Lợi ích nhóm trong quy hoạch Hà Nội: Nhóm lợi ích chi phối quy hoạch khi duyệt một đường, điều chỉnh một nẻo
Những bản quy hoạch chỉnh chu được phê duyệt nhưng khi thực hiện lại được điều chỉnh một đến nhiều lần, hầu hết điều chỉnh đều có lợi cho các chủ đầu tư, đó là những dấu hiệu của lợi ích nhóm.
Điều chỉnh quy hoạch theo ý chủ đầu tư
Trụ sở Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) kết hợp văn phòng cho thuê được xây dựng trên tuyến đường Lê Văn Lương. Theo kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng dự án này đã được điều chỉnh chức năng từ nhà ở cho thuê, cao 15 tầng thành văn phòng, khách sạn, thương mại cao 32 tầng. Dự án này được điều chỉnh quy hoạch 2 lần dù không thuộc các trường hợp được điều chỉnh, không tính toán giải pháp về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Một dự án khác là dự án dịch vụ thương mại, công cộng nhà ở và nhà trẻ do Công ty cổ phần dịch vụ và kinh doanh bất động sản Hà Nội làm chủ đầu tư được điều chỉnh quy hoạch tới 5 lần, sai quy định pháp luật, nâng từ 18,5 tầng lên 35 tầng, tăng thêm dân số gần 3.100 người.
Dự án tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở Thành An Tower trên đường Lê Văn Lương cũng được Thanh tra Bộ Xây dựng điểm tên. Theo đó, UBND thành phố Hà Nội đã điều chỉnh quy hoạch ba lần, Sở Quy hoạch và Kiến trúc một lần chấp thuận phương án tổng mặt bằng. Bốn lần điều chỉnh đã làm thay đổi từ đất cơ quan cải tạo chỉnh trang (năm 2002, 2006) thành cơ quan văn phòng cao 25 tầng (năm 2008), thành văn phòng, dịch vụ thương mại và căn hộ chung cư để bán (năm 2010). Việc điều chỉnh quy hoạch dự án làm tăng diện tích, mật độ xây dựng, tăng số tầng từ 5 thành 30 tầng, tăng quy mô dân số từ 500 lên trên 1.300 người.
Về sinh sống tại khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính hơn 10 năm nay, anh Nguyễn Văn Long cũng chứng kiến sự đổi thay của khu vực này tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu: “Trước đây, khu vực Lê Văn Lương khá thưa vắng, ít nhà cao tầng. Sau 10 năm, chung cư và nhà cao tầng đã nêm kín tuyến đường chỉ dài 2km. Ùn tắc giao thông là chuyện cơm bữa, người dân ở đây còn lo ngại thiếu trường học có thể xảy ra trong tương lai”.
Tuyến đường Lê Văn Lương dài hơn 2km nhưng có tới 40 toà cao ốc, chung cư cao tầng có độ cao trung bình từ 20 - 30 tầng "bủa vây". Nhiều công trình cao ốc, chung cư dọc tuyến đường này được điều chỉnh quy hoạch "nhồi" thêm dân cư vào khu vực. Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, tại tuyến đường Lê Văn Lương có 15 dự án, UBND thành phố Hà Nội và Sở Quy hoạch Kiến trúc đã tiến hành điều chỉnh quy hoạch tăng chiều cao công trình, tăng số tầng, tăng mật độ xây dựng…
Kết luận Thanh tra Bộ Xây dựng cũng chỉ ra trách nhiệm của UBND thành phố Hà Nội và Sở Quy hoạch Kiến trúc đã vi phạm Quyết định 130 của Thủ tướng Chỉnh phủ ngày 23/1/2015 về việc không bố trí các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, hạ tầng xã hội, kỹ thuật đô thị, mà ưu tiên đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp.
UBND thành phố Hà Nội trả lời kiến nghị cử tri trước kỳ họp HĐND lần thứ 10, về quy hoạch đường Lê Văn Lương. Khẳng định hai bên trục đường Lê Văn Lương được xây dựng đúng định hướng quy hoạch. UBND thành phố Hà Nội cho biết, chiều cao tối đa của tòa nhà hai bên đường Lê Văn Lương là 45 tầng. Tuy nhiên, chính quyền Hà Nội không trả lời về mật độ xây dựng khi tập trung 40 toà cao ốc ở quãng đường dài 2 km?
Lợi ích cộng đồng bị xem nhẹ
GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch để tăng thêm mật độ xây dựng, tăng thêm chiều cao công trình, đặc biệt các công trình thương mại, không phải công trình công cộng thì đương nhiên sẽ mang lại lợi ích cho nhà đầu tư nhiều hơn và lợi ích của nhà đầu tư đó được phân bổ đi đâu thì rất khó để phỏng đoán. Cho nên, để đi đến nhận định có yếu tố lợi ích nhóm hay không thì các cơ quan có thẩm quyền phải xem các dòng tiền, các yếu tố quan hệ khi các quyết định điều chỉnh này ra đời như thế nào.
“Sự thay đổi của quy hoạch là cần thiết để đảm bảo tính thích ứng, tính phù hợp. Tuy nhiên, trên thực tế, những dự án quy hoạch thay đổi đã phá vỡ quy hoạch, mục tiêu tạo ra sự thay đổi bản chất của quá trình phát triển sẽ không còn mà sẽ chuyển sang hướng là lợi dụng các quy định luật pháp cho phép để trục lợi” - GS.TS Hoàng Văn Cường thẳng thắn nói.
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, cần phải làm tốt công tác quy hoạch tổng thể về xây dựng đô thị. Những đô thị lớn, chúng ta đã làm khá tốt. Khi chúng ta làm quy hoạch tổng thể thường mang tính chất cân đối, đồng bộ, không tạo ra tình trạng manh mún, chắp vá. Nhưng trong quá trình quản lý, thực hiện có những điều chỉnh hoặc có những chỗ buông lỏng quản lý quy hoạch, làm sai quy hoạch thì sẽ dẫn tới tình trạng chắp vá, chồng chéo. Do đó, việc cần làm tới đây là phải quản lý chặt chẽ các quy hoạch đã được phê duyệt, quy hoạch tổng thể.
“Phải rất cân nhắc, hạn chế việc điều chỉnh quy hoạch, chỉ điều chỉnh quy hoạch khi thật cần thiết và nên mang tính chất cục bộ của nội bộ dự án chứ không phải điều chỉnh để làm thay đổi các yếu tố cân đối tổng thể. Chúng ta cũng phải làm nghiêm việc quản lý quy hoạch để tránh tình trạng quy hoạch lên rồi lại làm sai, sau đó lại tìm cách xử lý, hợp pháp hóa cho các sai phạm đó” - GS.TS Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.
Nhóm lợi ích là có cơ sở
Theo PGS.TS.KTS Nguyễn Quang Minh (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) việc điều chỉnh quy hoạch một trục đường hay 1 khu vực đòi hỏi sự cân nhắc cẩn trọng, tỉ mỉ và sự tham vấn ý kiến của các nhà chuyên môn cũng như cộng đồng. Tuy nhiên, thời gian qua, việc điều chỉnh quy hoạch này rất dễ dàng và nhanh chóng khiến nhiều người đặt câu hỏi "có hay không lợi ích nhóm trong đó?".
“Theo ý kiến của tôi, những nghi ngờ về lợi ích nhóm hoàn toàn có cơ sở vì việc điều chỉnh quy hoạch, tầng cao lên rất nhiều lần, rõ ràng đem lại lợi ích lớn hơn nhiều cho chủ đầu tư - đơn vị được hưởng lợi rất nhiều từ việc điều chỉnh quy hoạch này. Còn phần thua thiệt sẽ thuộc về cộng đồng dân cư sinh sống trong khu vực cũng như những người có việc phải đi lại hàng ngày qua tuyến đường đó và rộng hơn là cư dân của toàn bộ đô thị, bởi bộ mặt kiến trúc của đô thị là vấn đề của toàn dân chứ không phải chỉ riêng cư dân sống trong khu vực đó” - PGS.TS.KTS Nguyễn Quang Minh nói.
Bản chất của quy hoạch là đem lại lợi ích cho cộng đồng, nếu không phục vụ toàn bộ thì cũng phải cho số đông, còn nếu việc điều chỉnh quy hoạch chỉ đem lại lợi ích cho 1 nhóm hoặc 1 số ít đối tượng thì đó không đúng bản chất cũng như mục đích quy hoạch.
“Việc dư luận đặt câu hỏi liệu có lợi ích nhóm trong điều chỉnh quy hoạch hay không là hoàn toàn có cơ sở và cần phải sớm đưa ra kết luận chính xác để có thể giải tỏa những nghi ngờ này nếu có lợi ích nhóm thì cũng cần phải có chế tài xử lý về mặt pháp luật” - PGS.TS.KTS Nguyễn Quang Minh nêu ý kiến.
Kẽ hở của việc điều chỉnh quy hoạch chính là trong quy trình. Quy trình quy hoạch có thể được thiết lập cách đây 10-20 năm thậm chí lâu hơn nữa nên không còn đáp ứng được thực tiễn. Quy trình cũ vô hình chung sẽ là rào cản, đặt ra vấn đề phải điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với quá trình phát triển. Việc điều chỉnh quy hoạch lại thiếu sự giám sát của các chuyên gia cũng như cộng đồng càng là cơ hội để nảy sinh những bất cập.
“Việc điều chỉnh quy hoạch này trước hết cần tham vấn ý kiến của các chuyên gia quy hoạch, ngoài các chuyên gia quy hoạch còn cần có ý kiến các chuyên gia liên ngành; như: chuyên gia về giao thông, về hạ tầng kỹ thuật, về kiến trúc hay chuyên gia về các vấn đề xã hội của đô thị và công đồng dân cư. Từ đó có được góc nhìn đa chiều và cân nhắc lợi ích của việc điều chỉnh quy hoạch sao cho cộng đồng chính là đối tượng thụ hưởng những giá trị mà quy hoạch đem lại cũng như hạn chế được những điểm bất lợi của việc điều chỉnh quy hoạch” - PGS.TS.KTS Nguyễn Quang Minh nói.
VOV.VN tiếp tục phân tích về vấn đề này./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận