24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hồng Ngọc
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lợi nhuận các CTCK: Hạ nhiệt theo thị trường

Lợi nhuận quý I/2022 của các công ty chứng khoán (CTCK) nhìn chung vẫn tăng trưởng khá tốt so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên nếu so với quý liền trước thì đã chững lại, trong bối cảnh thị trường chứng khoán có dấu hiệu giảm nhiệt.

TCBS tiếp tục dẫn đầu

Sau một năm bội thu cùng với sự thăng hoa của thị trường chứng khoán, bước vào quý đầu tiên của năm 2022, các công ty chứng khoán nhìn chung vẫn đạt được tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái trong cả doanh thu hoạt động và lợi nhuận sau thuế.

Dẫn đầu về doanh thu hoạt động vẫn là những cái tên quen thuộc như Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS (đạt hơn 2.505 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (đạt hơn 2.007 tỷ đồng), Công ty Cổ phần chứng khoán VNDirect (đạt 1.767 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS, đạt 1.693 tỷ đồng) và Công ty Cổ phần Chứng khoán TP. HCM (HSC, đạt 1.068 tỷ đồng).

Trong top 5 các công ty chứng khoán nêu trên, HSC là đơn vị duy nhất có doanh thu hoạt động đi lùi so với cùng kỳ, cụ thể giảm 8%. Bốn đơn vị còn lại đều đạt được mức tăng trưởng đáng kể, từ 31% đến 65% với động lực chủ yếu từ hoạt động môi giới chứng khoán và cho vay, riêng TCBS động lực chính đến từ nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán – thế mạnh lâu nay của công ty này.

Diễn biến lợi nhuận sau thuế của 5 công ty này cũng tương tự khi HSC tiếp tục sụt giảm, 4 công ty còn lại đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng từ 19% đến 67%. Trong đó, TCBS vượt mặt các “ông lớn” trong ngành, dẫn đầu về lợi nhuận sau thuế với giá trị thu về là 940 tỷ đồng trong quý I. Theo ngay sau là VNDirect với khoản lợi nhuận 762 tỷ đồng, SSI đạt 706 tỷ đồng.

Đáng chú ý, “trùm doanh thu” VPS tụt hậu về sau trong bảng xếp hạng lợi nhuận sau thuế khi chỉ đạt 241 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu do tăng chi phí hoạt động, lỗ tự doanh và hoạt động tài chính kém sắc.

Theo thống kê, các công ty chứng khoán có tốc độ tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm ngoái có thể kể đến như Công ty Cổ phần Chứng khoán KS (doanh thu hoạt động tăng gấp 108 lần; lợi nhuận sau thuế tăng gấp 245 lần); Công ty Cổ phần Chứng khoán SmartInvest (doanh thu tăng gấp 2,3 lần; lợi nhuận sau thuế tăng gấp 29 lần); Công ty Cổ phần Chứng khoán Hoà Bình (doanh thu tăng gấp 4,9 lần; lợi nhuận sau thuế tăng gấp 18 lần); Công ty Cổ phần Chứng khoán APG (doanh thu và lợi nhuận sau thuế đều tăng gấp 8,8 lần),… Điểm chung của các công ty chứng khoán này là quy mô vốn ở mức nhỏ và vừa.

“Góc tối” trong bức tranh lợi nhuận công ty chứng khoán trong quý I là những đơn vị ghi nhận thua lỗ như Công ty Cổ phần Chứng khoán Đại Việt (lỗ sau thuế 5,2 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Chứng khoán FUNAN (lỗ sau thuế 7,5 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Chứng khoán Phố Wall (lỗ 12,4 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Chứng khoán Globalmind Capital (lỗ 3,5 tỷ đồng)… Nguyên nhân chủ yếu đến từ hoạt động tự doanh kém hiệu quả, cùng với đó là chi phí gia tăng.

Lợi nhuận chững lại so với quý trước

Nhìn kỹ hơn vào bức tranh kết quả kinh doanh của công ty chứng khoán, không khó để nhận ra đã có sự sụt giảm không nhỏ trong cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế so với quý IV/2021. Ngay cả những “ông lớn” như VNDirect, SSI cũng không thể duy trì được đà tăng trưởng so với quý liền trước. Doanh thu hoạt động của 2 công ty này trong quý I/2022 lần lượt giảm 15% và giảm 17% so với quý IV/2021, lợi nhuận sau thuế lần lượt giảm 9% và 29%.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) và Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cũng là hai công ty có doanh thu hoạt động và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lại sụt giảm so với quý IV/2021. Nhiều cái tên có diễn biến doanh thu và lợi nhuận tương tự là Công ty Cổ phần Chứng khoán Hoàng Gia (IRS), Công ty Cổ phần Chứng khoán AIS, KSS, SmartInvest, APG,…

Nhìn lại thị trường trong 3 tháng đầu năm, chỉ số VN-Index quý I giảm 0,4% so với thời điểm đầu năm. Theo thống kê, VN-Index đã 6 lần vượt qua mốc 1.500 điểm nhưng cứ mỗi lần vượt qua không bao lâu lại mất mốc này. Thị trường chứng khoán trong quý đầu năm được nhận định là tương đối ảm đạm và nhà đầu tư tỏ ra khá thận trước căng thẳng chính trị Ukraine – Nga, lạm phát và thông tin tiêu cực từ xung quanh việc thao túng cổ phiếu.

Việc lợi nhuận sau thuế của phần lớn công ty chứng khoán trong quý I/2022 mất đà tăng trưởng so với cuối năm 2021 diễn ra tương đồng với tình hình thị trường chứng khoán. Trên thực tế, với mức nền cao được thiết lập trong năm 2021 khi đa số các công ty chứng khoán trong năm vừa qua đều “bội thu”, việc lợi nhuận có phần hạ nhiệt trong quý đầu năm nay là điều dễ hiểu, nhất là khi thị trường năm 2022 đã và có thể bị tác động bởi nhiều yếu tố.

Chính các công ty chứng khoán cũng hiểu rõ về diễn biến này và thận trọng hơn khi lên kế hoạch kinh doanh năm 2022. Nhiều công ty đã đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận giảm so hoặc chỉ tăng nhẹ so với mức thực hiện năm 2021. Đơn cử như ở VCSC, đại hội đồng cổ đông thường niên của công ty chứng khoán này đã thông qua kế hoạch doanh thu giảm 13%, lợi nhuận trước thuế tăng nhẹ 2,7%, lần lượt đạt 3.240 tỷ đồng và 1.900 tỷ đồng.

Hay như Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS) đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu năm 2022 là 1.090 tỷ đồng, giảm 3,7% so với mức thực hiện năm 2021 và lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm 6,3%, tương ứng đạt 680 tỷ đồng. Công ty Cổ phẩn Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng thận trọng khi lên kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận trước thuế mục tiêu giảm 5,5%, đạt 504 tỷ đồng.

Ngay cả TCBS – “ông trùm” trái phiếu cũng đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đi lùi trong năm 2022, dự kiến giảm 12% xuống 2.401 tỷ đồng.

Tuy vậy, vẫn có “ông lớn” đặt kế hoạch tham vọng dù rằng chính họ cũng không thực sự lạc quan vào triển vọng thị trường năm 2022.

Chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên, đại diện SSI cho rằng thị trường chứng khoán sẽ diễn biến thận trọng trong nửa đầu năm và rõ ràng hơn về triển vọng vào nửa cuối năm. Tuy nhiên, công ty chứng khoán này vẫn đặt kế hoạch đạt 10.330 tỷ đồng doanh thu hợp nhất trong năm 2022, tăng trưởng 31% so với năm 2021; lợi nhuận trước thuế 4.370 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với số thực hiện năm 2021.

Đây thực sự là kế hoạch kinh doanh đầy thử thách, nhất là nếu nhìn vào diễn biến thị trường chứng khoán trong hơn 1 tháng trở lại đây. Tính từ ngày 7/4 đến ngày 16/5, chỉ số VN-Index đã “lao dốc không phanh” từ 1.522 điểm về 1.171 điểm, tương đương giảm lên tới 23%. Song song, thanh khoản thị trường cũng sụt giảm nghiêm trọng, có phiên chỉ bằng một nửa so với trung bình các tháng trước đây.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả