được. Đó vừa là quyết tâm trong kinh doanh nhưng cũng là quyết tâm giữ thương hiệu, vì trách nhiệm xã hội, cộng đồng và đóng góp cho nhà nước” – ông Tuấn nói.
Tuy nhiên theo ông Tuấn, trong bối cảnh hiện nay, rất khó cho doanh nghiệp nếu đem hơn 1.215 tỉ tiền nhà đi nộp. “Doanh nghiệp đã thể hiện quyết tâm cao bằng việc nộp vào ngân sách hơn 243 tỉ đồng, đó là con số không nhỏ trong bối cảnh khó khăn này”.
Trúng đấu giá với số tiền lớn. Đem lại nguồn thu không hề nhỏ cho ngân sách thành phố và tỉnh nhà, tạo ra cú hích, tính minh bạch cho thị trường bất động sản, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nhưng rõ ràng dự án bất động sản nghìn tỉ này đang “mắc kẹt”.
“Hơn lúc nào hết, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền tỉnh Thanh Hoá. Vượt qua giai đoạn khó khăn này, dự án thành công thì tất cả đều thắng” – ông Tuấn khẳng định.
Song song, ngay sau khi nộp cho đủ số tiền hơn 243 tỉ đồng vào ngân sách, Liên danh đã gửi công văn cầu cứu tới UBND tỉnh Thanh Hoá đề xuất hỗ trợ bằng việc chấp thuận cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đợt 1 cho dự án, tương ứng với số tiền 243 tỉ đồng (khoảng 20%) để Liên danh có cơ sở từng bước gỡ khó. Sự ủng hộ của Lãnh đạo tỉnh và thành phố Thanh Hóa sẽ giúp Doanh nghiệp có thể thực hiện được dự án nhằm đem lại lợi ích lớn cho ngân sách nhà nước đồng thời Nhà đầu tư có thể không phải bù lỗ.
“Chúng tôi rất hiểu và tôn trọng các cơ quan quản lý, họ phải thực hiện theo luật và các quy định chuyên ngành. Chúng tôi cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc theo các quy định, kể cả tiền chậm nộp nhưng trước mắt, chúng tôi cần sự chung tay, một lối thoát an toàn” – ông Hoàng Anh Tuấn đề xuất.
Về đề xuất này, một lãnh đạo nguyên là Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Lãnh đạo TP. Thanh Hoá cho rằng đó là đề xuất có thể chấp nhận được vì trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường bất động sản, Nhà nước đã và đang có nhiều cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp thì đề xuất đó là khả thi, phù hợp cho doanh nghiệp nhưng không “gây khó” cho chính quyền. Thực tế đã có nhiều dự án thực hiện theo phương án này.
Trao đổi với báo Lao Động, Chủ tịch UBND TP. Thanh Hoá chia sẻ, Lãnh đạo thành phố và cá nhân ông rất hiểu những khó khăn của dự án hiện nay. “Trong bối cảnh dịch COVID-19, thị trường bất động sản chững lại, số tiền trúng đấu giá lớn, tới hơn 1.215 tỉ thì những khó khăn của Liên danh cũng dễ chia sẻ” – vị lãnh đạo này nói. Chủ tịch UBND TP cũng xác nhận tình trạng chưa hoàn thiện của hạ tầng khiến Liên danh gặp nhiều khó khăn và mất tính cạnh tranh thương mại.
Ông cho hay, UBND TP. Thanh Hoá đã nhận được đề xuất của Liên danh, tinh thần là sẽ ủng hộ doanh nghiệp trên cơ sở các quy định, những gì làm được thành phố sẽ làm hết mình, cái gì vượt thẩm quyền sẽ đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp.
Cũng về vấn đề này, trao đổi với Lao Động, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho hay, ông đã tìm hiểu và rất chia sẻ với khó khăn của đơn vị trúng đấu giá. Theo lãnh đạo tỉnh, tỉnh sẽ nghiên cứu và tìm cách phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp theo các quy định hiện hành và đã giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu và sớm có hướng chỉ đạo trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận