Lợi nhuận DNNY quý I/2023: Nhóm phi tài chính giảm sâu, bất động sản có "cú ngược dòng"
Trái với dự đoán chung, mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng so với nền rất thấp cùng kỳ 2022, nhóm bất động sản được dẫn bởi VHM đã có cú lội ngược dòng lợi nhuận trong quý I/2023.
Nhóm phi tài chính giảm sâu lợi nhuận
Ghi nhận của WiGroup từ báo cáo kết quả kinh doanh (KQKD) quý I/2023 của các doanh nghiệp trên 3 sàn chứng khoán cho thấy, sau KQKD kém tích cực trong quý 4/2022 với (lợi nhuận sau thuế (LNST) đi lùi 30% so với cùng kỳ, thì quý đầu tiên của năm 2023 tiếp tục gây thất vọng.
Phân tích sâu vào cơ cấu dữ liệu LNST của từng nhóm, nhóm tài chính - dẫn đầu bởi các ngân hàng, vẫn ghi nhận tăng trưởng dương, tuy nhiên khó tránh sụt giảm so với cùng kỳ năm trước trong môi trường kinh doanh lãi suất cao, tín dụng hấp thụ thấp và áp lực đảm bảo chất lượng tài sản trở nên ngày càng nặng hơn bởi nút thắt trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản tháo cởi về chính sách nhưng chưa hoàn toàn hồi phục. Song nếu như ngành ngân hàng chỉ giảm 4,5% LNST so với cùng kỳ, và nhóm này với tỷ trọng vốn hóa, tỷ trọng lợi nhuận trong nhóm VN30 phần nào đỡ lại đà sụt giảm chung của toàn thị trường, thì nhóm phi tài chính khó tránh đà tuột dốc, kéo theo những con số trì trệ.
WiGroup thống kê, sự sụt giảm của LNST toàn thị trường đến chủ yếu từ nhóm phi tài chính khi mà nhóm này đã có 2 quý liên tiếp ghi nhận mức giảm LNST trên 50% svck. Theo nhóm phân tích, sự sụt giảm này thật ra lại không quá khó dự đoán khi mà chỉ số PMI các tháng đầu năm đã cho thấy sự đình trệ của lĩnh vực sản xuất và các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn rất lớn trong việc tìm kiếm các đơn hàng mới.
Bất động sản: Khó khăn, ngoại trừ "cú ngược dòng" VHM
Đáng chú ý, ở một diễn biến khác, VHM là doanh nghiệp hiếm hoi có kết quả kinh doanh đi ngược thị trường khi ghi nhận mức LNST tăng trưởng gấp 2,5 lần svck (lãi sau thuế của VHM đạt 11.923 tỷ đồng trong quý vừa rồi) và kéo lại đà giảm cho toàn thị trường.
Nếu loại trừ lãi tăng cao của VHM, nhóm BĐS vẫn sụt giảm hơn 50% LNST trong quý I/2023
Cũng phải nói thêm VHM ghi nhận lãi không hoàn toàn đến từ phân phối bất động sản ra thị trường như một chỉ dấu của sự phục hồi thị trường bất đọng sản từ phía nguồn cầu. Với doanh thu thuần đạt 29.299 tỷ đồng, tăng 228% so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu nhờ bàn giao 2.600 căn bất động sản thấp tầng tại Đại dự án Vinhomes Ocean Park 2, VHM còn có doanh thu hoạt động tài chính đạt gần 11.300 tỷ đồng, gấp 3 lần quý 1/2022, trong đó hơn 8.500 tỷ từ việc chuyển nhượng khoản đầu tư. Trong thuyết minh, Vinhomes cho biết con số này chủ yếu là lãi từ chuyển nhượng khoản đầu tư vào các công ty con đang sở hữu một phần các dự án bất động sản.
Tuy ngành phát triển bất động sản có kết quả khá bất ngờ so với kỳ vọng của các nhà phân tích vì dù trong giai đoạn tương đối khó khăn của thị trường thì LNST của ngành này vẫn tăng gần 40% svck, nhưng các chuyên gia cũng phân tích, nếu loại trừ đóng góp của VHM ra khỏi LNST chung của toàn ngành thì ngành BĐS lại cho thấy sự sụt giảm đáng kể (giảm hơn 50% trong quý 1/2023).
"Điều đó cho thấy về bản chất thì ngành BĐS vẫn không nằm ngoài những khó khăn chung của thị trường mặc dù con số tăng trưởng chung được thể hiện tương đối khả quan".
Ở chiều ngược lại với bất động sản, WiGroup chỉ ra 2 ngành có KQKD gây thất vọng nhất phải kể đến ngành hoá chất (do giá phốt pho và phân bón giảm sâu) và môi giới chứng khoán (do thanh khoản thị trường yếu kém).
Chờ tín hiệu tốt quý sau?
Tín hiệu tốt cho thị trường và các niêm yết nói chung là, khả năng thanh toán lãi vay của các doanh nghiệp phi tài chính niêm yết trên sàn đã có sự cải thiện, tuy nhiên vẫn còn ở mức khá thấp nếu so với mặt bằng chung các năm gần đây.
"Có thể thấy giai đoạn cuối năm 2022 đánh dấu thời điểm thanh khoản của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp niêm yết nói riêng xuống mức thấp kỷ mục, với khả năng đảm bảo lãi vay (EBITDA/lãi vay) toàn thị trường chỉ đạt 4,8 lần.
Trong quý 1 năm nay, NHNN đã thực hiện giảm lãi suất điều hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế và hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng. Do đó, chúng tôi kỳ vọng thanh khoản của nền kinh tế sẽ ổn định hơn trong giai đoạn tới", các chuyên gia phân tích.
Điều đó cũng đồng nghĩa rằng trong trường hợp mà đầu tư công được đẩy mạnh hơn nữa, các chính sách tài khóa như thuế, phí... chính thức đi vào áp dụng cơ chế giảm, giãn... như kế hoạch; và quan trọng không kém là chính sách tiền tệ nới lỏng thêm với giá vốn giảm thấp hơn, độ trễ giảm lãi vay rút ngắn... thì đây sẽ là các "chất xúc tác" cho hồi phục kinh doanh và lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng sẽ khả quan hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận