Lợi nhuận từ chứng quyền gấp nhiều lần sở hữu cổ phiếu
Chứng quyền (CW) tăng giá mạnh dẫn tới rủi ro gia tăng
"Miếng ngon" chứng quyền
Thị trường chứng quyền có bảo đảm kết thúc phiên giao dịch 2/10/2020 với áp lực bán trên diện rộng khi có tới 80 mã giảm giá, tương đồng với xu hướng giảm điểm của 17/21 cổ phiếu cơ sở như VHM, VPB, VRE, MWG…
Tuy vậy, giá của 2 mã CW tham chiếu trên cổ phiếu SBT vẫn duy trì xu hướng tăng. Trong đó, mã CSBT2001 ghi nhận mức tăng đến 50%. Tính cả tuần từ 28/9 đến 2/10/2020, mã này đã tăng tới 150%.
Đợt tăng giá diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu SBT giao dịch sôi động và thị giá đã tăng 7% trong tuần qua (có 1 phiên tăng trần) và tổng mức tăng trong 2 tuần gần nhất lên đến 13% sau khi công bố báo cáo tài chính kiểm toán niên độ tài chính 2019/2020 và kế hoạch chuẩn bị tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên niên độ 2020/2021 vào cuối tháng 10.
Như vậy, nhà đầu tư sở hữu CW phát hành trên mã SBT này đã có được tỷ suất sinh lời gấp gần 20 lần việc sở hữu chính cổ phiếu SBT trong cùng 1 tuần giao dịch.
Một loạt các mã CW khác phát hành trên các cổ phiếu MBB, HDB, HPG, VNM… cũng đem lại tỷ suất sinh lợi tốt cho nhà đầu tư, bất chấp việc giảm điểm trong phiên cuối tuần.
Cả 3 mã CW phát hành trên cổ phiếu HDB đã ghi nhận mức tăng từ 10% đến 25% trong tuần từ 28/9 đến 2/10, trong đó, 2 mã CHDB2003 và CHDB2006 tăng gần 25%. Trong nhóm CW MBB, mã CMBB2005 ghi nhận mức tăng đến 46%.
Diễn biến tích cực tuần thứ 2 liên tiếp của cổ phiếu MBB sau thông tin chuẩn bị chi trả cổ tức vào đầu tháng 10 giúp cả 4 mã CW MBB đạt mức tăng từ 40% đến 70% trong 1 tháng trở lại đây.
Thị giá các CW phát hành trên cổ phiếu HPG và VNM ghi nhận mức tăng từ 11% đến 27% trong tuần qua. Với VNM, mức tăng đáng kể nhất diễn ra vào ngày 29/9 khi thị giá VNM có lúc đã tăng trần trong phiên giao dịch không hưởng quyền chi trả cổ tức.
Tính tổng số 81 mã CW giao dịch từ đầu tháng 9/2020 đến ngày 2/10 (không tính các mã niêm yết mới hoặc đã đáo hạn), có 44 mã CW tăng giá - chiếm tỷ lệ trên 50%. Trong đó có 41 mã tăng trên 10%, bao gồm 27 mã tăng trên 50% và 3 mã tăng trên 100%.
Nhưng không dễ ăn
Sự tăng mạnh về thị giá của nhiều chứng quyền đã và đang đem lại tỷ suất sinh lợi hấp dẫn cho không ít nhà đầu tư quan tâm đến loại sản phẩm còn tương đối mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tuy vậy, việc tìm kiếm lợi nhuận từ CW không dễ dàng.
Bản tin chứng quyền của Công ty Chứng khoán MB cập nhật, tính đến hết phiên giao dịch 2/10/2020, thị trường có 102 mã CW được phát hành dựa trên 21 mã cổ phiếu cơ sở do 5 công ty chứng khoán tham gia. Trong đó, KIS là công ty phát hành nhiều nhất với 39 mã CW, tiếp theo là HCM có 25 mã và SSI có 19 mã.
Mặc dù số lượng CW giao dịch liên tục tăng với số lượng CW mới vượt trội so với số CW đáo hạn, thanh khoản trên thị trường cũng ngày càng tăng nhưng xét về tổng thể, quy mô giao dịch của thị trường vẫn còn khá nhỏ.
Chẳng hạn, trong phiên giao dịch ngày 2/10/2020, dù ghi nhận sự tăng mạnh về thanh khoản với 17,7 triệu đơn vị CW được chuyển nhượng với giá trị 30,8 tỷ đồng, cao hơn 24,7% về khối lượng và 31,3% về giá trị so với bình quân 5 phiên trước đó nhưng cũng chỉ tương đương quy mô giao dịch một cổ phiếu ở mức trung bình.
Tính từng CW, giá trị giao dịch còn thấp hơn khi chỉ có 6 mã CW đạt mức trên 1 tỷ đồng. trong khi có tới 37 mã CW có giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng, tương ứng gần 50% và 3 mã hoàn toàn không có giao dịch.
Yếu tố kém thanh khoản dẫn đến sự chênh lệch lớn giữa bên chào mua và bên chào bán tại nhiều mã CW.
Bên mua phải chấp nhận mua giá cao, bên bán phải bán giá thấp nếu muốn khớp lệnh. Mức tăng, giảm giá CW khi đó cũng không phản ánh đúng cung cầu thị trường.
Phiên 2/10, chỉ với 10 CW được khớp lệnh cuối phiên đa giúp mã CNVL2001 đóng cửa tăng giá tới 50%. Với chính mã CSBT2001, biên độ chênh lệch giá cũng ở mức khá lớn với giá đóng cửa cao hơn đến 28,5% so với mức giá dư mua gần nhất và thấp hơn 18,2% so với mức giá mua bán gần nhất.
Ngay những mã CW có thanh khoản tốt với vài trăm nghìn đơn vị được chuyển nhượng, mức giá trị thấp cũng dẫn đến nguy cơ về việc có thể bị đầu cơ bởi dòng tiền lớn, nhất là khi nhiều đợt chào bán sơ cấp có tỷ lệ thành công thấp hoặc chỉ vài nhà đầu tư tham gia, tương ứng với tỷ lệ sở hữu CW tập trung cao vào một hoặc một vài nhà đầu tư hoặc nằm trong kho của chính công ty chứng khoán.
Báo cáo kết quả chào bán 15 CW của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) công bố ngày 2/10/2020 cho thấy gần như toàn bộ đều có tỷ lệ phân phối bằng 0, bao gồm cả các CW mà cổ phiếu đang có giao dịch sôi động như VNM, HPG.
Trước đó, báo cáo kết quả chào bán 7 mã CW do KIS phát hành ngày 16/9/2020 cho thấy tất cả cũng đều có tỷ lệ phân phối bằng 0.
Cách tính biên độ dao động giá của CW có thể đem đến mức sinh lời bằng lần trong 1 hoặc một vài phiên giao dịch khi thị giá cổ phiếu cơ sở biến động tích cực.
Ngược lại, cũng có thể khiến tài khoản đầu tư CW “cháy” nếu thị trường xấu đi và xu hướng giá cổ phiếu cơ sở đảo chiều. Nhất là khi nhà đầu tư mua CW chỉ có thể bán ra từ ngày T+3 do thời gian thanh toán tương tự cổ phiếu.
Đây là thực tế không ít nhà đầu tư đã phải nếm trải không chỉ thị trường giảm sâu trong 2 đợt bùng phát Covid-19 vào tháng 3/2020 và tháng 7/2020 khi thị giá nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn giảm sàn và thị giá CW cũng giảm nhanh về sát 0. Mức biến động lỗ lớn cũng xảy ra cả trong sóng tăng khi thị trường điều chỉnh ngắn hạn.
Tính riêng trong tuần giao dịch từ 28/9 đến 2/10, trái ngược với niềm vui của nhà đầu tư sở hữu CW SBT là các nhà đầu tư sở hữu CW phát hành trên VHM, VRE khi đồng loạt giảm giá từ 10% đến trên 20%. Nhiều CW trong số này đã có tuần giảm giá thứ 2 liên tiếp và mất hàng chục phần trăm giá trị chỉ sau 2 tuần.
Thời gian đáo hạn cũng khiến việc tìm kiếm lợi nhuận từ CW cần cân nhắc, tính toán nhiều hơn. Bởi nếu sở hữu cổ phiếu mua ở mức giá cao và đang có vị thế lỗ (OTM) trong ngắn hạn có thể chờ đợi đến khi thị giá phục hồi thì với sở hữu CW, thời gian đáo hạn càng giảm, tương ứng với giá trị nội tại của CW cũng suy giảm.
Ngay cả những CW mà cổ phiếu cơ sở đang tăng giá, xu hướng giá CW cũng có thể đảo chiều trong giai đoạn gần đến ngày đáo hạn do vấn đề thuế khi đáo hạn được tính theo giá chứng khoán cơ sở, kết quả là nhà đầu tư thường bán trước ngày đáo hạn làm cho càng sát ngày đáo hạn, sức cung càng tăng trong khi sức cầu giảm.
Những yếu tố kỹ thuật này khiến dù phát hành trên 1 mã cổ phiếu cơ sở thì sức hấp dẫn, cơ hội tìm kiếm lợi nhuận sẽ khác nhau đáng kể giữa các mã CW và nếu chỉ mua theo xu hướng đám đông không cân nhắc các đặc điểm này của CW cũng như yếu tố thị trường, nguy cơ thua lỗ lớn, cháy tài khoản luôn hiện hữu.
Nói về cơ hội đầu tư vào CW, các công ty chứng khoán vẫn truyền tải thông điệp đây là sản phẩm mang lại cho nhà đầu tư cơ hội phòng hộ rủi ro cũng như đầu tư với chi phí thấp hơn và tính đòn bẩy cao hơn so với cổ phiếu.
Tuy vậy, với những hạn chế hiện nay, chứng quyền mang nhiều đặc điểm của một công cụ đầu cơ hơn trong thị trường giá lên là vai trò phòng ngừa rủi ro. Yếu tố đòn bẩy cao khiến CW trở lên hấp dẫn khi nhìn vào con số lợi nhuận nhưng sẽ là không đầy đủ nếu bỏ qua nguy cơ thua lỗ tương ứng khi xu hướng giá đảo chiều, nhất là sau khi thị giá nhiều CW đã tăng mạnh thời gian qua.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận