24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Anh Đức
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc lao dốc do áp lực giảm phát

Lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc, thước đo kinh doanh của các nhà máy, khu mỏ và công ty dịch vụ tiện ích, lao dốc trong tháng trước do áp lực giảm phát và nhu cầu trong nước suy yếu.

Giá bán từ các nhà máy ở Trung Quốc đã giảm liên tục suốt 24 tháng qua, làm tăng áp lực triển khai thêm chính sách kích thích để đạt mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay.

Lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc lao dốc do áp lực giảm phát
Thợ hàn làm việc tại một nhà máy lắp ráp ô tô ở thành phố Thanh Châu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Tình trạng giảm giá và nhu cầu yếu khiến lợi nhuận của ngành ô tô Trung Quốc trong tháng 8 giảm 21,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Xinhua
Lợi nhuận giảm mạnh do nhu cầu yếu, giá bán giảm

Lợi nhuận trong tháng 9 của các công ty sản xuất công nghiệp lớn của Trung Quốc, có doanh thu hàng năm 20 triệu nhân dân tệ trở lên, giảm 27,1% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 17,8% trong tháng 8, theo dữ liệu công bố hôm 27-10 của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS).

Đây là mức giảm lợi nhuận hàng năm lớn nhất của các công ty này trong năm nay. Lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm cũng giảm 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chuyên gia thống kê Wei Ning của NBS cho biết, lợi nhuận công nghiệp sụt giảm trong tháng trước là do các yếu tố như nhu cầu không đủ và giá bán của nhà sản xuất giảm mạnh hơn.

Thế nhưng, chuyên gia này tin rằng, các biện pháp hỗ trợ chính sách gần đây sẽ thúc đẩy môi trường thuận lợi cho sản xuất và hoạt động của các công ty công nghiệp, hỗ trợ phục hồi và cải thiện lợi nhuận của họ.

Trong năm nay, chính phủ Trung Quốc đã nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cấp hoạt động sản xuất trong mọi lĩnh vực, từ năng lượng sạch đến trí tuệ nhân tạo (AI).

NBS ghi nhận, lợi nhuận của các ngành công nghệ cao tăng 6,3% trong chín tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Một điểm sáng khác là ngành dệt may và đồ nội thất báo cáo lợi nhuận tăng trưởng hơn 10% trong giai đoạn này.

Số liệu u ám về lợi nhuận công nghiệp được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh chịu áp lực ngày càng tăng trong việc hỗ trợ nền kinh tế sau chuỗi dữ liệu đáng thất vọng làm nổi bật tác động của cơn suy thoái bất động sản trong nhiều năm và nhu cầu tiêu dùng yếu hơn.

Hồi cuối tháng 9, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc công bố một loạt biện pháp nhằm tăng cường niềm tin và hỗ trợ thị trường chứng khoán và nhà ở.

Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc sẽ họp từ ngày 4 đến ngày 8-11 sắp tới. Đây là sự kiện sẽ được nhà đầu tư và nhà kinh tế theo dõi chặt chẽ để nắm bắt thông tin cập nhật về kế hoạch chi tiêu của chính phủ.

Các nhà quan sát kinh tế kỳ vọng, cuộc họp sẽ xác nhận kế hoạch tái cấp vốn cho khoản nợ của chính quyền địa phương và phát hành trái phiếu chính phủ để bơm vốn vào ngành ngân hàng. Các nhà đầu tư mong đợi các biện pháp kích thích mới dưới hình thức mở rộng cho vay và chi tiêu công nhiều hơn.

Áp lực giảm phát gia tăng

Giá cả tiêu dùng ở đất nước đông dân thứ hai thế giới vẫn nằm gần mức giảm phát, chỉ tăng 0,4% trong tháng Chín. Trong khi đó, chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) giảm 2,8% trong tháng trước. Chỉ số này, theo dõi giá bán tại cửa nhà máy, đã giảm tháng thứ 24 liên tiếp, phản ánh nhu cầu trong nước yếu ớt.

NBS cho biết, đà suy giảm kéo dài của giá bán từ cổng nhà máy đang gây áp lực lớn lên lợi nhuận và doanh thu của doanh nghiệp.

Các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs lưu ý, lợi nhuận trong các ngành công nghiệp hạ nguồn (sản xuất và lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh) nhìn chung không thay đổi so với mức trước Covid-19.

Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5% trong năm 2024. Tuy nhiên, GDP quí 3 của Trung Quốc chỉ tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ đầu năm 2023.

Dữ liệu gần đây cũng chỉ ra áp lực giảm phát gia tăng, tăng trưởng xuất khẩu yếu hơn và nhu cầu vay giảm, làm dấy lên lo ngại về sự phục hồi kinh tế, làm tăng áp lực kích thích tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng.

Tình trạng giảm giá và nhu cầu yếu khiến lợi nhuận của ngành ô tô Trung Quốc trong tháng Tám giảm 21,4% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 30,5 tỉ nhân dân tệ, theo dữ liệu từ Hiệp hội xe khách Trung Quốc (CPCA).

Các nhà chức trách đã tăng cường các biện pháp kích thích chính sách, bao gồm cắt giảm lãi suất, kể từ cuối tháng 9 để đảm bảo tăng trưởng sẽ đạt mục tiêu khoảng 5% trong năm nay mà Bắc Kinh đặt ra.

Sau thông báo hồi cuối tháng trước của Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBoC) về các biện pháp hỗ trợ tiền tệ tích cực nhất kể từ đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc, Lam Phật An tuyên bố sẽ có nhiều biện pháp kích thích tài khóa hơn để vực dậy nền kinh tế nhưng không đưa ra con số cụ thể.

Quy mô của gói kích thích dự kiến ​​này đang trở thành chủ đề đầu cơ mạnh mẽ trên thị trường tài chính Trung Quốc.

Đầu tháng này, hãng truyền thông địa phương Caixin Global dẫn các nguồn thạo tin cho biết, Trung Quốc có thể huy động 6 ngàn tỉ nhân dân tệ (gần 843 tỉ đô la Mỹ) từ trái phiếu đặc biệt của chính phủ trong ba năm tới để kích thích kinh tế.

Theo Financial Times, Reuters, Bloomberg

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả