Lợi nhuận năm 2020 của doanh nghiệp nhà nước giảm sâu vì Covid-19
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất và công ty mẹ của 73 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ – con lần lượt là 116.776 tỉ đồng và 85.764 tỉ đồng, giảm lần lượt 21% và 14% so với năm 2019, theo Bộ Tài chính.
8 doanh nghiệp không thể bảo toàn vốn chủ sở hữu
Báo cáo Quốc hội về về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước năm 2020 tại 73 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ – con, Bộ Tài chính cho biết doanh thu hợp nhất của nhóm doanh nghiệp này đạt 1,416 triệu tỉ đồng, giảm 8% so với năm 2019. Còn doanh thu thuộc về công ty mẹ đạt 907.499 tỉ đồng, giảm 5%.
Lý giải kết quả, Bộ Tài chính rằng phần lớn các DNNN chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 nên tổng doanh thu đều giảm hoặc chỉ tương đương so với mức thực hiện năm 2019. Trong đó, một số công ty mẹ có doanh thu giảm trên 20% so với năm 2019 như Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (56%), Tổng công ty Cà phê Việt Nam (53%), Tổng công ty Du lịch Hà Nội (46%), Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (45%), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (33%), Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (25%)…
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của nhóm doanh nghiệp này là 116.776 tỉ đồng, giảm 21% so với năm 2019. Còn lợi nhuận trước thuế của các công ty mẹ là 85.764 tỉ đồng, giảm 14%.
Nhưng có 5 tập đoàn, tổng công ty ghi nhận lỗ phát sinh – bao gồm số lỗ phát sinh của công ty mẹ và công ty con của tập đoàn, tổng công ty – với giá trị 3.262 tỉ đồng, theo báo cáo hợp nhất.
Cụ thể, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam lỗ phát sinh 1.656 tỉ đồng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lỗ phát sinh 1.182 tỉ đồng, Tổng công ty Cà phê Việt Nam lỗ phát sinh là 77 tỉ đồng, Công ty TNHH MTV 622 – Bộ Quốc phòng lỗ phát sinh 29 tỉ đồng và Tổng công ty Du lịch Sài Gòn lỗ phát sinh 318 tỉ đồng.
Có 4 công ty mẹ ghi nhận lỗ phát sinh. Cụ thể, Công ty mẹ – Tập đoàn Hóa chất Việt Nam lỗ phát sinh 1.119 tỉ đồng do có 2 khoản trích lập dự phòng, gồm: trích lập dự phòng tổn thất đầu tư 15,5 tỉ đồng với phần vốn đầu tư tại Công ty cổ phần phân bón và hoá chất Cần Thơ; trích lập dự phòng phải thu khó đòi 1.741,6 tỉ đồng với Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình sau khi doanh nghiệp này không thanh toán nợ cho Tập đoàn đúng hạn.
Công ty mẹ – Tổng công ty Hàng hải Việt Nam lỗ phát sinh 824 tỉ đồng do phân bổ và trích lập các khoản chi phí theo quy định về cổ phần hoá. Còn Công ty mẹ – Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Công ty TNHH MTV 622 – Bộ Quốc phòng lần lượt ghi nhận số lỗ phát sinh là 1.327 tỉ đồng và 15 tỉ đồng.
Đáng lưu ý, có 11 tổng công ty, tập đoàn Nhà nước còn lỗ lũy kế với giá trị 11.464,2 tỉ đồng và 7 công ty mẹ còn lỗ lũy kế với giá trị hơn 6.000 tỉ đồng tính tới hết năm 2020.
Cụ thể, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam lỗ lũy kế 5.392,8 tỉ đồng, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam lỗ lũy kế 3.170,9 tỉ đồng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lỗ 1.257,3 tỉ đồng, Tổng công ty Cà phê Việt Nam lỗ 848,5 tỉ đồng, Tổng công ty 15 lỗ lũy kế 655 tỉ đồng, Tổng công ty Du lịch Hà Nội lỗ 46,9 tỉ đồng, Tổng công ty Thái Sơn lỗ lũy kế 26,7 tỉ đồng, Công ty TNHH MTV 622 – Bộ Quốc phòng lỗ lũy kế 23,3 tỉ đồng, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn lỗ lũy kế 21 tỉ đồng, Công ty TNHH MTV Đầu tư và PTNN Hà Nội lỗ lũy kế 17,2 tỉ đồng, Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô lỗ lũy kế 4,6 tỉ đồng.
Với kết quả kinh doanh thua lỗ, thậm chí tồn tại lỗ luỹ kế, có 8 tập đoàn, tổng công ty được Bộ Tài chính xác định không thể bảo toàn vốn chủ sở hữu, gồm: Công ty mẹ – Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Công ty mẹ – Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Công ty mẹ – Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Công ty mẹ – Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Công ty mẹ – Tổng công ty 15, Công ty mẹ – Công ty TNHH MTV 622, Công ty mẹ – Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Công ty mẹ – Công ty TNHH MTV Đầu tư và PTNN Hà Nội.
Các khoản nợ phải thu khó đòi
Bộ Tài chính cho biết tổng nợ phải thu khó đòi của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trên báo cáo hợp nhất là 22.619 tỉ đồng tính tới cuối năm 2020 – tăng 45% so với năm 2019 và chiếm 6% tổng nợ phải thu.
Những doanh nghiệp có nợ phải thu khó đòi gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (11.248 tỉ đồng); Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (1.744 tỉ đồng); Tổng công ty Viễn thông MobiFone (695 tỉ đồng); Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (604 tỉ đồng); Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (603 tỉ đồng); Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (498 tỉ đồng)…
Còn tổng nợ phải thu khó đòi của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trên báo cáo của công ty mẹ là gần 21.911 tỉ đồng tính tới cuối năm 2020 – tăng 26% so với năm 2019 và chiếm 7% tổng nợ phải thu. Số nợ này tập trung tại một số doanh nghiệp gồm Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị.
Ngoài ra, một số công ty mẹ có tỷ lệ nợ phải thu trên tổng tài sản trên 50% như: Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô có nợ phải thu 1.365 tỉ đồng, chiếm 66% tổng tài sản; Tổng công ty Thái Sơn có nợ phải thu 2.250 tỉ đồng, chiếm 63%; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có nợ phải thu là 9.989 tỉ đồng, chiếm 57%; Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn có nợ phải thu là 2.512 tỉ đồng, chiếm 56%; Tổng công ty Thành An có nợ phải thu là 1.018 tỉ đồng, chiếm 52%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận