Lợi nhuận Đạt Phương “dềnh” lên theo dòng nước lớn, cổ phiếu lập đỉnh mới
Dòng nước lớn từ thượng lưu đổ về đã giúp “cuốn sạch” khoản lỗ luỹ kế của CTCP Đạt Phương (mã DPG) và đẩy kết quả kinh doanh mảng thuỷ điện của công ty tăng mạnh.
Nước chuyển dòng
Những ngày cuối tháng 3/2021, công trường dự án Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum chứng kiến sự kiện quan trọng khi tổ máy đầu tiên chính thức hoà lưới điện quốc gia.
Sau hơn 10 năm triển khai qua không ít khó khăn, dự án thủy điện chuyển nước từ sông Đắk Nghé (KonTum) về sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) qua đường hầm dài 17 cây số nằm sâu trong lòng núi đã đi vào hoạt động. Ngoài là cột mốc đối với chủ đầu tư dự án, bên hưởng lợi khi dự án vận hành còn là các nhà máy thủy điện nằm dọc hạ lưu sông.
Dòng nước lớn từ thượng lưu đổ về đã giúp “cuốn sạch” khoản lỗ luỹ kế của công ty và đẩy kết quả kinh doanh mảng thuỷ điện của Đạt Phương tăng mạnh. Theo báo cáo tài chính quý II, Đạt Phương đã không còn phải trích lập dự phòng hơn 36 tỷ đồng đối với khoản đầu tư gần 384 tỷ đồng vào Công ty cổ phần 30-4 Quảng Ngãi như thời điểm 31/3/2021.
Thêm đó, trên báo cáo hợp nhất, doanh thu lĩnh vực sản xuất điện đạt 235 tỷ đồng, cao gấp đôi 6 tháng đầu năm 2020. Kết quả kinh doanh theo bộ phận đạt 170,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ thu về trên 52 tỷ đồng. Riêng quý II/2021, doanh thu và kết quả kinh doanh mảng sản xuất điện lần lượt đạt 124 tỷ đồng và 91 tỷ đồng.
Ba trụ cột kinh doanh
Đạt Phương hoạt động trong 3 lĩnh vực chính gồm xây lắp, thủy điện và bất động sản. Ở thời điểm doanh nghiệp này mới niêm yết trên HoSE hồi năm 2017, xây lắp là mảng kinh doanh chính góp 90% doanh thu. Tuy nhiên, ba trụ cột hiện đã ngang ngửa nhau, nhất là sau sự vươn lên của mảng thuỷ điện. Theo báo cáo tài chính của công ty, doanh thu từ hoạt động kinh doanh nửa đầu năm 2021 của Đạt Phương đạt 986 tỷ đồng, tăng 1,75% so với cùng kỳ.
Trong đó, lĩnh vực xây lắp thu hẹp cả về quy mô doanh thu và tỷ suất lợi nhuận. Doanh thu mảng này chỉ đạt gần 350 tỷ đồng, giảm 6,16% so với cùng kỳ. Mỗi 100 đồng doanh thu chỉ giúp Đạt Phương thu về 3,4 đồng lãi, trong khi tỷ lệ này năm trước đạt gần 10%. Doanh thu mảng bất động sản cũng thu hẹp nhưng biên lợi nhuận được cải thiện nên đóng góp 184 tỷ đồng vào kết quả kinh doanh, cao gấp rưỡi cùng kỳ.
Các khoản chi phí như lãi vay, bán hàng hay quản lý doanh nghiệp đều giảm so với cùng kỳ. Nhờ đó, lợi nhuận của Đạt Phương vẫn tăng gấp ba lần bất chấp doanh thu đi ngang. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế nửa đầu năm 2021 đạt 231 tỷ đồng và 175 tỷ đồng. Thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu sau 5 tháng đạt 3.842 đồng, trong khi cùng kỳ chỉ hơn 1.500 đồng.
Mảng sản xuất điện trở thành động lực tăng trưởng chính cả về doanh thu và lợi nhuận. Ngoài công ty con 30-4 Quảng Ngãi, Đạt Phương còn sở hữu công ty Sông Bung cũng trong lĩnh vực thuỷ điện. Công ty còn lên kế hoạch tiếp tục đầu tư dự án Sơn Trà 1C tại CTCP 30-4 Quảng Ngãi và liên doanh để thực hiện dự án thuỷ điện Ea Pô tại tỉnh Đăk Nông nhưng thoả thuận chưa thực hiện xong.
Dù tăng trưởng là điều nhìn thấy rõ ràng ở mảng thuỷ điện nhưng cũng phải nhìn nhận rằng đẩu là sự cải thiện từ mức nền thấp trước đây khi dòng nước đổ về không nhiều như dự tính. Trong tổng quy mô tài sản gần 5.170 tỷ đồng của Đạt Phương, giá trị tài sản của lĩnh vực sản xuất điện lên tới 2.445 tỷ đồng, cao hơn cả hai trụ cột còn lại. Đây cũng là mảng sử dụng nguồn vốn vay nhiều nhất (1.636 tỷ đồng), tài trợ cho 2/3 nhu cầu vốn của mảng kinh doanh này.
Lĩnh vực đầu tư bất động sản cũng góp đáng kể vào tăng trưởng lợi nhuận nửa đầu năm. Đạt Phương đang đầu tư loạt dự án bất động sản, phần lớn ở khu vực Quảng Nam – Đà Nẵng.
Theo cập nhật đến cuối năm 2020, các dự án này bao gồm khu đô thị Võng Nhi – Casamia (15,6 ha) với 173/214 căn đã phân phối; khu đô thị Đồng Nà (6,4ha) được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư; khu đô thị Cồn Tiến (30 ha) với 18,36 ha đã được giao nhưng cũng còn đến 4 ha chưa giải phóng mặt bằng; khu đô thị ven biển Bình Dương (183 ha) với 107,53 ha đã giải phóng mặt bằng…
Hồi giữa tháng 7 vừa qua, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam đã có công văn không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại hai dự án Khu đô thị Cồn Tiến và Khu đô thị Dịch vụ Đồng Nà.
Bởi theo ý kiến của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Công an tỉnh Quảng Nam, khu vực đầu tư xây dựng dự án là khu vực không cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu theo quy định.
Quyết định này sẽ thu hẹp đối tượng mua bất động sản tại hai dự án của Đạt Phương. Đến cuối quý II/2021, số tiền các khách hàng trả trước tiền mua căn hộ là 309,5 tỷ đồng, khá cao so với thời điểm cuối các quý gần đây và chiếm khoảng 6% tổng nguồn vốn gần 5.170 tỷ đồng của công ty. Phần lớn nguồn vốn của công ty đến từ kênh tín dụng và phát hành trái phiếu, gồm 822 tỷ đồng vay nợ ngắn hạn với thời hạn trả còn dưới 1 năm và 1.577 tỷ đồng nợ dài hạn. Tỷ lệ nợ tại ngày 30/6 xấp xỉ 68,3%.
Giá cổ phiếu DPG xác lập đỉnh mới
Kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh của Đạt Phương trong quý II vừa qua là động lực đẩy giá cổ phiếu DPG tăng mạnh. Giá đóng cửa ngày 13/8 là 40.000 đồng/cổ phiếu, mức cao nhất trong lịch sử giao dịch (tính theo giá đã điều chỉnh sau các đợt chia cổ tức, cổ phiếu thưởng). Mức giá trên gấp đôi giá cổ phiếu DPG hồi cuối tháng 3/2021.
EPS 4 quý liên tiếp đạt 6.732 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sau đợt chia thưởng cổ phiếu tỷ lệ 100:40 hoàn tất giữa tháng 7/2021, lượng cổ phiếu của Đạt Phương đã tăng lên từ 45 triệu cổ phiếu lên 63 triệu cổ phiếu, EPS ước tính suy giảm còn hơn 4.800 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là rủi ro pha loãng trong tương lai, nhất là khi tình hình thuỷ văn là yếu tố khó đoán định và mức nền so sánh từ năm sau sẽ không còn ở mức thấp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận