Lợi nhuận trước thuế năm 2021 của EVF tăng trưởng 44%
Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (HOSE, mã chứng khoán: EVF) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2021 được kiểm toán với lợi nhuận trước thuế đạt 411,6 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2020.
Theo đó, tổng thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự trong năm 2021 của EVF đạt 1.771,5 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2020. Sau khi trừ đi các khoản chi phí lãi và các chi phí tương tự, EVF đạt thu nhập lãi thuần 786 tỷ đồng.
Đối với các hoạt động khác, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 38,69 tỷ đồng, giảm 37,87 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước; lỗ từ hoạt động kinh doanh ngoại hối là 1,77 tỷ đồng; đáng chú ý nhất là khoản lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư đạt hơn 93 tỷ đồng (tăng 434% so với năm 2020) và khoản lãi thuần từ hoạt động khác đạt 242 tỷ đồng (tăng 163% so với năm trước).
Theo văn bản giải trình chênh lệch lợi nhuận của EVF, thu nhập từ hoạt động khác có được là do đẩy mạnh thu hồi nợ và các thu nhập khác.
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2021 đạt 919,4 tỷ đồng, tăng 316,1 tỷ đồng, tuy nhiên chi phí dự phòng rủi ro tín dụng năm 2021 tăng mạnh, lên đến 507,78 tỷ đồng so với 317,67 tỷ đồng trong năm 2020.
Trong cả năm 2021, lợi nhuận trước thuế của EVF báo lãi 411,6 tỷ đồng. Tại kỳ họp Đại hội cổ đông năm 2021, EVF đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 320 tỷ đồng, như vậy so với kế hoạch, EVF đã vượt 28,6% mục tiêu lợi nhuận trước thuế và tăng trưởng 44% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 330 tỷ đồng, tăng 44,7% so với năm trước và lãi cơ bản trên một cổ phiếu (EPS) cả năm 2021 là 1.027 đồng.
Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản của EVF ghi nhận hơn 32.387 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2020; trong đó cho vay khách hàng tăng 40%, đạt 16.849,9 tỷ đồng (trong đó, dự phòng rủi ro cho vay khách hàng là 202,7 tỷ đồng). Chất lượng nợ cho vay tại 31/12/2021 của EVF đáng chú ý là khoản nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) giảm mạnh 56% so với năm 2020, còn 95,9 tỷ đồng, tuy nhiên khoản nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) lại tăng cao so với năm 2020.
Về nguồn vốn huy động, tiền gửi của khách hàng năm 2021 giảm 33% so với năm trước, còn 4.537,9 tỷ đồng, nhưng việc huy động nguồn được tập trung và tăng trưởng mạnh vào phát hành giấy tờ có giá, đạt được con số lên đến 6.060 tỷ đồng, gấp 12 lần số liệu năm 2020.
Trong năm 2021, EVF đã thực hiện việc tăng vốn điều lệ bằng việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn phân chia lợi nhuận năm 2018 và 2019. Theo đó, vốn điều lệ tăng từ 2.649,8 tỷ đồng lên 3.047 tỷ đồng và tổng vốn chủ sở hữu của EVF đạt 3.984 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2021.
Ngoài ra, ngày 12/1/2022, toàn bộ 304.707.628 cổ phiếu của EVF đã có phiên giao dịch đầu tiên trên HOSE, sau khi được chấp thuận chuyển sàn từ UPCoM sang niêm yết trên HOSE.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận